Thursday

Xa Loi cua Hoa Thuong Thich Thien Tam

CHIẾC RĂNG XÁ-LỢI HUYỀN BÍ
của Cố HT THÍCH-THIỀN-TÂM
đưọc gọi là “Nha (xỉ) Xá-Lợi”
Ngài đã nhập thất gồm 20 năm từ 1975-1992


Sách này đáng lý đã chấm dứt sau chuyện Cụ Bà Diệu-Chánh, nhưng không rõ do một duyên gì, chúng tôi nhận được một số sách do cháu Tịnh-Hạnh gởi tặng. Trong số sách này, chúng tôi lật ra xem, nhằm ngay một bài nói về Chiếc Răng Xá-Lợi của cố Hòa Thượng Thích-Thiền-Tâm, một cao tăng Việt Nam đã đem hết đời mình xiển dương pháp môn Tịnh-Ðộ mà Ðức Phật Thích-Ca đã giảng dạy để cứu chúng sanh thời Mạt Pháp này.
Sách mang tựa “Vô Nhất Ðại Sư Thích-Thiền-Tâm, một cao tăng cận đại” do Ưu-Bà-Di Bảo-Ðăng viết. Sách dày 562 trang. Chúng tôi đã viết về Trái Tim Xá-Lợi của Bồ-Tát Thích-Quảng-Ðức và 12 câu chuyện “Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá-Lợi” của chư Tăng Ni và Phật tử hiện đời, mà thiếu sót chuyện “Chiếc Răng Xá-Lợi Huyền Bí” của cố Hòa Thượng Thích-Thiền-Tâm là một điều đáng trách, nên chúng tôi vội trích đăng dưới đây.
Vả lại, từ buổi đầu sưu giải Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật của Hòa Thượng Thiền-Tâm, chúng tôi đã có cái duyên liên hệ rồi; nay chấm dứt sách này bằng câu chuyện Hòa Thượng Thiền-Tâm do niệm Phật mà Ngài đắc qủa vãng sanh, âu cũng là đúng đạo nghĩa. Hòa Thượng Thiền-Tâm vào năm 1992, lúc ấy 68 tuổi, báo trước sáu tháng rằng Ðức A-Di-Ðà Thế-Tôn đã báo tin ngày giờ (6 giờ 15 phút sáng ngày 13-12-1992 dl) sẽ rước về cõi Cực-Lạc. Ðúng ngày giờ, Ngài ngồi giữa đại-chúng, kết ấn A-Di-Ðà Ðịnh, bỗng mở mắt ra nói: “Ta đi đây, đại chúng nên bảo trọng” rồi lặng yên an nhiên thoát hóa ngay trên bản tọa.
LƯU XÁ-LỢI
Nha (xỉ) Xá-Lợi
Từ khi Ngài bế quan, nhập thất trở lại và quyết chí niệm Phật để cầu được vãng sanh từ năm 1975 cho đến nay (1992) gần 20 năm trôi qua, Ngài sống đời đạm bạc và an phận tu hành, nếm đủ hết các mùi tân-khổ, tự giam mình trong căn thất nhỏ chưa đầy 20 thước vuông, đêm ngày lẽ bái hành trì, xưng niệm hồng danh của Ðức A-Di-Ðà Thế-Tôn không gián đoạn, cơm hẩm, canh rau, khắc khổ qua ngày, một việc làm mà các vị cùng tu đương thời ít ai sánh nổi. Ðương nhiên là sắc than tứ đại của Ngài cũng phải theo lẽ sanh diệt vô thường mà biến đổi, yếu đau, nhưng bù lại công đức tu hành của Ngài càng thêm tăng tiến, tinh thần càng thêm minh mẫn, trí huệ càng thêm được phát sanh.
Cứ mỗi lần Ngài vào trong khóa lễ và trì niệm, thì nơi răng của Ngài lại tiết ra một chất nước cam-lộ có mùi vị ngọt thanh, trưởng dưỡng đạo-căn ngày thêm thành thục, theo ý thơ sau:
Ẩn tu niệm Phậ suốt thâu canh,
Cam-lộ từ răng đượm ngọt thanh.
Khát nước đã nhờ công-đức thủy,
Lam-Kiều chi nhọc hỏi Vân-Anh.
(Ẩn tu ngẫu-vịnh)
Và do vì như vậy mà tất cả 32 chiếc răng của Ngài dù đã biến thành ra “Nha (xỉ) Xá-Lợi”. Vì sao mà được biết là tất cả các răng của Ngài đã biến thành Xá-Lợi?
Ðây chắc chắn là một câu hỏi đầu tiên và phổ thông nhất trên môi, miệng của tất cả mọi người khi đọc đến đây.(Bảo-Ðăng dám chắc như vậy)
Việc này không phải là chuyện sai ngoa hay khoe khoang, khoác lác (vì cố Hòa Thượng có bao giờ nói với ai là Ngài tu cao, hay là đã chứng đắc được qủa vị gì đâu. Trái lại Ngài còn nói là mình kém tài năng, vô đức hạnh nữa thì làm sao nói rằng Ngài là một người khoe khoang, khoác lác được.) Xin hãy đọc và nghe Bảo-Ðăng kể lại câu chuyện sau đây:
Mấy năm sau cùng trước khi viên tịch, nướu răng (cấm) của Ngài bị sưng làm cho Ngài hơi khó chịu vì đau nhức. Một người tại gia đệ tử của Ngài pháp danh là Chánh-Kiến sau khi được biết như vậy có xin phép (vào thăm bịnh) và thưa cùng Ngài rằng:
-Bạch Hòa Thượng, con có một đứa con trai là nha sĩ có phòng làm răng ở Sàigòn. Ðược biết Ngài bị sưng răng, nếu như Ngài cho phép con sẽ gọi nó lên đây để chữa trị cho Ngài. Xin Ngài từ bi cho chúng con được ân triêm chút phần phước đức.
Ngài bằng lòng và sau đó vị nha sĩ Hòa (tên con trai của đạo hữu Chánh-Kiến) chở một số máy móc nha khoa từ Sàigòn lên Phương Liên tịnh xứ để khám răng cho “Sư Ông”.
Bảo Ðăng xin đăng lại (một ít) phần phỏng vấn của mình nơi phòng làm việc của vị nha sĩ ấy trong hai lần về Sàigòn như sau:
Thưa chị, răng của Sư Ông 32 cái còn nguyên, cứng chắc, trắng trẻo, đều đặn như răng của một người còn trẻ tuổi, và tôi thấy có một điều lạ lùng, đặc biệt là các răng cấm của Sư Ông không có các vết hằn sâu xuống như răng cấm của mọi người bình thường.
Hỏi: Nghĩa là sao?
Ðáp: Nghĩa là các răng cấm của Sư Ông đều vun cao lên tròn trịa như hòn bi. Sau khi khám kỹ thì tôi thấy Sư Ông chỉ bị sưng nướu răng cho nên hành ra đau nhức mà thôi. Muốn nó hết nhức lẹ thì chỉ việc nhổ quách là xong. Tôi trình bày như vậy và được Sư Ông đồng ý cho phép nhổ.
Sau khi nhổ răng xong rồi thì Ni Sư trưởng tử (tức là Ni Sư Thanh-Nguyệt đã bưng dĩa chực sẵn kế bên) liền thỉnh ngay chiếc răng của Sư Ông vào dĩa và đem để lên bàn thờ Phật. Riêng tôi thì tiếp tục hầu chuyện cùng Sư Ông. Một chập sau, Sư Ông hỏi: “Con có cần hỏi Thầy thêm chuyện gì nữa không?”
Không hiểu sao tôi bỗng dưng đáp: “Bạch Sư Ông, không có, con chỉ xin Sư Ông cho con thỉnh cái răng vừa mới nhổ để làm kỷ niệm.”
Sư Ông nhìn tôi một cách chăm chú. Ngài lặng thinh một hồi, cười bảo với Ni Sư Thanh-Nguyệt: “Thôi cho nó cái răng đo đi, bởi vì nhân duyên của nó có phần như vậy.”
Ni Sư trưởng tử làm thinh chần chờ có ý không muốn trao răng, và Sư Ông phải nhắc lại một lần nữa: “Thôi! Cho nó đi.”
Lúc đó Ni Sư mới chịu đi lên bàn Phật lấy răng xuống trao cho tôi với vẻ mặt gượng ép. Khi trao răng, Sư Ông có nói: “Cái răng này cũng bình thường thôi chứ không có gì lạ hết. Nhưng vì Sư Ông đã niệm Phật trì chú lâu rồi, nên sau này nếu như có ai lỡ bị bịnh ma-tà dựa nhập thì cho họ mượn đeo vào mình vài ngày là ma tà sẽ xuất ra ngay.”
Tôi vâng dạ, nhưng cũng không để ý gì cho mấy, (vì lúc đó tôi còn rất ấu trĩ trong đường đạo nên không biết chi nhiều) chỉ biết gói cất kỹ răng lại và để vào túi áo mà thôi. Có người biết được việc này nên đề nghị với tôi là xin mua lại cái răng với giá 3 chỉ vàng. Tôi từ chối ngay lập tức, sau đó tôi nói lại việc này với Ba tôi (Chánh-Kiến), Ba tôi cười và nói: “Ba lượng, 30 lượng, 300 lượng cũng còn chưa xứng. Bộ khùng sao mà đem răng của Sư Ông bán chứ!”
Tôi mang chiếc răng ấy về Sàigòn và cất làm kỷ niệm. Lúc Ba Má tôi được chấp thuận qua Mỹ, tôi mới nghĩ rằng: “Bình sanh Ba Má tôi rất kính, qúy trọng Sư Ông. Nay Ba Má tôi sắp sửa đi Mỹ rồi, phải nên cắt cái răng làm hai, bọc vàng lại, làm dây chuyền cho Ba Má tôi đeo, làm kỷ vật của Sư Ông.”
Khi mang cái răng ấy xuống và trước khi sắp sửa cắt răng ra, điều đầu tiên mà tôi nhận thấy ở nơi chiếc răng này như sau:
-Mặc dù chiếc răng ấy để lâu ngày rồi, nhưng vẫn giữ được màu trắng tinh và sáng bóng, sạch… y như một răng sống, chứ không phải như răng chết đã được nhổ lên lâu ngày.
-Răng ấy có 2 màu: nửa bên là màu ngà trắng sáng, nửa bên là màu ngũ sắc như xa cừ.
-Từ trong răng có vị thơm thoảng bay ra.
Mặc dù thấy như vậy và trong tâm cũng rất lấy làm lạ, nhưng tôi vẫn quyết định cắt răng ấy ra làm hai. Tôi dùng cưa nha sĩ cắt, nhưng lưỡi cưa bị trợt ra ngoài, răng nháng lửa lên, và vẫn giữ y nguyên không hề hấn gì. Tôi rất lấy làm lạ nghĩ hay lưỡi cưa cũ chăng? Sau đó, tôi dùng lưỡi cưa mới nguyên, cắm cúi cả buổi, nhưng chiếc răng chẳng hề bị khuy tổ chút nào. Tôi mới nghĩ đem chiếc răng đến chỗ chuyên môn cưa thép để nhờ cắt giùm. Người ta đòi tiền công tới 50000 đồng VN. Tôi và y ta kỳ kèo mãi, sau cùng y ta đồng ý. Ông ta dùng loại cưa lọng đặc biệt, kẹp cái răng vào bàn cắt, cùng với một người phụ nữa. Ðến đây tôi mới thấy có chuyện lạ lùng xảy ra:
Lưỡi cưa cứ luôn bị trợt ra ngoài, lửa nháng lên mà cái răng vẫn cứ y nhiên như cũ, không bị trầy trụa chút nào. Tôi đề nghị thay lưỡi cưa mới. Càng cưa đến đổ mồ hôi, thì nó càng nháng lửa ra, bay mùi khét mà chiếc răng cứ trơ ra, vẫn còn nguyên.
Ðem về, tôi vẫn cố tìm cách cắt răng, dùng loại máy của nha sĩ loại mạnh nhất (6000 tua/giây), nhưng nó vẫn không hề bị tổn giảm.
Sau đó Sư Cô Bảo-Ðàn, từ trên Phương-Liên tịnh xứ đi xe đò xuống Sàigòn, đến gặp Ba Má tôi và nói rằng: “Hòa Thượng sai tôi xuống bảo nói lại với nha-sĩ Hòa là “cái gì” của Sư Ông cho, không muốn giữ thì trả lại, đừng có phá!”
Ba Má tôi thuật lại, tôi giật mình! Tôi kể lại việc thực hiện ý định của tôi. Sau cùng, biết xác quyết đây là chiếc răng Xá-Lợi, tôi đem bọc vàng, làm dây chuyền (không có móc khóa để không mở ra được) cho Ba tôi đeo. Kể từ khi đeo chiếc răng Xá-Lợi, lại một sự huyền diệu khác nữa xảy ra. Nha sĩ Hòa kể rằng:
Từ khi đeo chiếc răng Xá-Lợi, tôi cảm thấy nghề nghiệp của tôi tăng tiến vượt bực, những thân chủ có răng đau khó chữa, tìm đến tôi thì tôi chữa trị rất dễ dàng. Có lần một bà có răng đau, các nha sĩ khác đề nghị phải giải phẫu. Khi bà đến tôi là nha sĩ cuối cùng để khám quyết, tôi cũng nghĩ chỉ có giải phẫu thôi.
Sau đó, tôi dùng các nha dụng cần thiết. Ðến chừng xong rồi, tôi bảo bà hả miệng ra để xem lại, thì không thấy cái răng đau, tưởng bà nuốt vào bụng, nên hơi lo vội hỏi thì bà đáp: “Ðâu có, tôi nhổ vào trong ống nhổ, chu choa, nha sĩ giỏi quá, mới đụng tay vào cái răng rớt ra liền.”
Nha sĩ Hòa kể tiếp: thật ra tôi chưa làm gì hết, chỉ xem thử thôi rồi ấn nhe mấy cái thì chiếc răng đau tự nhiên tróc chân rớt ra ngoài (mà bà ấy cũng không hay và tôi cũng không biết nữa.)
Ðây là một trong nhiều sự phi thường khác mà tôi cũng không hiểu tại sao?! Qủa thật chiếc răng Xá-Lợi của Sư Ông có một sự thần diệu phi thường mà khoa học không làm sao hiểu thấu.
Nha sĩ Hòa kể thêm một sự linh thiêng khác nữa: tôi có một đứa con bị nạn lưu thông, cả mình mẩy nó đều bị trầy trụa, đau nhức lắm. Trưa hôm đó tôi nằm ngủ chung mà trong lòng có ý lo buồn, mơ màng chợt thấy có nhiều người từ ngoài cửa đi vào, xúm lại giật sợi dây chuyền có mang răng Xá-Lợi của Sư Ông. Hai đàng dằn co nhau một hồi, bỗng nghe mấy người đó nói với nhau rằng: “Thôi đi, đừng hành thằng con của y ta nữa bởi vì y ta có bảo bối, thần vật của Bồ-Tát hộ thân rồi, mình làm quá không nên đâu!”
Nói xong, họ đồn nhau ra khỏi cửa đi mất. Tôi giật mình thức dậy thấy tay mình vẫn còn nắm chặt chiếc răng Xá-Lợi của Sư Ông, còn sợi dây chuyền thì tuột ra đến mang tai (chớ không sút ra được vì dây chuyền qúa chật lại thêm bị hai tai cản lại.)
Ðấy là một lý do khác nữa để chúng ta biết thêm về chiếc răng Xá-Lợi của cố Hòa Thượng là bảo vật vô giá (của bậc nhục thân Bồ-Tát đến nỗi qủy thần cũng muốn cướp đoạt.)

Về chuện KIM-XÀ-VƯƠNG THỌ TANG
Trước khi chấm dứt sách này xin lược sơ về Hòa Thượng Thích-Thiền-Tâm và đôi Kim-Xà-Vương.
Trước 1972, Hòa Thượng Thiền-Tâm dùng pháp hiệu là Liên-Du, sau 1972 Hoà Thượng đổi là Vô-Nhất để tỏ ý khiêm-hạ là đời của Ngài chẳng có gì là hạng nhất, hay số một hết.
Từ 1968, Vô-Nhất Ðại Sư về Lâm-Ðồng cất Chùa tịnh tu. Nơi đây có nhiều rắn; có khi rắn quấn đuôi nhau trên ngach cửa, thòng mình xuống, hả miệng, le lưỡi thở khè khè. Ðêm đêm rắn to bằng bắp chân nằm dưới chân giường, nếu sơ ý sẽ đạp nhằm.
Mỗi lần như vậy, Ngài bèn niệm Nam-Mô A-Di-Ðà Phật, và bảo: “Thôi sáng rồi, đạo hữu nên về để Thầy còn niệm Phật.” Rắn bò đi thật. Lần khác, Vô-Nhất Ðại Sư gặp rắn liền hỏi: “Có phải đạo hữu vào đây để nghe Kinh, nghe niệm Phật không? Nếu phải thì gật đầu ba cái.” Rắn làm y lời.
Sau này được biết dưới lòng đất của cái thất mà Ðại Sư Vô-Nhất ở là một gò mối, có vô số rắn đang ở. Về sau, một sáng có hai người Thượng xin gặp. Họ lễ phép chắp tay chào và còn biết niệm Phật.
Hai vợ chồng người Thượng đến xin lỗi Ðại Sư vì hồi trưa có đứa cháu nội phá phách làm Ðại Sư sợ. Thì ra đó là con rắn lớn bằng bắp chân phá làm cho Ðại Sư hết hồn. Và thì ra đây là cặp vợ chồng Kim-Xà-Vương, chồng 842 tuổi, vợ 760 tuổi đến xin sám hối và thời gian sau đó quy y với Ðại Sư.
Do đó, khi Vô-Nhất Ðại Sư viên tịch, cặp Kim-Xà-Vương đến đảnh lễ 3 lần rồi bò đi mất.


Trích trong sách “Những Chuyện Vãng Sanh Lưu Xá Lợi” của Cư Sĩ Tịnh Hải.

No comments: