Sunday

Xa Loi cua ba Quang Khanh

XÁ LỢI CỤ BÀ QUẢNG-KHÁNH
HUỲNH-THI-DỀN, 84 TUỔI
Vãng sanh ngày 22-5-2000


Tập phụ lục “Những Chuyện Vãng-Sanh Lưu Xá-Lợi” của chúng tôi vừa hoàn thành chờ gởi đến nhà in thì chúng tôi được anh Huỳnh-Hớn-Vinh gọi điện thọai cho biết: “Sáng nay tại Chùa Diệu-Quang tại Santa Ana, Sư Bà Diệu-Từ báo tin cho Phật tự biết, vừa qua tại Sacramento có một cụ bà mất, sau lễ hỏa tang tìm thấy nhiều Xá-Lợi.”
Không thể bỏ qua dịp tìm hiểu về Xá-Lợi này, chúng tôi liền gọi điện thoại cho Sư Bà Diệu-Từ ngay. Sư Bà là người rất cởi mở, không câu chấp hạch hỏi đủ thứ, bà liền cho chúng tôi biết: “Vị nữ cư sĩ vừa lâm chung tên là Huỳnh-Thị-Dền, pháp danh Quảng-Khánh là đệ tử tại gia của Sư Bà. Sư Bà theo dõi hạnh tu của cụ bà Quảng-Khánh biết trước khi lâm chung cụ sẽ được vãng sanh và sẽ…”
Sư Bà Diệu-Từ trình bày khá đầy đủ, nhưng để nghe thêm về hạnh tu của cụ bà Quảng-Khánh do chính miệng con cái của cụ kể, chúng tôi liền xin Sư Bà số điện thoại của gia đình cụ bà và xin một buổi hẹn để được diện kiến Sư Bà.
Cháu Du-Hương, pháp danh Quảng-Duyên, con gái của cụ Quảng-Khánh tiếp xúc với chúng tôi, qua nhiều lần điện đàm. Kinh nghiệm qua những lần tìm hiểu về một vị có Xá-Lợi, dù ghi chép nhiều nhưng rốt cuộc vẫn còn thiếu sót. Chúng tôi yêu cầu cô Quảng-Duyên hãy bỏ ra thời gian một tuần lễ ngồi ghi nhớ tất cả mọi chi tiết lúc bà cụ sắp lâm chung, viết lên trên giấy gởi cho chúng tôi, như trường hợp cô Huệ-Nghi con gái bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết. Người kể chuyện mộc mạc, chân chất, nhưng rất trung thực. Ðọc qua, quý vị sẽ hiểu rõ tu niệm Phật như thế nào mà khi lâm chung được Phật và Thánh Chúng đến tiếp dẫn và lưu lại Xá-Lợi cho hậu thế. Dưới đây là bài viết của cô Quảng-Duyên.
Mẹ tôi, Huỳnh-Thị-Dền, pháp danh Quảng-Khánh, sanh năm 1917, tạ thế ngày 22-5-2000, đạI thọ 84 tuổi.
Mẹ tôi sanh vào một gia đình trung lưu miền Nam thuộc tỉnh Bình Dương. Bà Ngoại tôi là người tu theo đạo Phật, nên từ nhỏ Mẹ tôi đã theo Ngoại đi chùa lễ Phật. Mẹ tôi giữ lấy chữ Hiếu làm đầu, kế đó là Tâm Từ Bi. Mẹ thường bố thí và thích phóng sanh. Mẹ thương yêu tất cả anh chị em và bà con dòng họ và cả người dưng với cả tấm lòng nhu hòa và nhẫn nhịn. Tất cả ai gặp Mẹ tôi đều cảm tình và quý mếm Mẹ.
Năm 19 tuổi Mẹ đi lấy chồng. Ba tôi làm nghề Ðông Y. Thắm thoát Mẹ tôi sanh 5 gái và 1 trai. Trong cuộc đời làm vợ hiền và Mẹ thảo, Mẹ tôi đặc biệt thương người nghèo khổ, giúp trẻ mồ côi và chú trọng việc cúng dường Tam Bảo. Ðặc biệt Mẹ tôi chỉ thuận sáu chữ “Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật”. Lúc bà Ngoại tôi qua đời, Mẹ tôi tự tay nấu nướng cúng dường mười bốn vị Sư. Ðến năm mẹ tôi 51 tuổi, Ba tôi mất, Mẹ tôi sống đời góa phụ ở vậy nuôi con. Năm 1978, Mẹ dắt chúng tôi rời Việt Nam sang Mỹ và năm 1980 định cư tại Sacramento.
Mẹ tôi thường niệm Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật. Khi buồn cũng như khi vui cũng đều Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật. Mẹ tôi rất thuận câu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật. Câu niệm ấy đã in sâu vào tim óc của Mẹ tôi. Khi các con bịnh, Mẹ cũng khấn Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật. Năm 1990, một cơ duyên đưa gia đình chúng tôi tới chùa Diệu-Quang. Gia đình tất cả sáu người con cùng Mẹ tôi và một đứa cháu trai đều quy-y với Ni Sư Diệu-Từ (bây giờ là Sư Bà).
Trong mười năm, hằng ngày chúng tôi đi làm. Mẹ ở nhà một mình. Khi đứng, khi đi, khi ngồi, khi nằm Mẹ cũng đều niệm Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật. Khi Mẹ bịnh, chúng tôi nhắc Mẹ niệm Phật-Dược-Sư để uống thuốc; Mẹ tôi bảo: “Mẹ đã quen niệm Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật rồi. Phật nào cũng là Phật, là đấng cao cả thiêng liêng. Phật A-Di-Ðà cũng là đấng Y-Vương.”
Sau này vì già yếu, Mẹ tôi ít đi chùa, nhưng luôn luôn khuyên con cháu đi chùa để nghe pháp, tụng kinh và niệm Phật thì Mẹ tôi mới vui. Hằng tháng Mẹ nhắc nhở chúng tôi về chùa thọ Bát-Quan-Trai. Thậm chí Mẹ cũng khuyến khích hai đứa cháu ngoại trai cùng thọ Bát-Quan-Trai. Mẹ tôi thích đi chùa vào ngày thường vì chùa không có đông người. Mẹ thích được gặp riêng Sư Bà để hỏi về pháp môn Niệm Phật. Mỗi lần gặp riêng Sư Bà là Mẹ tôi mừng lắm. Tôi nhớ có lần Mẹ đi Chùa về, tôi hỏi Mẹ: “Hôm nay Má mì đi Chùa về có mệt không?”
Mẹ tôi khoe: “Hôm nay mẹ cầm tay Thầy (Sư Bà) Mẹ tưởng chừng như đang nắm tay một vị Phật sống. Từ đây về sau tụi con không nên làm điều gì phật ý Thầy mà mang tội với Phật đó!”
Chữ Phật Sống mà Mẹ chúng tôi dung ở đây không có nghĩa nói Sư Bà là Phật Sống, vì kinh của Phật Thích-Ca đang còn tại thế thì không thể có bất cứ ai xưng mình là Phật được. Ở đây Mẹ chúng tôi dùng chữ “tưởng chừng như” rất đúng nghĩa. Mẹ tôi chẳng những thích làm Phật sự. Nhứt là vào các ngày lễ lớn, từ sáng Mẹ đã đánh thức bảo các con dậy sớm về chùa làm công qủa rồi trưa về ngủ tiếp. Vì gia đình chúng tôi phát nguyện cứ vào ngày lễ lớn thì cúng dường toàn bộ rau cải (làm rau ghém) cho những Phật tử đi chùa lễ Phật và sau khi dư lễ xong dùng.
Sau Rằm tháng Giêng, Sư Bà Diệu-Từ về thăm chùa Diệu-Quang tại Sacramento, lúc ấy Mẹ tôi bịnh yếu và mệt, chúng tôi rất lo lắng; nhưng Thầy (Sư Bà) có nói là Cụ chưa có đi đâu, vậy đừng kêu cô Út về. Có thể Cụ đi trong tháng Tư, nhưng nếu Cụ không đi trong tháng Tư thì Cụ sẽ sống thọ lắm. Có lần Sư Bà đến thăm Mẹ tôi, Mẹ tôi mừng lắm. Mẹ tôi nhắc Sư Bà đi xa hoằng pháp nên giữ gìn sức khỏe. Phật Ðản vừa qua, Sư Bà từ Santa Ana về Sacramento làm lễ. vì qúa bận rộn, Sư Bà không đến thăm Mẹ tôi được, chỉ gởi tặng một bông hồng tươi. Khi cháu Mẹ tôi cầm cành hoa về đưa Mẹ tôi, Mẹ tôi xúc động nghẹn ngào… mặt buồn buồn.
Những điều lạ trước khi Mẹ mất.
Những lúc Mẹ sắp mất, tôi còn nhớ rõ cách đây khoảng 2 tháng, vào một đêm Mẹ tôi thức dậy đi tiểu. Lúc trở ra, khi sắp bước vô phòng Mẹ nhìn ra cửa sổ thấy ngoài trời đêm bỗng rực sáng và toàn là bông hoa rực rỡ.
Mẹ tôi hỏichị cả: “Sao bông hoa đâu mà nhiều qúa vậy?” Chị cả tôi nhìn ra chẳng thấy gì cả, liền đáp: “đâu có gì đâu Mẹ.” Biết rằng không phải Mẹ tôi sảng, vì Mẹ tôi rất bình thường, chị tôi sợ Mẹ bị mất giấc ngủ nên khuyên: “Thôi Mẹ hãy đi ngủ.”
Hôm sau chị tôi đem điều này kể cho chúng tôi nghe. Chúng tôi nghĩ muốn điên cái đầu mà cũng không hiểu tại sao có điều lạ này. Tiếp đến khoảng hai tuần trước khi Mẹ tôi qua đời, vào buổi trưa, khi ngủ dậy Mẹ tôi nói một cách tỉnh táo rằng: “Mẹ vừa nằm mơ thấy đi đến một cảnh thật là đẹp! Toàn là hoa, thật là nhiều hoa đẹp!”
Mẹ kể cho chúng tôi nghe, chị em chúng tôi đều sợ, không biết là điềm tốt hay xấu đây? Những ngày kế Mẹ hơi mệt, chị em tôi lu bu lo cho Mẹ nên quên mất việc gọi điện thoại hỏi Sư Bà về điềm lạ.
Ngày 18-5-2000, về thăm Mẹ, tôi bước vào phòng ngủ của Mẹ tôi, bỗng nhiên tôi nghe mùi thơm kỳ lạ hơn mọi khi. Tôi trở ra hỏi chị và em tôi: “Ai làm đổ nước hoa trong phòng Mẹ vậy?” Chị và em tôi trả lời: “không có!” Rồi chị tôi nói ngay: “ngày hôm qua Mẹ đòi gội đầu nên thơm đó.” Chúng tôi xúm lại trêu Mẹ: “Mẹ thơm qúa.” Mẹ tôi cười không nói gì cả.
Tôi xin mạo muội nói câu này, Mẹ tôi thật là bà Mẹ hiền, không thích ăn mặc se sua và cũng không thích nước hoa. Trái lại Mẹ tôi rất ghét những thứ đó. Mùi thơm mà tôi ngửi được chắc chắn không phải là mùi xà-bông gội đầu.
Ðến ngày 19-5-2000, tôi nhớ ngày này vì hôm đó thứ sáu, đứa em gái tôi từ San José về cùng với chồng con vào cuối tuần. Lúc đó em trai tôi vào phòng Mẹ, tiếp chị tôi đỡ Mẹ nằm lên gối cao một tí. Em trai tôi cảm thấy mùi thơm liền nựng má Mẹ tôi và hôn thật mạnh: “Mẹ thơm qúa! Con hôn Mẹ!” Ðây là lần thứ nhì, em trai tôi thấy mùi thơm trong phòng Mẹ tôi. Lúc này chúng tôi không dám rời Mẹ, vì sợ Mẹ già yếu lỡ té thì bất tiện lắm.
Mẹ tôi thường ngày rất thích nghe băng kinh và băng giảng pháp của Sư Bà Diệu-Từ và băng tụng kinh của Ni Sư Tịnh-Lạc. Ðặc biệt Mẹ tôi thích cuốn băng Báo Ân Phụ Mẫu, lúc thức dậy Mẹ tôi nằm yên niệm Phật.
Qua ngày thứ bảy 20-5-2000, Mẹ tôi vẫn ngồi nói chuyện vui cười với các con cháu. Ðầu óc và tâm tình Mẹ tôi rất tỉnh táo. Những lúc Mẹ tôi mệt thì bảo đỡ Mẹ nằm xuống. Lúc đó Mẹ tôi nằm yên niệm Phật, miệng lép nhép niệm thầm. Chị tôi thấy vậy liền ghé sát hỏi: “Mẹ, Mẹ nói gì?” Mẹ tôi lắc đầu: “Không, để yên cho Mẹ niệm Phật.”
Chúng tôi thấy Mẹ đang niệm Phật, nhưng nhìn thần sắc Mẹ, chúng tôi biết Mẹ đang mệt. Ðến chiều chúng tôi thấy Mẹ yếu hơn. Sau khi bàn bạc chúng tôi đồng ý đưa Mẹ vào nhà thương để tiếp nước biển.
Vào 11 giờ 30 đêm thứ bảy 20-5-2000, Mẹ tôi được bác sĩ khám, y tá lấy máu và chụp hình phổi. Khoảng một giờ sau, bác sĩ cho biết áp huyết Mẹ tôi xuống thấp, trong người thiếu potassium và cảm nên phải cho trụ sinh vào nước biển. Bác sĩ cho Mẹ tôi nằm nhà thương. Tôi ở lại nuôi Mẹ. Mẹ tôi suốt ngày hôm sau có lúc khỏe, lúc không. Nhưng Mẹ tôi vẫn nằm yên nhắm mắt lại, miệng lép nhép.
Tối 21-5-2000 khoảng 9 giờ Mẹ tôi nói muốn uống thuốc xổ. Chị tôi hỏi Mẹ tôi muốn xin y tá thứ làm cho phân xóp hay uống nước trái prune? Mẹ nói muốn uống prune. Vài giờ sau Mẹ tôi đi cầu vài lần. Và đến 5 giờ sáng ngày 22-5-2000 thì Mẹ tôi lại mệt nhiều hơn. Chúng tôi liền gọi Ni Sư Tịnh-Lạc và Sư Bà Diệu-Từ. Sư Bà Diệu-Từ dặn chị tôi nhiều điều và nói một câu là: “Khi Mẹ con mất sẽ có việc lạ.” Chị em chúng tôi đang lo buồn nên Sư Bà nói điều lạ gì đó mà không ai chú ý hết.
Lúc 10 giờ ngày 22-5-2000, Ni Sư Tịnh-Lạc, Sư Tịnh-Minh và chị Liên (Quảng-Hảo) bạn của tôi mà cũng là dưỡng nữ của Mẹ tôi, đến bịnh viện thăm Mẹ tôi. Khi ấy Mẹ tôi mệt nhiều hơn. Chúng tôi rất lo lắng, chị tôi liền gọi điện thoại lên Thầy (Sư Bà). Thầy nói nếu Mẹ theo Phật ngày hôm nay thì rất tốt, ngày mai 23-5-2000 thì không tốt đâu. Bằng không ngày thứ sáu mới được. Nhưng sức khỏe Mẹ tôi rất yếu, nên chị em tôi rất lo sợ, không biết Mẹ có đi được ngày hôm nay không? Còn ngày thứ Sáu thì quá xa, vì sức khỏe của Mẹ tôi đã yếu dần. Nên chị cả tôi, pháp danh Quảng-Hiền, có thưa với Sư Bà Diệu-Từ qua điện thoại rằng: “Bạch Thầy, sự sống biết đâu được ngày giờ.”
Sư Bà có nói lại rằng: “Các trò đừng lo, hãy yên tâm, con Phật thì phải theo Phật thôi.” Ngay lúc ấy Ni Sư Tịnh-Lạc bảo chúng tôi chia nhau đứng hai bên giường Mẹ, và đến gần nói với Mẹ tôi: “Chúng tôi niệm Phật A-Di-Ðà cho cụ nghe và cụ niệm theo nhe.”
Mẹ tôi tuy đang mệt, nhưng gật đầu mỉm cười. Mẹ tôi sửa lại bộ nằm, duỗi ngay chân ra trông có vẻ thoải mái, nét mặt không còn vẻ mệt nữa; khi ấy Ni Sư Tịnh-Lạc và Sư Tịnh-Minh đồng cất tiếng:
Nam-Mô Ðại Từ Ðại Bi
Tiếp Dẫn Ðạo Sư A-Di-Ðà-Phật
Tất cả mọi người trong phòng đều niệm theo các Sư. Ðến trưa, Mẹ chúng tôi cứ nắm vạt áo Mẹ. Chúng tôi không biết Mẹ muốn gì, nên bàn với nhau hãy lau mình cho Mẹ. Chị tôi đem chai nước cúng Phật mà Sư Bà Diệu-Từ dạy bảo là phải đem theo cho Mẹ tôi uống và lau mặt. Khi lau mình Mẹ tôi xong thì Mẹ tôi nằm yên và thở nhè nhẹ.
Chúng tôi tiếp tục đứng hai bên giường Mẹ và niệm Nam-Mô Ðại Từ Ðại Bi Tiếp Dẫn Ðạo Sư A-Di-Ðà-Phật. Ðến lúc gần 8 giờ tối thì chị Liên (Quảng-Hảo) đã đến hồi sáng bây giờ trở lại cùng niệm Phật với chúng tôi. Chị em chúng tôi rất thương Mẹ, bình thường gặp trường hợp này thì chúng tôi đã gào khóc thảm thiết. Nhưng giờ đây chúng tôi chỉ biết tập trung tinh thần niệm Phật cầu Phật A-Di-Ðà tiếp dẫn Mẹ chúng tôi. Không ai khóc lóc cả.
Tới 8 giờ 10 phút tối ngày 22-5-2000 tôi nhìn thấy Mẹ tôi không còn thở nữa. Ni Sư Tịnh-Lạc bảo chúng tôi liên tục niệm Phật đừng ngừng. Ni Sư tiếp tục hướng dẫn niệm Phật. Lúc Mẹ chúng tôi ra đi có đầy đủ mặt con cháu. Vào lúc 8 giờ 30, Ni Sư Tịnh-Lạc và chị Liên đồng buộc miệng reo lên: “Phật Pháp thật nhiệm mầu!”
Lúc đó da mặt Mẹ chúng tôi bỗng chuyển sang màu hồng và sáng lên. Da mặt Mẹ tôi căng thẳng ra không còn nhăn nheo như mấy phút trước đây. Và đặc biệt, mấy phút trước mặt Mẹ tôi có những lấm tấm đen; nhưng lúc này tự dưng biến mất trên làn da mặt Mẹ tôi, mà chỉ còn da mặt hồng hào tươi trẻ mà thôi. Thật là một điều kỳ lạ!
Và lúc Mẹ tôi mất, miệng Mẹ tôi chưa khép kín lại. Vì lúc Mẹ tôi hả miệng ra thở thì tắt thở. Nhưng khi da mặt Mẹ tôi đổi màu hồng, thì bỗng nhiên cằm dưới miệng Mẹ tôi từ từ đưa lên và khép kín lại. Thật là hy hữu!
Mẹ tôi nằm thản nhiên, nét mặt xem ra như vui vẻ. Ni Sư Tịnh-Lạc và Sư Tịnh-Minh từ giã ra về. Chị em chúng tôi vẫn tiếp tục niệm Phật
Vào khoảng 9 giờ 40 tối, lúc ấy tôi đứng kế bên, ngang đầu của Mẹ tôi, tôi bỗng thấy trái tai của Mẹ tôi dài ra hơn bình thường. Tôi hơi sợ nên lùi ra sau một tí để đổi em tôi đứng vào. Tôi tuy lui ra sau nhưng vẫn dán mắt vào trái tai của Mẹ tôi. Trái tai Mẹ tôi vẫn còn dài, nghĩa là không phải tôi hoa mắt. Tôi khều chị tôi và chị Liên rỉ tai chỉ cho họ xem. Chị tôi bảo hãy niệm Phật đi và chị Liên cũng nói như thế.
Kể từ khi Mẹ tôi mất, lúc mọi người niệm Phật nhân viên nhà thương tôn trọng vấn đề tôn giáo nên không ai đến quấy rầy. Chúng tôi niệm Phật suốt 12 tiếng đồng hồ.
Ðến 10 giờ đêm, chúng tôi ra bảo cho y tá là Mẹ chúng tôi đã qua đời. Y tá vào làm thủ tục, chúng tôi lạy Mẹ lần cuối, rồi ra về. Chị Liên và chúng tôi nhìn lại lỗ tai của Mẹ tôi thấy trái tai của Mẹ vẫn còn dài và lớn, và da mặt Mẹ tôi vẫn tươi hồng và trẻ ra như người phụ nữ khoảng 50 tuổi. Trên đường về chị Liên, pháp danh Quảng-Hảo, có hỏi bình thường trái tai của Mẹ tôi có dài và to như vậy không? Tôi trả lời trái tai của Mẹ tôi mới lớn ra từ khi tắt thở mà thôi. Chị Liên là chủ nhà hàng Andy Nguyễn ở Sacramento, từ khi thấy sự mầu nhiệm ấy, chị nói chị phải tinh tấn tu mới được.
Khi chúng tôi về tới nhà có hai vợ chồng chị bạn đến chia buồn, chị tôi liền sực nhớ kể lại cho họ nghe về lời nói của Sư Bà Diệu-Từ hồi bữa trưa. Sư Bà Diệu-Từ nói: “Khi Mẹ con mất sẽ có việc lạ.” Chúng tôi thắc mắc suốt đêm.
Ðến ngày 24-5-2000, Sư Bà từ Los Angeles về để làm lễ cho Mẹ chúng tôi và làm lễ phát tang. Sau đó Ni Sư dạy chúng tôi đi mua cái rổ mới và cái vá mới để tìm Xá-Lợi của Mẹ chúng tôi. Chúng tôi vâng lời, nhưng chúng tôi hoàn toàn không biết Xá-Lợi là gì, như thế nào?
Thứ Bảy 27-5-2000, quan tài Mẹ tôi được đưa đến nơi hỏa táng. Trước đó người Mỹ phụ trách lò thiêu đến hỏi lấy đồ đựng tro cốt. Chúng tôi chưa có nên ông ta bảo sáng Chúa Nhựt phải đưa đến vì ngày thứ Hai là ngày lễ ông ta nghĩ làm.
Những điều lạ về Xá-Lợi
Sáng 28-5-2000, chị tôi và ba đứa em tôi đến lò thiêu. Tôi không có đi, chỉ nghe thuật lại. Người Mỹ đã có mặt ở đó. Ông ta dẫn mọi người vào lò thiêu. Bên trong còn hơi âm ấm và xúc tro từ ngực trở lên đầu. Vì chúng tôi theo lời Sư Bà dạy nếu đựng không hết thì lấy tro cốt từ ngực trở lên.
Có mấy điều lạ làm chị và các em tôi ngạc nhiên là, khi bắt đầu người Mỹ cầm lên một vật ở ngực và nói em trai tôi: “đây là cái hoa!” Ông ta ngạc nhiên đưa lên ngắm nghía. Tại sao dưới sức nóng 2000 đến 3000 độ F mà cái dạng của cành hoa vẫn còn(?) và khi đụng vào không bị tan rã. Chị em chúng tôi nhớ rõ: Lúc tiễn đưa Mẹ lần cuối trước khi nấp quan tài đậy lại, Sư Bà Diệu-Từ ngắt một cành hoa hồng đặt lên ngực Mẹ tôi.
Ðiều lạ thứ hai, người Mỹ chỉ hai vật tròn chai cứng lại màu nâu đậm và nói, đây là hai cái óc. Em trai tôi hỏi lại là cái gì? ngườI Mỹ một lần nữa nói là hai cái óc và tỏ vẻ ngạc nhiên tại sao bộ óc não Mẹ tôi vẫn không cháy tan?
Rất tiếc, vì không hiểu Xá-Lợi là gì? tưởng đâu Xá-Lợi là vật giống như kim cương hay cẩm thạch. Nhưng làm gì có kim cương, cẩm thạch nên những mảnh Xá-Lợi màu xám, màu đỏ và bộ óc đều bị bỏ hết. Chị và ba em tôi chỉ lựa mảnh xương màu xanh và ngũ sắc mà thôi. Bây giờ biết rõ ra chỉ đành hít hà hối tiếc. Khi người Mỹ kéo cánh cửa lò thiêu thì thấy dạng của bộ xương thiêu xong còn hình dáng và trên đầu của sọ có những khoanh tròn tròn màu đen. Người Mỹ nói là tóc. Nhưng khi đụng vào thì bể ra.
Xá-Lợi óc của Phật sống chùa Kim-Sơn
Nhơn chuyện Xá-Lợi óc của Cụ Bà Quảng-Khánh cần nhắc đến Xá-Lợi óc của Phật sống chùa Kim-Sơn bên Tàu. Theo Pháp Sư Lạc-Quan, Phật sống chỉ là danh gọi của Phật tử ái mộ Ngài. Theo Phật Pháp, từ đây đến ngày Bồ Tát Di-Lặc hạ thế thành Phật, cõi này không thể có một vị Phật nào khác. Ai xưng Phật đều là mạo xưng.
Thật sự vị Phật sống ấy là một Thiền Sư đắc chứng, pháp danh Diệu-Thiện. Sau khi kiến tánh, muốn thành Phật, Ngài biết phải vượt qua một đầu sào trăm trượng… thật là khó khăn. Ngài bèn quy về pháp môn Niệm Phât. Từ đó Ngài niệm Phật suốt ngày, cả khi đi Ngài cũng niệm Phật thành tiếng.
Khoảng năm 1928, Pháp sư Lạc-Quan gặp Ngài ở Nam-Kinh bên Tàu. Năm 1931, Pháp Sư qua Miến-Ðiện lại gặp Ngài đang tu tại Ðại Tháp ở Ngưỡng-Quang. Lúc sắp mất vào năm 1934, Ngài chỉ ăn vỏ dưa, vỏ đậu phộng, giấy súc và cạo sắt rỉ mà ăn. Giữa trưa nắng cháy da ở Miến-Ðiện, Ngài trùi mình nằm trên mặt đá nóng, lạy Phật. Vì vậy Ngài lâm bịnh nặng, nhưng nhứt định không uống thuốc. Ngài nói: “phải chịu hết nghiệp báo thì mới có thể giải thoát.”
Khi viên tịch, mấy trăm ngàn Phật tử Hoa, Ấn, Miến dự đám hỏa thiêu Ngài. Sau lễ Trà-Tỳ, ngoài vô số Xá-Lợi, còn nguyên bộ óc Xá-Lợi của Ngài trong bộ xương đầu ấy. Một đệ tử của Ngài thỉnh bộ xương đầu ấy đúc thành một tượng Phật, nay còn thờ tại một đạo tràng ở Ngưỡng-Quang, Miến-Ðiện. Thật đáng tiếc cho bộ óc Xá-Lợi của Cụ Quảng-Khánh.
Lúc chụp hình các viên Xá-Lợi, em gái tôi nhìn vào viên nào niệm Phật thì viên đó lóe màu trông rất đẹp mắt và thấy mỗi viên có một màu khác nhau. Thêm một việc hy hữu khác, đứa cháu ngoại trai của Mẹ tôi đứng xem, thấy Xá-Lợi có hình một chú tiểu màu trắng, nhưng khi niệm Phật thì bỗng dưng nổi lên 2 chấm đen như cặp mắt và một nửa mặt trăng như cái miệng đang mở mắt và nhếch miệng cười. Trong tích tắc là không thấy nữa.
Tóm lại, do niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật mà cụ bà Quảng-Khánh được vãng sanh và lưu lại Xá-Lợi. Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Bồ Tát Phổ Hiền nói nơi Phẩm Thứ Tư trang 65 rằng: “Danh hiệu Phật chính là Phàm Thánh Ðồng Cư Tịnh Ðộ, vì dung nhiếp Hóa Thân tùy nguyện vãng sanh của chư vị Thượng Thiện-Nhân khắp mười phương thế giới.”
Giờ phút này cụ bà Quảng-Khánh là một vị Thượng-Thiện-Nhân của cõi Cực-Lạc vây. Cũng giống như bà Diệu-Âm Huỳnh-Ngọc-Tuyết, bà Diệu-Hưng Nguyễn-Thị-Tân, trước khi lâm chung cụ bà Quảng-Khánh có tiên triệu báo trước như:
1. Thấy hào quang chói sáng và bông hoa rực rỡ.
2. Nằm mơ thấy cảnh đẹp toàn là hoa.
3. Mùi thơm kỳ lạ trong phòng.
4. Muốn được làm sạch cơ thể trước khi ra đi.
Và khi cụ Quảng-Khánh vãng sanh có tường triệu, điềm lành như là:
1. Da mặt đang xanh xao bỗng đổi màu hồng. Da nhăn nheo bỗng căng thẳng ra, trông như trẻ hẳn lại như hồi năm mươi tuổi và những chấm lấm tấm đen đều bay mất.
2. Miệng đang hả ra tự nhiên khép lại.
3. Trái tai tự nhiên dài ra hơn bình thường.
Theo Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, cụ bà Quảng-Khánh hẳn đã chứng Sơ-Phần-Pháp-Thân được qủa Hoan-Hỷ-Ðịa Bồ Tát, nhờ nhứt tâm niệm Phật mà Tâm thể cụ được thanh tịnh như bà Diệu-Âm, bà Diệu-Hưng và ông Chúc-Qúy.
Một kinh nghiệm khác dạy cho chúng ta, trường hợp cụ bà Quảng-Khánh mất tại bịnh viện, thân nhân và thân hữu đồng niệm Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, nhân viên nhà thương vì lý do tôn giáo, tôn trọng người quá cố không hề đến quấy rầy. Mọi người tự do niệm Phật suốt 12 tiếng đồng hồ, sau đó mới bảo cho y tá hay lễ cầu nguyện đã xong.
Và đặc biệt trong trường hợp vãng sanh như cụ Quảng-Khánh, Phật và Thánh Chúng đến rước đi ngay về Cực-Lạc, Thần thức không còn lẩn quẩn bên nhục thân. Tuy nhiên, trong vòng bốn mươi chín ngày nếu thân nhân tiếp tục niệm Phật hồi hướng cho cụ và cầu siêu mỗi tuần nhựt thì phẩm vị của cụ sẽ tăng lên vậy.

Trích trong sách “Những Chuyện Vãng Sanh Lưu Xá Lợi” của Cư Sĩ Tịnh Hải.

No comments: