Thursday

Xa Loi cua ba Dieu Chi

HIỆN TƯỢNG VÃNG SANH
Của Cụ Bà Diệu-Chi

93 tuổi ở Utah Hoa-Kỳ mất mùng 6-11-2000


Trong sách này, đây là bài viết khó khăn nhứt nhưng hài lòng nhứt của chúng tôi vì nó sẽ giúp ích cho nhiều Phật tử quyết tâm tu tập vãng sanh Cực-Lạc. Mỗi bài vừa qua chúng tôi nêu lên nhiều khía cạnh tu tập, nhưng bài này thực tế, có sự kiện để chúng tôi nói thêm, để mọi người hiểu rằng đối với một người vừa mất, làm sao biết được người đó đã vãng sanh?
Chắc chắn có người sẽ đáp, rờ nhục thân của người chết thì biết liền. Ðiều này không hoàn toàn đúng. Ðại sư Ấn-Quang, Tổ thứ 13 của Tông Tịnh-Ðộ, dạy không nên rờ vào thân thể của người chết để dò hơi ấm, vì như thế có thể làm trở ngại sự vãng sanh của họ.

Tại sao có thể làm
phương hại hay trở ngại?
Vì đối với một người thường, sau khi dò hơi ấm, thí dụ thấy người chết còn hơi ấm ở bụng cho người đó chẳng những không được vãng sanh mà còn rơi vào đường dữ, rồi kinh sợ hoang mang. Nhưng nếu một vị Tăng Ni có công phu tu tập và nhiều kinh nghiệm, qúy vị ấy biết vậy mà không thông báo cho con cháu người chết, tự mình tích cực hướng dẫn sự hộ niệm, thì người chết sẽ “đới nghiệp vãng sanh.” Cho nên việc rước qúy Tăng Ni đến tụng niệm phải cẩn thận chọn người là như vậy đó.
Trở lại câu chúng tôi vừa hỏi: “Làm sao biết được một người vừa chết đã được vãng sanh?” Xin chịu khó theo dõi bài này hẳn có hữu ích.
Có người nói với chúng tôi, bác viết chi cho dài qúa vừa tốn giấy vừa mệt. Thật đáng buồn cho người nói. Muốn giúp một người tu tập phải cố gắng nói cho thật đủ, nói đến nơi đến chốn. Còn người muốn vãng sanh, mà chỉ muốn nghe phớt qua như xem một tiểu thuyết, không chịu cố công tìm hiểu thì đọc làm gì! Từ ngày viết về Phật pháp, chúng tôi liên lạc với rất nhiều Phật tử, gặp nhiều vị tu thật lâu nhưng biết ra vị ấy chẳng biết gì về việc làm sao thật sự được giải thoát; song có nhiều em còn rất trẻ, đọc xong sách này lại ngộ được đạo lý vãng sanh.
Mất thân này rồi muốn
trở lại thân người khó lắm!
Kinh nghiệm của chúng tôi, học Phật pháp không phải xong một số sách là đủ, vì chúng tôi đã bỏ ra 12 năm, đọc kinh sách, nghe các băng giảng, gặp đoạn nào hay, chúng tôi sang ra băng khác, thâu nhiều lần một đoạn thôi, rồi nghe tới nghe lui. Có thể nhiều ngày tới lúc tự nhiên ngộ thấu đoạn giảng đó.
Chúng tôi không hề quen cô Tâm-Từ, mà là một người thỉng băng về nghe, hiểu được sự hữu ích việc làm của cô, nên khi viết sách này chúng tôi liên lạc để nhờ cô giúp phương tiện phổ biến điều chúng tôi viết vì chúng tôi nghĩ đọc sách xong cũng chưa đủ.
Nhà Phật, cái gì cũng có duyên. Ðúng phước, tốt duyên, thì mọi mầm tốt đều nẩy nở.
Bà cụ Diệu-Chi, mà chúng tôi đang nói, mất xong, con cái tin tưởng Mẹ mình đã lên cõi Trời vì vị sư đến làm lễ, Thượng Tọa Hải-Quang của chùa Pháp-Hoa ở Tucson, Arizona, đến làm lễ sau khi quan sát người qúa cố, Thầy Hải-Quang nói: “Hạng bét nhất, Diệu-Chi cũng lên cõi Trời!”
Người nhà nghe nói Mẹ mình lên cõi Trời thì mừng vô cùng. Thế gian này đa số mong mỏichết được lên cõi Trời là đủ rồi.
Nhiều người tu các đạo khác, như đạo Lão, đạo Thiên-Chúa, Hồi-Giáo sau khi chết, nếu tu đúng đúng lời dạy của Ngài Lão-Tử, Chúa Giêsu, Ðức Mahomed, sau khi chết cũng được lên một cõi Trời hay Thiên-Ðàng. Nhưng với Ðức Phật, nếu là con Phật, phải tu vượt qua các cõi Trời và lên đến cõi Phật, cho nên được gọi là Phật tử.
Nhưng trong Kinh Phật, dù được làm Thiên Tử sống tại Thiên Giới, hết phước cõi Trời vẫn phải tùy theo nghiệp qúa khứ mà đọa vào ba đường dữ. Chúng tôi xin dẫn chứng đúng lời kinh xưa. Theo Kinh Phật Ðảnh-Tôn-Thắng Ðà-La-Ni, do Hòa Thượng Thích-Thiền-Tâm dịch, chùa Pháp-Hoa ở Tucson, Arizona ấn tống, đề cập đến chuyện:
Một Thiên-Tử tên Thiện-Trụ, vào khoảng cuối đêm bỗng giữa hư không có tiếng gọi bảo: “Thiện-Trụ Thiên-Tử! Bảy hôm nữa Ông sẽ hết phước Trời, sau khi xả báo thân (tức thân tội báo) sẽ phải đọa xuống cõi Diêm-Phù-Ðề, bảy kiếp làm thân cầm thú, thường ăn đồ nhơ uế. Kế đó lại phải đọa vào trong địa ngục chịu đủ các sự khổ, trải qua nhiều kiếp mới được làm thân người. Tuy được thân người, nhưng lại đen, lùn, thô, xấu, đui mù cả đôi mắt, các căn không đủ (hoặc thiếu tay hay chân…) hơi miệng thường hôi hám, nghèo khổ, hèn hạ, hằng thiếu ăn, thiếu mặc, mọi người trông thấy đều gớm ghét, lánh xa, v.v…
Do đó Ðức Phật muốn, bất cứ ai là con Phật phải ráng tu để về cõi Phật, hầu không còn sợ rơi vào các đường dữ.
Muốn biết tại sao Thiện-Trụ Thiên-Tử đã làm người của cõi Trời mà khi hết phước phải đọa như vậy? Xin qúy vị nên tìm Kinh Phật-Ðảnh-Tôn-Thắng Ðà-La-Ni đọc, vì phạm vi sách này không thể trích đăng trọn. Vậy những ai thích lối tu lên cõi Trời hoặc lên Thiên-Ðàng, xin hãy suy nghĩ lại vậy.
Bây giờ xin tìm hiểu về hiện tượng vãng sanh của Cụ Bà Diệu-Chi.
Khi mất, cụ Diệu-Chi sống với người con trai thứ sáu tên là Trần-Phấn-Bá ở Utah. Một hôm người em vợ của Bá đến thăm mang theo cuốn Những Chuyện Vãng Sanh Lưu Xá-Lợi cho mượn đọc. Chị Linh-Trần, pháp danh Huệ-Hiền, vợ của Bá, nghĩ rằng Mẹ chồng mình có hiện tượng vãng sanh. Hai vợ chồng Bá, y theo số điện thoại trong sách, gọi cô Tâm-Từ.
Nghe cô Tâm-Từ thuật lại, chúng tôi liền điện thoại cho Bá. Sau khi được nghe Bá kể từng chi tiết, chúng tôi cũng đồng ý qủa thật cụ Diệu-Chi có hiện tượng vãng sanh. Về Xá-Lợi thì không rõ ràng lắm, bởi thân nhân không dặn nhà quàn đừng nghiền nát tro cốt. Nhưng trong số tro cốt còn lại, khi đem rải trên núi lượm lại được trên hai mươi miếng xương rất lớn, tương tợ như Xá-Lợi, sau khi chúng tôi đưọc xem các hình chụp lại.
Vả lại, như chúng tôi nhiều lần nói trong sách này, Xá-Lợi không phải là một vấn đề quan trọng, một đòi hỏi cần thiết cho một người vãng sanh. Sở dĩ chúng tôi đề tựa cuốn sách có ba chữ “Lưu Xá-Lợi”, bởi rất nhiều năm trước đây không nghe kể chuyện Vãng Sanh, và bây giờ có Vãng Sanh kèm theo Xá-Lợi, nên chúng tôi phải đặt tựa như vậy để chứng minh, và chúng tôi có nói rõ rằng có thể có vô số người đã vãng sanh mà không nghe ai nói. Như trường hợp cụ bà Diệu-Chi đây, dù Xá-Lợi không được rõ ràng, bởi lý do:
1. Không dặn nhà quàn đừng nghiền nát tro cốt.
2. Không được lựa ra xem có Xá-Lợi hay không sau khi lấy tro cốt về.
3. Người chụp hình không chuyên môn.
Ðây là kinh nghiệm cho tất cả chúng ta sau này.
Trở lại câu chuyện chúng tôi nói với người con thứ sáu của cụ Diệu-Chi. Chúng tôi yêu cầu vài người trong nhà chịu khó ghi lại cuộc đời cụ Diệu-Chi từ nhỏ đến khi mất, nhớ tới đâu cứ kể ra hết, gởi cả hình ảnh của cụ Diệu-Chi, xem xong chúng tôi hoàn trả lại.
Chẳng phải chúng tôi đòi hỏi qúa đáng hay làm khó gia chủ, mà chúng tôi chỉ muốn nghe nhiều tiếng nói, để phân tích, nhận định cho rõ ràng. Vì sách này hiện có vài chục ngàn người đọc, vài mươi năm sau sẽ lên hàng triệu. Chúng tôi muốn giúp người đời sau học hỏi và tự mọi người biết rõ tất cả để lo cho mình và hướng dẫn thân nhân bằng hữu và không muốn để người đời sau nói ông già Tịnh-Hải viết cẩu thả.
Trong lúc chờ đợi, chúng tôi thường điện thoại cho Bá hỏi han và hướng dẫn. Bá là người mộc mạc chất phác. Hơn hai tuần lễ sau chúng tôi nhận được một phong bì lớn với một xấp giấy mười sáu trang kể cuộc đời cụ Diệu-Chi và giây phút cụ rời cõi ô trọc này. Rất nhiều hình ảnh Cụ kèm theo và mấy tấm hình màu các mảnh xương của cụ Diệu-Chi mà sau khi đem rải tro cốt, Bá đã lượm lại giữ làm kỷ niệm. Trong phong bì còn một tập bià cứng, được viết bằng chữ lớn:
Tiểu-Sử và Tướng Vãng-Sanh
của Ưu-Bà-Di Diệu-Chi
Tánh danh Tăng-Kim-Lang
chết ngày mùng 6-11-2000
Ðây là có thể gọi là ký sự hay ký ức. Tác giả là nữ Phật tử Tịnh-Hạnh Trần-Mỹ-Linh đã thọ Bồ-Tát Giới.
Cháu Tịnh-Hạnh hiểu Phật Pháp nhiều hơn người anh là Bá. Chẳng những vậy cô còn rành về Mật-Tông và các Thần Chú. Nhiều lần cô dùng Thần Chú trị bịnh cho cụ Diệu-Chi hết bịnh.
Tiện đây nên nói về tập Ký Sự của cháu Tịnh-Hạnh trước. Mở đầu, sau khi cụ Diệu-Chi mất 1-12-2000, Tịnh-Hạnh ngẫu vịnh một bài thơ tựa đề Nhớ Mẹ gồm 8 câu 7 chữ. Chúng tôi xin đăng nguyên văn:
Nhớ Mẹ
Chín mươi ba tuổi ở trần gian,
Trải mấy gian truân, lắm khổ nàn,
Nuôi con sáu đứa, thân đơn độc.
Nay giã biệt Trần, đến cõi An (An-Dưỡng)
Con mừng cho Má được lên Trời,
Khỏi buồn, khỏi bịnh, khỏi than ôi!
Bao nhiêu công đức nay Má được,
Bởi niệm A-Di, biệt luân hồi.
Ưu-Bà Di-Bồ-Tát giới
Tịnh Hạnh
Ngẫu vịnh sau ngày Mẹ mất 2-12-2000

Và kế tiếp Tịnh-Hạnh viết:
Nam Mô A Di Ðà Phật,
Ðệ tử Ưu-Bà-Di Bồ-Tát Giới Tịnh-Hạnh xin ghi lại thân thế và thoại tướng vãng sanh của:
Ưu-Bà-Di Diệu-Chi
Tánh danh Tăng-Kim-Lang
………………………..
………………………..
Nguyện hương linh Diệu-Chi từ bi gia hộ cho Tịnh-Hạnh ghi lại cuộc đời của Má từ khi sanh cho đến khi tử được đúng, đầy đủ, để lưu lại cho gia đình họ Trần noi gương vãng sanh của Má mà lo tu hành tinh tấn.
Bây giờ chúng tôi mới biết, à thì ta Cô Út này vẫn tin tưởng Mẹ mình đã vãng sanh. Dù rằng trong bài thơ “Nhớ Mẹ” cô đã viết:
“Con mừng cho Má được lên Trời,
Khỏi buồn, khỏi bịnh, khỏi than ôi!”
Kế tiếp, chúng tôi tóm lược ký ức nói về thân thế cụ Diệu-Chi.
Diệu-Chi là người mang hai dòng máu Việt-Hoa, gia đình buôn bán trà, đệm chiếu, vải lụa ở Tân-Hiệp, Mỹ-Tho. Người chồng cũng mang hai dòng máu như vợ. Cặp vợ chồng Tàu lai Việt nổi tiếng giàu lòng từ thiện trong vùng. Mỗi năm vào Rằm tháng Bảy, Diệu-Chi bố thí hàng trăm bao gạo chỉ xanh (1 bao 100 kí-lô) cho dân nghèo từ sáng đến chiều. Vào thời Nhựt chiếm Việt Nam, dân chúng không có quần áo mặc, Diệu-Chi bố thí vải.
Ðó là sự tu phước của Diệu-Chi, vì từ thuở nhỏ đã theo Mẹ đi chùa, hiểu được sự giải thoát của đạo Phật. Năm 25 tuổi, Diệu-Chi đã xin với Mẹ cho xuất gia đi tu, nhưng Mẹ không cho. Diệu-Chi thường về Chùa Giác-Hải nghe giảng Pháp và được Hòa Thượng Thích-Giác-Hải ban giới quy y và ban pháp danh Diệu-Chi.
Diệu-Chi không biết tụng kinh, nhưng thường niệm Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật và luôn luôn giữ giới Thập Thiện. Năm 27 tuổi, Diệu-Chi lấy chồng là Trần-Phấn-Hưng và về ở tại Mỹ Tho Chồng mất năm Diệu-Chi 38 tuổi (1947) Diệu-Chi ở góa nuôi con ăn học cho đến ngày lìa đời. Không biết kinh kệ, nhưng biết niệm Phật. Từ đó Diệu-Chi niệm Phật mỗi ngày, tính đến nay đã 55 năm. Cụ thường ăn chay và không bao giờ sát sanh hại vật. Sau đó cả gia đình bỏ nước ra đi, Diệu-Chi sống với một người con trai ở Canada. Trong cuộc đời Diệu-Chi có mấy lần đau nặng.
Trong bốn người con có một người tên Trần-Phấn-Bá quy y với Thượng Tọa Thích-Hải-Quang, cùng với cô em gái út, tức Tịnh-Hạnh Trần-Mỹ-Linh.
Năm 1982, cụ bà Diệu-Chi đau nặng, Tịnh-Hạnh theo thầy Hải-Quang qua Montreal trị bịnh cho Mẹ. Sau khi hết bịnh Diệu-Chi xuống tóc do Thầy Hải-Quang làm lễ. Năm 1992, Diệu-Chi lại lâm bịnh ngặt nghèo một lần nữa. Thầy Hải-Quang và Tịnh-Hạnh lại qua Canada trị bịnh bằng Thần-Chú Mật-Tông. Diệu-Chi khỏi hẳn và không đau ốm cho đến năm 1998. Sau 1992 Thầy Hải-Quang nhập thất luôn và có lời hứa sẽ ra thất lo hậu sự cho cụ Diệu-Chi khi được thông báo.
Những năm kế tiếp cụ Diệu-Chi qua Mỹ sống với Trần-Phấn-Bá ở Utah. Ngày 12-9-1999, Tịnh-Hạnh đến nhà anh ở chín ngày để hướng dẫn Mẹ tụng kinh và trì chú.
Lúc này cụ Diệu-Chi đã 92 tuổi, nhưng vẫn còn minh mẫn. Theo sự hướng dẫn của Tịnh-Hạnh, cụ Diệu-Chi tụng Bát-Nhã Tâm Kinh, chú Thủ-Lăng-Nghiêm, chú Ðại-Bi và nhiều chú khác và thuộc lòng Vãng Sanh Tịnh-Ðộ Thần Chú.
Cụ Diệu-Chi kể hồi bà Ngoại của Tịnh-Hạnh còn sống, mỗi lần trong nhà làm cá giết gà, bà Ngoại đều bảo đầu bếp phải đọc chú này để cầu cho các con vật bị giết được vãng sanh, nên thuộc lòng.
Lúc niệm Phật, cụ Diệu-Chi lần chuỗi rất chậm, niệm Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật rõ từng tiếng và lúc đến “Ông Chuỗi” tức là viên chuỗi lớn và hết một xâu cụ Diệu-Chi nguyện: “Con xin Ðức Phật A-Di-Ðà dùng nguyện từ bi tiếp độ con, khi con lâm chung được về cõi Cực-Lạc.”
Lúc niệm Phật, cụ Diệu-Chi luôn luôn nhìn vào ảnh tượng Phật A-Di-Ðà. Khóa lễ dài 2 giờ đồng hồ, vậy mà không bao giờ cụ than mệt hay buồn ngủ. Theo Tịnh-Hạnh nhờ niệm Phật kiên trì nên cụ Diệu-Chi đưọc định và Tâm thể được thanh tịnh.
Chúng tôi thêm vào chỗ, người mà niệm Phật lâu dài sáu thời mỗi ngày thì sức tịnh mạnh hơn nữa, nhục thân sẽ kết tinh thành những chất cứng rắn và sáng ngời như lưu ly. Ðó là thuộc về sắc thân. Còn Tâm thì, như Ðức Phật dạy trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, mà chúng tôi thường lập đi lập lại: “Tâm thể trở nên thanh tịnh mà người ấy không hề hay biết, tự nhiên chứng nhập Sơ Phần Pháp Thân.”
Chúng tôi ghi ra đây để qúy đạo hữu suy nghiệm xem cụ Diệu-Chi sẽ như thế nào khi lâm chung? Cụ có được vãng sanh hay không?
Bây giờ trở lại cụ Diệu-Chi lúc học tu với cô con gái. Nói Mẹ học tu với con nghe như trái ngược đạo lý; nhưng trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, (trang 36) và kế tiếp, Ðức Phật dạy: “Người niệm Phật phải biết cảm mộ ân đức cao dày của Chánh Pháp; kế đó là ân đức của Cha Mẹ, chín tháng cưu mang…suốt đời tận tụy, đến chết chưa nguôi; và cuối cùng là ân đức của chúng sanh như cung cấp ẩm thực, y dược, v.v…
Ðoạn này có nghĩa, khi hiểu đạo thì phải cũng hướng dẫn Cha Mẹ (cả chúng sanh) thoát khỏi ba đường dữ mới đáng được gọi là đền ơn Cha Mẹ và chúng sanh.
Ngoài ra lúc rảnh rổi, Tịnh-Hạnh kể cho Mẹ nghe về cảnh thù thắng ở cõi Cực-Lạc như trong ao thất bảo có hoa sen lớn như bánh xe và đủ màu, thơm ngạt ngào. Có các giống chim mà thế gian không có; có các thứ ngọc báo… Nơi đó không có địa ngục, ngạ qủy, súc sanh… Rồi Tịnh-Hạnh hỏi Mẹ: “Má có thích và muốn về cõi Cực-Lạc của Phật A-Di-Ðà không?”
Cụ Diệu-Chi đáp: “Má thích chớ. Má niệm Phật và nguyện về cõi Phật, chớ không về cõi Tiên. Thầy Hải-Quang dặn Má như vậy.”
Tịnh-Hạnh nói tiếp: “Má muốn về cõi Phật, Má phải niệm Phật ngày đêm và niệm Phật cả lúc đi, đứng, nằm, ngồi, thì khi Má chết mới được Phật rước; mà Má phải niệm nhứt tâm, nghĩa là Má đừng lo tới đứa con nào hết, quên hết nhưng chỉ nhớ Phật thôi. Má đã lo cho tụi con tròn hết rồi; bây giờ Má phải lo cho Má. Ðó là niệm Phật chí tử để khi chết nhớ câu niệm Phật nhứt tâm.”
Cụ Diệu-Chi vui vẻ gật đầu, có đêm cụ niệm Phật tới 1 giờ 30 sáng, nhưng mặt vẫn tĩnh không tỏ vẻ mệt mỏi. Thật là phi thường đối với một cụ già 92 tuổi.
Sau chín ngày cùng Mẹ tu tập, Tịnh-Hạnh giã từ và dặn dò: “Má hãy ráng nhớ hình ảnh Phật A-Di-Ðà và đừng nhớ đến đứa con nào hết nhe!”
Ðó là lời con khuyên Mẹ hãy vượt ngoài sự nhớ thương tầm thường của chúng sanh vì Kinh dạy, khi lâm chung người mà còn nặng tình (đó là sự nhớ thương Cha Mẹ, vợ con, v.v…của thường tình chúng sanh) thì phải chìm xuống, phải luân hồi. Có người vì qúa nhớ thương mà hồn lẩn quẩn bên vợ con, cuối cùng trở thành hồn ma lạc lỏng. Có người lúc sống qúa giàu, tiền bạc chôn dấu khắp nhà, lúc chết chỉ nhớ đến những hủ vàng, nên hồn vẫn lẩn quẩn gần đó, sau cùng đầu thai thành chó để giữ của.
Nên Tịnh-Hạnh đã khuyên Mẹ hãy tập quên tất cả và chỉ nhớ đến Phật A-Di-Ðà. Ðó là niệm nhớ rốt ráo thù thắng nhứt của một Phật tử thời mạt pháp, mà Ðức Thích-Ca đã dạy vậy!
Ai ai rồi cũng phải chết. Còn khoảng bốn ngày nữa là ngày cụ Diệu-Chi qua đời, Tịnh-Hạnh có dịp ghé qua nhà, thấy Mẹ đang được anh đút cháo mà sắc diện không được khỏe. 92 tuổi trời rồi, mọi người đến tuồi này đều lẩn, nhưng cụ Diệu-Chi vẫn thấy nghe ứng đáp rõ ràng.
Cháu Tịnh-Hạnh chào hỏi: Má có khỏe không?
-Khỏe!
-Má có niệm Phật không?
-Có.
-Má niệm Phật nào?
-Phật A-Di-Ðà!
-Má nhớ Phật A-Di-Ðà là qúy lắm. Con ghé ngang thăm Má một chút. Con phải đi về liền đây.
Ðó là lần Tịnh-Hạnh gặp Mẹ còn sống sau cùng và luôn luôn yên trí Mẹ mình lúc nào cũng nhớ đến Phật A-Di-Ðà.
Khi được nghe tin Mẹ trở bịnh nặng. Tịnh-Hạnh lập tức ra máy bay ngay và tới nhà thương thì Mẹ đã mất. Tịnh-Hạnh bình tỉnh không khóc. Tịnh-Hạnh biết phải làm gì! Tuy không có Thầy ở đây, nhưng Tịnh-Hạnh đã tu tại gia trên 20 năm, nên dặn anh hãy chí tử niệm Phật không ngừng. Sau khi kêu gọi hương linh quy y Phật, Pháp, Tăng, Tịnh-Hạnh liền xướng:
“Hương linh hãy buông bỏ hết đừng nghĩ gì cả. Hãy nghe lời Ưu-Bà-Di Bồ-Tát Giới Tịnh-Hạnh mà niệm Phật A-Di-Ðà để được vãng sanh Cực-Lạc.”
Lúc đó là 12 giờ trưa ngày 6-11-2000. Ðến 7 giờ rưỡi tối Thầy Hải-Quang cùng Bảo-Ðăng đến nhà thương. Thầy Hải-Quang nhập thất trên mười năm, nhưng có lời Thầy hứa trước rằng: “Lúc nào Diệu-Chi trăm tuổi, Thầy đích thân đến làm lễ.”
Ðến nơi, Thầy liền rờ đầu và trán cụ Diệu-Chi, bắt đầu đọc chú, bắt ấn quán đảnh. Khoảng hai mươi phút sau, Thầy lại sờ trán và đầu, rồi Thầy bảo đọc: “Nam-Mô Tiếp Dẫn Ðạo Sư A-Di-Ðà-Phật.”
Bá có hỏi về hơi nóng, Thầy đáp: Tốt lắm!
Tịnh-Hạnh thố lộ: “Sau câu niệm Phật, Tịnh-Hạnh cảm nhận một luồng điện nóng từ đầu chạy xuống chân, lúc niệm Phật theo Thầy.”
Bây giờ nói qua bài ghi của Trần-Phấn-Bá theo lời yêu cầu của chúng tôi. Ngoài những chi tiết trùng hợp với bài của Tịnh-Hạnh, Bá kể thêm nhiều sự kiện huyền diệu, chỉ xảy ra trong gia đình giàu đạo tâm:
-Người anh thứ hai đang ở Canada, bỗng nhiên hôm đó nhớ Mẹ, liền qua Mỹ thăm đúng vào ngày cụ Diệu-Chi vào nhà thương và mất.
-Một đứa cháu nội cũng ở Canada, 20 năm chưa hề qua Mỹ, bất thình lình qua thăm Nội, đúng ngày Nội lìa trần.
-Sau khi cụ Diệu-Chi mất, Bá có nói với bác sĩ và y tá rằng: “Vì lý do tôn giáo, không thể dời xác đi ngay, nên để cho gia đình cầu nguyện tối thiểu ba giờ đồng hồ. Mấy lần nhà thương báo trước giờ lấy phòng, nhưng nhờ cầu nguyện mà giữ phòng ấy được suốt 12 tiếng đồng hồ liên tiếp.
-Khi đi rải tro cốt cụ Diệu-Chi, thời tiết lúc ấy nhằm mùa Ðông lạnh lẽo, nhưng hôm ấy trời nắng và ấm áp.
Một hiện tượng khó giải thích
Cụ Bà Diệu-Chi được để phòng lạnh ở nhà quàn bốn ngày. Hôm đưa nhục thân của cụ đi hỏa táng, một người mợ của Bá để giấy tiền vàng bạc vào tay cụ.
Bá liền hỏi Thầy Hải-Quang: “Tiền này cho Má con mang đi được không?”
Thầy Hải-Quang đáp: “Tiền này không cần vì Diệu-Chi mang theo tiền công đức, chứ không cần tiền thế gian; nhưng nếu muốn để thì để dưới chân.”
Bá liền lấy đô-la giả nơi bàn tay Mẹ. Bá ngạc nhiên tự hỏi: “Sao bàn tay Mẹ mình dịu quặc như tay người sống?”
Bá cầm tay lên, thử lắc qua lắc lại đưa lên đưa xuống đều không giống tay người chết, mặc dầu đã để phòng lạnh bốn ngày. Ngón tay vẫn đầy đặn, những chỉ tay vẫn còn nguyên, rất rõ ràng. Chỗ y tá chích vô nước biển hiện rõ hai dấu xanh bầm. Cả cánh tay co lại cũng được. Mọi người bu lại coi và quay phim khi Bá lắc lên lắc xuống bàn tay và cánh tay Mẹ.
Thầy Hải-Quang đến quan sát kỹ từ mặt đến hai cánh tay, sau đó Thầy nói: “Hạng bét nhứt, Diệu-Chi cũng lên cõi Trời!”
Theo Bá, lỗ mũi của cụ Diệu-Chi không cao lắm, nhưng bây giờ mũi dài hơn trước, mặt trắng đẹp khác thường.
Sau đó, Thầy Hải-Quang nói: Trong Kinh Phật dạy: “Nếu người nào chết mà sắc mặt tươi hiền, tay chân mềm mại, thì hạng bét nhứt cũng về cõi Trời!”
Thắc mắc của Tịnh-Hải
Ðọc xong bài này qúy vị nghĩ sao? Cụ Diệu-Chi có được vãng sanh hay không?
Phần chúng tôi, về trực giác chúng tôi nghĩ rằng cụ Diệu-Chi đã vãng sanh. Nhưng dựa vào lời Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật và tìm hiểu sự thật, từ lúc đưa cụ Diệu-Chi vào nhà thương cho đến lúc cụ tắt thở, thì thấy còn có nghi vấn.
Chúng tôi nêu điểm này ra đây để qúy vị ghi nhớ thật kỹ. Nơi trang 18 Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Ðức Phật dạy thật rõ: “Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm nối tiếp liền nhau, lập tức vào Phổ Ðẳng Tam Muội của Ðức Phật A-Di-Ðà, được Phật tiếp dẫn về Tịnh-Ðộ Tây-Phương.”
Lời kinh dạy như vậy. Cho nên chúng tôi thường nhắc nhở vợ con rằng: “Hãy ráng tập niệm Phật cho thường, cho thành thói quen, thì tự nhiên lúc nào miệng cũng niệm Phật. Bằng không đến lúc lâm chung, bịnh tật khổ đau hành hạ có thể bị mất chánh niệm.”
Vừa qua có một Phật tử ở Florida, một ở NSW gọi cho chúng tôi trình bày một tình trạng tương tợ. Cả hai đều trải qua cơn đau ngặt nghèo. Lúc đó muốn niệm Phật mà không niệm được. Thật khó lắm!
Bây giờ trở lại bài của Tịnh-Hạnh, trong bài thơ “Nhớ Mẹ”, Tịnh-Hạnh mừng cho Mẹ lên Cõi Trời. Rồi sau đó Tịnh-Hạnh cho rằng cụ bà Diệu-Chi đã vãng sanh mà sách này viết “Những Chuyện Niệm Phật Vãng Sanh.” Chúng tôi phải tìm hiểu và làm sao chứng minh cụ Diệu-Chi đã thật sự vãng sanh thì mới đăng lên được. Chúng tôi gọi Trần-Phấn-Bá trình bày sự thật, nhờ Bá gọi cho Tịnh-Hạnh, vì chúng tôi không có số điện thoại, yêu cầu Tịnh-Hạnh nói rõ chỗ này.
Như qúy vị đã biết rõ lời Phật dạy trong Kinh: “Khi lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm nối tiếp liền nhau.” Ðọc bài của Bá, thì lúc đưa cụ Diệu-Chi vào nhà thương, cả gia đình không ngớt niệm Phật, quan tâm theo dõi sự cấp cứu, mà quên nhắc nhở cụ Diệu-Chi niệm Phật.
Ðọc bài cư sĩ Thiện-Bửu thấy rõ, lúc lâm chung Thiện-Bửu sắp mất, gia đình không còn nghĩ cứu cấp nữa. Vì già rồi, dù cứu cấp cũng chẳng sống bao lâu nữa, nhưng cứu Thần Thức mới là quan trọng. Cho nên ngay cả trên xe cấp cứu đang chở về nhà, con gái Thiện-Bửu đã kề sát tai anh niệm Phật thật lớn. Về đến nhà, bà Tâm-Minh kề sát tai nhắc nhở (xin đọc bài Thiện-Bửu) và chị Thiện-Bửu cũng nhắc chồng niệm Phật.
Ðây là kinh nghiệm qúy báu nhứt, xin qúy vị ráng nhớ thật kỹ, để sau này lo cho thân nhân mình. Thiếu sót một chút có thể gây nên điều đáng tiếc.
Chúng tôi xin nói rõ thêm. Nói như chúng tôi trên đây, không có nghĩa là cụ Diệu-Chi không được vãng sanh, vì chúng tôi không gặp được Thầy Hải-Quang nên muốn biết cho thật rõ vậy thôi.
Bá báo tin cho Tịnh-Hạnh biết chúng tôi muốn hỏi thăm chuyện, làm Tịnh-Hạnh phân vân và cô tự hỏi có nên điện thoại cho chúng tôi hay không? chẳng rõ chú Tịnh-Hải này có gai góc gì không?
Tịnh-Hạnh rất rành về Mật-Tông. Sự cầu nguyện và Niệm Chú của Tịnh-Hạnh luôn luôn được linh ứng. Lúc ở nhà thương, y tá báo tin giờ trả phòng. Tịnh-Hạnh cầu nguyện, niệm chú, triệu thỉnh chư Thần để giữ phòng lại, chờ Thầy Hải-Quang đến làm lễ. Mọi điều được linh ứng.
Lần này, Tịnh-Hạnh cầu xin Quán-Thế-Âm Bồ-Tát từ bi gia hộ cho Tịnh-Hạnh biết, hiện cụ Diệu-Chi có được vãng sanh không? Tịnh-Hạnh cầu nguyện suốt hai giờ đồng hồ. Kế đó được trả lời bằng cách Tịnh-Hạnh viết vào hai tờ giấy, một viết chữ “Nên gặp Tịnh-Hải” và một tờ giấy viết chữ “Không.”
Xong rồi Tịnh-Hạnh tha thiết khấn vái. Qua ba lần đều bắt được chữ “Nên gặp Tịnh-Hải.” Thế là Tịnh-Hạnh gọi cho chúng tôi và cho chúng tôi biết điều này.
Trước tiên chúng tôi hỏi: “Tại sao lúc nói Má lên cõi Trời, lúc thì nói Má vãng sanh?”
Tịnh-Hạnh đáp: “Ðó là cuốn ký ức, con nhớ điều gì cứ ghi theo thứ tự như một hồi ký. Khi Thầy Hải-Quang đến, Thầy cầu nguyện và bảo mọi người đồng niệm “Nam Mô Tiếp Dẫn Ðạo Sư A-Di-Ðà-Phật”, thì tự cháu biết Mẹ cháu đã vãng sanh.
Trong tập viết của cháu và anh cháu, chú đọc không thấy nói lên điều này. (Chúng tôi bảo Tịnh-Hạnh như vậy) nên chú muốn biết sau đó Thầy Hải-Quang có nói riêng với cháu điều này hay không?
Tịnh-Hạnh đáp: “Thầy con không nói điều này. Trước đây Thầy dè dặt từng lời nói. Bây giờ nhập thất, Thầy càng ít nói hơn.”
Chúng tôi nói tiếp: Sở dĩ chú hỏi, là vì trong Kinh Phật dạy “Lúc lâm chung cố giữ sao cho mười niệm được liền nhau.” Ðọc tài liệu anh cháu, chú thấy giây phút đó Má cháu đã rơi vào hôn mê, e không thể niệm Phật.
Tịnh-Hạnh đáp: Trên lý thì chú nói có phần đúng. Nhưng theo kinh nghiệm của bản thân con và những điều Thầy con từng dạy, thì con tin rằng, Má con vẫn niệm Phật trong vô niệm, vì Má con đã niệm Phật nhập tâm rồi. Như con đây, ngày đêm con thường niệm chú Thủ-Lăng-Nghiêm, có lần con đang ngủ mà một bạn đạo ngủ phòng kế cận thắc mắc tạ6 sao nửa khuya mà con còn niệm chú; khẽ mở cửa phòng nhìn vào thấy con đang ngủ. Thầy con, Thượng Tọa Hải-Quang là cháu, vừa là đệ tử của Hòa Thượng Thiền-Tâm. Một đêm nọ giữa khuya nghe Hòa Thượng niệm Phật rõ tiếng. Thầy con khẽ mở cửa phòng nhìn vào thấy Hòa Thượng đang ngủ yên. Có nghĩa là bất cứ ai đã nhập tâm niệm Phật, thì bất cứ lúc nào cũng đều niệm Phật, dù là lúc Má con hôn mê, nhưng tâm vẫn niệm Phật. Con tin như vậy. Vả lại, sau khi Thầy Hải-Quang tụng kinh, cầu nguyện và hướng dẫn niệm Phật thì trạng thái hơi ấm có thay đổi.
Theo Kinh A-Di-Ðà-Phật, bất cứ ai thành tâm niệm Phật đều được vãng sanh, nhưng vãng sanh nơi biên địa (Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật sưu giải chúng tôi có nói đầy đủ) tuy nhiên nếu biết cầu nguyện, hồi hướng công đức có thể đổi phẩm vị.
Tóm lại, chúng tôi rất hiểu điều này, chúng tôi qủa quyết cụ Diệu-Chi có hiện tượng vãng sanh; nhưng tự chúng tôi không thể nói được nên muốn nghe chính từ miệng Tịnh-Hạnh là người trong cuộc nói ra và là người có công phu tu tập.
Chúng tôi nhiều lần điện đàm với cháu Tịnh-Hạnh, nói đủ thứ chuyện; có lần Tịnh-Hạnh đề cập đến Kinh Phật Ðảnh-Tôn-Thắng Ðà-La-Ni và cho rằng Thần-Chú này có công năng thù thắng mà Tịnh-Hạnh và hai con ngày đêm trì tụng.
Ðược nghe nói về Kinh Phật Ðảnh-Tôn-Thắng Ðà-La-Ni, chúng tôi liền để ra mấy ngày nghiên cứu về Kinh này. Trong Kinh có nhiều đoạn khiến chúng tôi hiểu ngay sự thù thắng của Kinh. Thí dụ có đoạn Ðức Phật dạy:
“Nếu có kẻ nào mới chết, hoặc chết đã lâu, có người tụng 21 biến Thần-Chú này vào một nắm đất, hoặc cát rải lên thi hài, hoặc rải lên nấm mộ, kẻ ấy nhất định sẽ được sanh về mười phương Tịnh-Ðộ.”
Chúng tôi chẳng biết khi Thầy HảI-Quang đến làm lễ cho Cụ Bà Diệu-Chi, Thầy có áp dụng phương thức trên đây để giúp thần thức của Cụ Bà Diệu-Chi vãng sanh Cực-Lạc chăng?
Trong một đoạn khác, Ðức Phật dạy thêm: “Nếu có chúng sanh nào mỗi ngày trì tụng Thần-Chú này 21 biến, thì kẻ ấy ưng tiêu sự cúng dường rộng lớn của tất cả thế gian, sau khi xả báo thân sẽ được vãng sanh về thế giới Cực-Lạc của Ðức Phật A-Di-Ðà.”
Sau khi nghiên cứu toàn bộ Kinh Phật Ðảnh-Tôn-Thắng Ðà-La-Ni, chúng tôi liền điện thoại cho Tịnh-Hạnh, hỏi có thể nào Thầy Hải-Quang trì chú vào cát khi đến làm lễ chăng? Tịnh-Hạnh trả lời hoàn toàn không biết.
Nhưng Tịnh-Hạnh nói: Hai đứa con của con là Hạnh-Ðức và Hiển-Trí từ nhỏ tới lớn chỉ chuyên trì tụng Phật Ðảnh-Tôn-Thắng Thần Chú. Những ngày trước khi Má con mất, và ngay sau khi Má con mất, các con của con đều tụng Thần-Chú cả ngày lẫn đêm rồi hồi hướng công đức cho Bà Ngoại, tức Má con được vãng sanh.
Bây giờ chúng tôi hiểu rằng: “Ngoài những người con trong gia đình, các đứa cháu hiếu thảo đều có thể đóng góp vào việc vãng sanh của Ông Bà. Như cháu Trần-Phấn-Bá có ba đứa con suốt ngày niệm Phật hồi hướng công đức cho Bà Nội; hai đứa con của Tịnh-Hạnh đọc Thần-Chú Phật Ðảnh Tôn-Thắng để hồi hướng cho Bà Ngoại được vãng sanh, trước và 49 ngày sau khi Cụ Bà Diệu-Chi lìa đời. Ôi! Thật là qúy hóa thay!
Ðây là điều mà chúng tôi học hỏi được khi viết về hiện tượng vãng sanh của Cụ Diệu-Chi Tăng-Kim-Lang.
Một cuốn video nói lên tất cả
Ðể chúng tôi thấy rõ những điều mà con cháu Cụ Diệu-Chi trình bày không sai sự thật, cháu Trần-Phấn-Bá gởi cho chúng tôi cuốn video của đám tang. Chúng tôi thấy rõ, thật sự bàn tay của Cụ Diệu-Chi mềm mại như hồi còn sống; mặc dù đã trải qua bốn ngày xác Cụ để trong phòng lạnh.
Trước tiên, Trần-Phấn-Bá phát giác ra liền nói: “Bàn tay Má còn mềm xèo! Ðẹp hơn ngày thường.”
Thầy Hải-Quang bước lại xem và nói: “Ðó là nhờ công đức niệm Phật và trì chú. Nếu trong 49 ngày các con cháu, thân nhân cố gắng tiếp tục niệm Phật tu hành công đức cho khéo, Cụ sẽ về cõi Cực-Lạc.”
Thầy rờ tay Cụ, Thầy nói: “Người khác sáu tiếng đồng hồ sau là tay cứng ngắc hết. Ðây là công đức Diệu-Chi tu hành suốt đời, bây giờ mới được như vậy.”
Thầy Hải-Quang tiếp tục quan sát, chỉ vào lòng bàn tay và nói: “Chỉ tay của Cụ còn nguyên không mất, thường thường người chết chỉ tay mất hết. Tay vẫn dịu nhiễu y như sống. Triệu chứng này, hạng bét nhứt cũng sanh lên cõi Trời, mà nếu con cháu niệm Phật hồi hướng được sanh về cõi Cực-Lạc.”
Thầy Hải-Quang nói với các người con: “Qúy vị hân hạnh có Bà Mẹ như vậy, thật trong đời khó kiếm.”
Cháu Tịnh-Hạnh nói: “Má à, tụi con sẽ niệm Phật và tụng kinh cho Má suốt 49 ngày, Má sẽ về cõi Phật, Cửu Phẩm Liên-Hoa Má đã nguyện, Má sẽ về với Phật A-Di-Ðà.”
Chúng tôi nhìn thấy hình ảnh các người con của Cụ Diệu-Chi xúm lại cắt móng tay vừa ra dài của Cụ. Trên bàn tay chỗ Cụ vô nước biển, dấu bầm vẫn còn.
Theo lời kể, từ lúc đưa Cụ Diệu-Chi vào nhà thương, con và cháu Cụ thành tâm niệm Phật không ngừng. Ðặc biệt có đứa cháu nội gái ở lại nhà thương một mình, thức suốt đêm, niệm Phật cho Cụ. Sau khi Cụ dứt hơi thở, các con cháu lại thành tâm niệm Phật thêm 12 tiếng đồng hồ, cho đến khi Thầy Hải-Quang đến niệm Chú, hướng dẫn hương linh. Nếu mọi gia đình Việt Nam hiểu được điều này, và khi gia đình có người lâm chung cũng thực hành y như vậy, thì người chết sẽ được nhiều lợi lạc.
Chúng tôi lại cho nhiều người xem đoạn video này. Tất cả đều kinh ngạc thích thú. Chúng tôi nghĩ rằng nếu đoạn video này được cho nhiều người khác xem thì rất tốt; bèn gọi cho Tịnh-Hạnh đưa đề nghị này. Tịnh-Hạnh không đồng ý, cho rằng đây là chuyện gia đình không nên phơi bày với mọi người.
Chúng tôi thuyết phục, giải thích rằng có nhiều người chết đi còn độ được nhiều chúng sanh như trường hợp của qúy vị vãng sanh lưu Xá-Lợi trong sách này. Trường hợp của Má cháu cũng là một điển hình, vậy tại sao làm giảm bớt công đức của Má cháu?
Rốt cuộc, chẳng những Tịnh-Hạnh đồng ý mà còn nhờ chúng tôi tìm chỗ sang băng giùm để biếu nếu thật sự có người muốn xem. Một người xem được video, xem xong cho người khác mượn, đó cũng là phổ biến Pháp Môn Niệm Phật Vãng Sanh vậy. Một người xem video sẽ có thêm một người tinh tấn niệm Phật.
Và chúng tôi lại phải nhờ Cô Tâm-Từ đem từ tâm của Cô làm giùm công việc nhận thư xin video đám tang của Cụ Diệu-Chi, xuất tiền túi trả trước cước phí. Khi nhận video, qúy vị ấy sẽ hoàn trả cước phí lại. Vậy xin qúy vị nào muốn xem, xin liên lạc với Cô Tâm-Từ.


Trích trong sách “Những Chuyện Vãng Sanh Lưu Xá Lợi” của Cư Sĩ Tịnh Hải.

No comments: