Thursday

Xa Loi cua Su Ba Dam Luu

XÁ LỢI SƯ BÀ ÐÀM-LỰU
Thị tịch ngày 26-3-1999


Ðàm-Lựu vừa là tên cũng là đạo hiệu của Sư Bà. Sanh năm 1933 tại xã Thanh-Oai, Hà-Ðông Bắc Việt. Lúc hai tuổi được Cha Mẹ đem tặng cho Sư Cụ Ðàm Soạn nuôi, vì khó nuôi. Năm 16 tuổi Sư Bà thọ Sa-Di Ni Giới, 19 tuổi thọ Tỳ Kheo Ni Giới.
Năm 1952 theo Sư Cụ Ðàm-Soạn vào Nam. Năm 1964 được đưa du học ở Tây Ðức. Năm 1970 làm Giám đốc Cô-Nhi-Viện Lâm-Tỳ-Ni tại Sài Gòn.
Năm 1977 vượt biên tại Vũng Tàu. Năm 1980 lập chùa Ðức Viên tại San José, California.
Năm 1984, để sáng lập một ngôi chùa mới rộng rãi khang trang hơn, Sư Bà bắt đầu gây qũy để xây dựng ngôi Tam-Bảo, bằng cách hướng dẫn ni chúng và Phật tử trong chùa làm thức ăn chay bán vào các ngày rằm, mùng một, cũng như chủ nhựt hằng tuần và các ngày lễ lớn.
Ðể mọi người đều có thể gieo trồng thiện căn với Tam-Bảo, Sư Bà kêu gọi và phát động việc thu nhặt lon nhôm, giấy báo, thùng cát-tông,… Việc làm của Sư Bà được sự ủng hộ nồng nhiệt hơn từ đó.
Phạm vi bài này không chú trọng về tiểu sừ mà muốn nói về Pháp tu của Sư Bà. Theo Kỷ Yếu của Sư Bà thì Pháp mônhành trì của Sư Bà là Trì Chú và Niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương Cực-Lạc mà không lúc nào Sư Bà xao lãng.
Trong tập Kỷ Yếu có đăng một bài của nữ Phật tử tên Nguyệt-Chiếu Ðoàn-Thúy-Nga viết một lá thư gởi về Thế-Giới Cực-Lạc cho Sư Bà. Lời lẽ trong thơ vô cùng trung thực và cảm động khi nói về Pháp-môn của Sư Bà. Lời lẽ rất cảm động chứa đựng tình trò đối với Thầy tha thiết, nồng ấm. Chúng tôi xin trích đăng vài đoạn:
Kính bạch Thầy,
Lần đầu tiên con viết thư đến Thầy, bởi Thầy giờ đây ở rất xa, cõi Cực-Lạc, mà theo như Ðức Phật Bổn Sư dạy, nơi đấy cách xa Ta Bà hơn 10 vạn ức Phật Ðộ, và con giờ chưa thể đến thăm Thầy được.
Thầy dặn, ngày Thầy đi không được khóc, nhưng con vẫn không cầm được nước mắt giàn giụa vì mủi long thương nhớ, dù trong đầu con đang quán tưởng xem nhân duyên nào kềp hợp để mối thương cảm tràn đầy đến độ như thế trong con…
Con nhớ năm cuối của Thầy, con để ý thấy Thầy tụng Kinh thường ngừng quãng như yếu hơi. Khi con quan tâm hỏi, Thầy bảo chỉ cảm xoàng thôi. Hôm con thấy tay Thầy run run con hơi ngại, Thầy bảo già rồi nên thế. Từ đấy con yên lặng để ý đến Thầy, và thường xuyên thăm hỏi mỗi lần con gặp Thầy. Con hỏi nhiều qúa đến độ Thầy phải bảo át đi là: “Con chỉ lo hão, có thân là phải yếu.”
Thầy giản dị, khiêm cung, nhu hòa, nhẫn nhục, nhưng cương quyết thực hành chí nguyện độ sinh, luôn lấy câu niệm Phật cầu sinh Tây Phương nằm lòng. Biết bao lần con vui mừng vì cảm nhận: con được Thầy xem con như người bạn sen đặc biệt. Năm ngoái, khi Thầy Phước-Nhơn ở Úc sang. Thầy ân cần giới thiệu con với Thượng Tọa, con là người con của Ðức Phật-A-Di-Ðà. Thầy thường cởi mở, chân thành, tha thiết, tán thán Pháp môn Niệm Phật, và thân thiết tâm sự với con về Pháp môn tu của Thầy: dốc lòng tu trì câu hồng danh A-Di-Ðà và nguyện vãng sanh Cực-Lạc. Mỗi lần nói đến điều này với con, mỗi lần kể những phương tiện giúp người niệm Phật, Thầy đều hoan hỷ, khuôn mặt rạng rỡ vì niềm tin nơi Từ Phụ…
Khi chánh điện hoàn thành, Thầy tổ chức lễ an-vị Tam Thánh Tây Phương, thân kim sắc cao lớn, tướng hảo thật trang nghiêm. Có lần chỉ có hai thầy trò đứng ngắm Tam Thánh và Thầy vô cùng hoan hỷ, niềm hoan hỷ đặc biệt của những người mơ ước khi bỏ thân này được sinh tron nụ hoa sen nơi miền Cực-Lạc.
Cá nhân chúng tôi thích và quí trọng Sư Bà ở chỗ này. Vì Sư Bà y theo Kinh Quán Vô-Lượng-Thọ mà thờ tượng Tây Phương Tam Thánh. Ða số người tu Tịnh Ðộ thời nay thường niệm Phật nhiều mà ít có ngườI sử dụng pháp quán tưởng, vì cho là khó tu. Thật ra thì hành giả tu Tịnh-Ðộ nên học biết về Tây Phương Tam Thánh. Và bất cứ lúc nào cũng tưởng nghĩ đến Tây Phương Tam Thánh thì khi lâm chung có nhiều điều lợi. Chính vì lẽ đó chúng tôi đã ấn tống ảnh Tây Phương Tam Thánh và thâu băng Pháp Tu Quán Phật Trì Danh Tịnh Ðộ Thiền.
Trong lá thư gởi Sư Bà của nữ Phật tử Nguyệt-Chiếu có nhắc đến sự hoan hỷ của Sư Bà đối với Tam Thánh và danh hiệu của hồng danh Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật.
Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật - quyển Kinh này do Sư Bà ấn tống đầu tiên năm 1997 tại Hoa Kỳ - Ðại Bồ Tát Quán-Thế-Âm dạy: “Bất cứ chúng sanh nào thậm thâm tin hiểu và hoan hỷ thọ trì danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật hoặc một ngày, hoặc bảy ngày, cho tới nhiều lần của bảy ngày, thì sẽ đắc mười pháp quyết định bất khả tư nghị.”
Nơi đây chúng tôi đăng trọn mười pháp quyết định, vì nó tối hệ trọng đối với người tu niệm Phật, như là:
1. Quyết định đời đời thọ sanh trong dòng giống Như Lai.
2. Quyết định vĩnh viễn an trú trong cảnh giới vô lượng quang minh nghiêm sức của chư Phật.
3. Quyết định thấu triệt công hạnh, tâm nguyện của chư Bồ Tát.
4. Quyết định an trú trong vô số Ba-La-Mật.
5. Quyết định tham dự trong những chúng hội đạo tràng của chư Như Lai.
6. Quyết định đủ năng lực hiện bày thể tánh và chủng tướng của chư Như Lai.
7. Quyết định an trú trong trí tuệ siêu việt, giải thoát của Như Lai, thâm nhập Bồ-Ðề giác tánh của chư Phật.
8. Quyết định an trú trong bản nguyện vĩ đại của Ðức Phật A-Di-Ðà, chắc chắn được Ngài tiếp dẫn.
9. Quyết định hòa hợp thân và tâm vào trong Kim than của chư Phật.
10. Quyết định hóa sanh tự nơi hoa sen báu, cùng một chỗ ở với chư Phật, chư Thánh Chúng.
Như chúng tôi từng nói, người đắc Mười Pháp Quyết Ðịnh chắc chắn đắc qủa Ðại Ðịa hay Pháp Vân Ðịa Bồ-Tát tức Thập Ðịa. Trong thư bà Nguyệt-Chiếu kính gởi Sư Bà cũng nguyện đạt đến qủa vị Thập Ðịa Bồ-Tát, chúng tôi nghĩ bất cứ ai có thiện căn và quyết tâm đều sẽ được như nguyện.
Với một người tin hiểu và luôn luôn hoan hỷ xưng niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật như Sư Bà Ðàm-Lựu, chắc chắn đã đắc nhiều phần trong Mười Pháp Quyết Ðịnh mà Ngài Quán-Thế-Âm nói, khi lâm chung hẳn phải có điều lạ. Bây giờ xin đọc tiếp bức thư của Phật tử Nguyệt-Chiếu:
“Thầy thường tâm sự là sở sĩ Thầy theo Tịnh Ðộ vì lòng tin sâu xa phát khởi khi chứng kiến Sư Phụ của Thầy chuyên trì câu A-Di-Ðà và khi đi Sư Cụ biết trước ngày giờ, an nhiên tự tại… Và cách đây mấy năm một cụ già người Việt gốc Hoa ở Texas (ám chỉ bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết-Lời người sưu giải) cũng chỉ nhất tâm niệm hồng danh A-Di-Ðà, khi ra đi có hương thơm và để lại hoa Xá-Lợi…
Kính bạch Thầy,
Thầy đã biết trước lúc đi, và đã an nhiên tự tại trong tiếng niệm Phật A-Di-Ðà của Tứ chúng. Từ lúc Thầy thị hiện bịnh nặng đến cuối buổI Trà Tỳ, đạo tràng Ðức-Viên đã vang rền câu “Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật” không dứt hơn ba tháng trời. Câu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật đã vang lên, tỏa rộng khắp nơi, vượt cả mấy từng trời, đúng như ước nguyện của Thầy đã từng kể cho con: “Nơi đây có đạo tràng Ðức-Viên, giống như của chư Tổ Tịnh Ðộ, mà tiếng Niệm Phật vang rền không ngừng nghỉ”. Tín tâm của tứ chúng phát khởi và tăng trưởng, nhất là sau buổi Trà Tỳ, Thầy còn để lại vô số Xá-Lợi cho người sau. Một cụ ông thường Niệm Phật bảo con: “Bây giờ không tin cũng phải tin, đấy là chứng có hiển nhiên nhất”.
Trước khi trở lại Xá-Lợi của Sư Bà, chúng tôi xin trích vài đoạn Nhật ký của một thị giả của Sư Bà. Ðọc Nhật Ký này quí vị sẽ thấy rõ đức hạnh tu của Sư Bà không một giờ phút xao lãng.
Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Ðại Bồ-Tát-Quán-Thế-Âm nói: “Bất cứ chúng sinh nào kiên trì, dũng mãnh, xưng niệm Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, như mũi tên bắn thẳng tới đích nhắm, thì thành tựu những pháp Tinh Tấn, nghĩa là không mỏi nhọc, nhàm chán.” Chính Sư Bà đã thành tựu những pháp Tinh Tấn do niệm Phật không mỏi nhọc không nhàm chán. Sư Bà như là mũi tên bắn thẳng tới đích. Chắc chắn Sư Bà đã đến cõi Cực-Lạc.
Và đây là những đoạn Nhật Ký đáng đọc:
*Ngày 30-9-1998
Chiều nay là lớp Luật Tỳ-Kheo-Ni. Thầy dạy gọi Sư Bác Viên-Diệu (thư ký của chùa) vào, và đổi lớp học bằng phiên họp “Bất thường”. Thầy dạy rằng vô-thường có thể đến với bất kỳ ai và bất cứ lúc nào, Thầy muốn chúng tôi tập điều hành công việc của chùa. Linh cảm có chuyện không hay, rồi nước mắt lặng lẽ rơi. Thầy chỉ định và chúng tôi tán thành Ban Ðiều Hành mới của Chùa.
*Ðêm 25-12-1998
Từ chiều đến giờ Thầy thở không được, tay chân và bụng Thầy sưng khắp. Chúng tôi sợ qúa nên đưa Thầy đi emergency… Sáng hôm sau, Bác sĩ Kuo và một nhóm bác sĩ cho biết họ không thê nào tap nước được bởi Thầy đang uống thuốc Coumadin. Càng nghe bác sĩ giải thích bịnh trạng của thầy, chúng tôi như thấy đất trời tối lại. Nhưng Thầy vẫn vậy, mặt không một nét thay đổi. Nhìn Sư già Nguyên run cả giọng để thông dịch cho Thầy, trong khi sắc mặt Thầy vẫn bình thản và còn hỏi thêm chi tiết khác… Họ để Thầy xuất viện vì không thể làm gì hơn được, Sư già Nguyên cố nài nỉ họ tìm cách. Thầy an nhiên bảo: “Con vẫn chưa thành người lớn được.”
*Mồng 9-1-1999
Hơn 2 giờ khuya, Thầy thấy chúng tôi không đi ngủ nên đuổi hết ra khỏi phòng với lý do: “Các con ra đi cho Thầy niệm Phật…” Sư già Nguyên xuống đánh thức cả chúng dậy lên chánh điện niệm Phật cho Thầy, và đồng thời gọi Thầy Vĩnh_Nghiêm, Thầy Minh-Ðức và qúy Thầy bên Duyên-Giác. Mặc dù đang trong trạng thái hôn mê, nhưng khi nghe tiếng niệm Phật của đại chúng, Thầy lại tỉnh hẳn và kêu chúng tôi vào dặn: “Sau này Thầy đi rồi, chị em các con phài thương yêu lẫn nhau, phải tu học và sống theo chánh pháp.” Rồi lại thở thật yếu và thiếp đi. Quí Thầy sang đến nơi, vào thăm Thầy. Quí Thầy cao thanh niệm Phật trong phòng, Thầy đang trăn trở bỗng nằm yên, chấp hai tay lên ngực và niệm Phật theo… Khoảng 5 giờ sáng, khi đại chúng đang còn niệm Phật ngoài Chánh-Ðiện, Thầy ngồi dậy và dạy đi lấy áo lễ và y cho Thầy… Thầy đến thẳng giữa Chánh-Ðiện lễ Phật ba lễ rất thành kính và mỉm một nụ cười hoan hỷ. (Sau này Thầy bảo khi nghe tiếng niệm Phật ngoài Chánh-Ðiện, Thầy thấy vui qúa nên mới ra lễ phật.)
*Mồng 10-1-1999
Thầy trở về căn phòng đơn sơ của Thầy dưới nhà chúng. Thầy bảo tất cả chúng tôi ra ngoài để yên cho Thầy niệm Phật. Chúng tôi lấp ló ngay ngạch cửa thì thầy quở: “Thương Thầy thì phải để cho Thầy niệm Phật chứ…” Thầy trăn trở nhiều, nhưng vẫn nghe tiếng rầm rì niệm Phật của Thầy.
Thầy Vĩnh-Nghiêm đáp máy bay lên thăm. Thầy lại nằm yên, chấp tay lên ngực nghe Thầy Vĩnh-Nghiêm nói chuyện. Khoảng một giờ sau, Thầy Quang-Nghiêm, Thầy An-Tường, quí Thầy bên Duyên-Giác, Thầy Minh-Ðức, Thầy Từ-Lực và nhiều vị nữa đã vân tập trong phòng. Thầy Vĩnh-Nghiêm cho gọi tất cả chúng tôi vào và dặn không được khóc. Quí Thầy bắt đầu niệm Phật vang rền trong phòng, chúng tôi niệm Phật nhưng vẫn khóc. Ba hôm nay Thầy trăn trở là vậy, vậy mà giờ này Thầy nằm thật yên, tay chấp ngang ngực, miệng nhẩm theo tiếng niệm Phật của quí Thầy và đại chúng. Khoảng một giờ sau, Thầy ra dấu đỡ Thầy ngồi dậy. Thầy dường như tỉnh hẳn lại, nói cám ơn quí Thầy.
*Ngày 11-1-1999
Chúng tôi đưa Thầy vào bịnh viện để “tap” nước. Mắt Thầy lúc này cứ hướng về một cõi xa xăm nào đó, Thầy nhìn mà như không nhìn vậy. Chúng tôi sợ qúa nắm bàn tay Thầy, Thầy lại nhìn chúng tôi mỉm cười…Có một em bé đợi Mẹ em khám bịnh gần đó, chúng tôi chơi trò bắt cá bằng tay với em. Em bé vòi chơi với Thầy. Thầy đưa hai tay lên cho em bắt cá, rồi bỗng buông xuông xuống, và mắt nhắm nghiền. Chúng tôi sợ qúa gọi Bác sĩ Brophy đến. Sau khi thử máu bác sĩ cho biết Thầy bị thiếu Sodium trầm trọng và phải nhập viện ngay. Nhiều bác sĩ đến khám bịnh cho Thầy trong kinh ngạc. Bác sĩ Ðỗ cho rằng tất cả bịnh nhân nào ở mức sodium của Thầy thì đều bị hôn mê mãn tính hết rồi, họ không hiểu vì sao Thầy vẫn còn tỉnh táo, và chỉ bị mê trong đôi phút như vậy? Thầy mỉm cười bảo Sư già Nguyên thông dịch: “Con nói với họ là nhờ Thầy niệm Phật hằng ngày đó.”
Lần này Thầy nhập viện khá lâu. Trên một tuần lễ ở bịnh viện chỉ để truyền sodium và calcium mà vein trên cánh tay Thầy chìm qúa. Y tá phải lấy máu để thử mỗi ngày, họ đâm kim nhiều đến độ họ phải xót xa xin lỗi vì hai cánh tay Thầy giống như needle spin vậy đó. Vậy mà mỗI lần họ rút kim ra chỗ này để đâm vào tay tìm vein khác thì Thầy lại: “Cám ơn cô thật khéo tay.” Chúng tôi đau lòng nên càm ràm đôi câu với họ thì Thầy lại quở: “Gớm, con xem thân Thầy như là bong bong vậy. Có sao đâu, cứ để họ làm công việc họ cần làm. Tại tay Thầy khó chứ đâu phải họ dở mà con cứ nhăn.” Rồi Thầy lại cười và “thank you” họ. Lần sau y tá đến, thì họ xin cúng dàng Thầy một vein để Thầy bớt đau. Thầy mỉm cười: “Cô để mà dùng.” Họ ngỡ ngàng, khi đoán được ý Thầy, họ ôm tay Thầy mà cảm động vì họ biết Thầy không đành để họ khổ, và chỉ chịu khổ một mình. Từ đó, mỗi lần Thầy vào bịnh viện, họ lại gọi Thầy là “Mama” (Mẹ).
*Ngày 11-12-1999
Vạn Pháp lại trở thành tăm tối! Thầy lại không thở được và đau thật nhiều nơi lưng và hai cạnh sườn. Chúng tôi lại đưa Thầy đi cấp cứu… Bác sĩ vào thăm, khi họ xem bụng Thầy thì Thầy cườI bảo: “bụng tôi giống như biển cả!” bác sĩ cấp tốc xin thuốc giảm đau cho Thầy rồi quay qua hỏi chúng tôi làm sao mà Thầy còn “vui đùa” được trong nỗi đau kinh hoàng đó. Chúng tôi lại một lần nữa lặp lại lời Thầy, “nhờ Thầy niệm Phật hằng ngày thôi!”
*Ngày 15-3-1999
Sức khỏe Thầy suy sụp nhiều, Thầy dạy chúng tôi thỉnh chư Tăng về là lễ cầu siêu cho Thầy. Chúng tôi khóc xin Thầy đừng đi, nhưng Thầy bảo Thầy không trì hoãn được nữa. Quí Ngài đến tụng Kinh cầu nguyện, chúng tôi đẩy xe đưa Thầy lên bạch Ðại Tăng. Vẫn vậy, Thầy rất tự tại và thành kính yêu cầu quí Ngài tụng chú Vãng Sinh để cầu siêu cho Thầy. Thể theo lời thỉnh cầu của Thầy, quí Ngài đã tụng chú Vãng Sinh và niệm Phật trên một giờ đồng hồ. Thấy chúng tôi buồn xo, Thầy dạy chúng tôi nên nhất tâm niệm Phật cầu nguyện cho Thầy tiêu hết nghiệp dữ mà được vãng sinh.
*Ngày 23-3-1999
Bác sĩ của Thầy vào thăm Thầy, bác sĩ hỏi Thầy có biết khi đi rồi thì Thầy về đâu không? Thầy khẳng quyết: “Về cõi Cực-Lạc chứ về đâu.”
*Ngày 25-3-1999
……….. Ðiệp khúc: “Dậy, dậy, cho Thầy dậy” bỗng trở thành thân thương đối với chúng tôi trong nửa tháng nay. Có lần đang đêm Thầy muốn dậy hoài, chúng tôi thưa:
-Bạch Thầy, bây giờ là ban đêm Thầy dậy làm gì ạ?
-Cho Thầy dậy để Thầy làm bổn phận của người tu.
-Bạch Thầy, người tu phải làm gì ạ?
-Là phải giữ chữ Tín. Là phải dậy trước trời sáng.
Bằng những câu thật ngắn, thật đứt đoạn. Thầy luôn nhắc chúng tôi phải niệm Phật. Thầy dạy: “Các con phải dõng mãnh, tinh tiến niệm Phật khi còn khỏe. Trừ hao đến lúc bịnh, thân tâm bì quyện, niệm Phật rất khó định tâm. Mê thì nhiều mà ngộ thì ít.” Sợ Thầy bị phân tâm Sư già Phước thưa: “Bạch Thầy, mê hay ngộ con thỉnh Thầy cứ tiếp tục niệm Phật.” Thầy khẻ nhẹ vào Sư già và bảo: “Không phải dễ như chị nghĩ đâu chị hai, chín cảnh mê mới có một cảnh ngộ thôi.” Với Thầy, việc hành trì phải nghiêm mật lắm, và chỉ có vậy, chỉ cần niệm Phật không gián đoạn, không phải chỉ nơi ý mà còn nơi thân nữa.
Sư Bà chánh thức ra đi vào 21 giờ 27 phút ngày 26-3-1999 thọ thế 67 năm, hạ lạp 48 năm. Ðọc phần nhựt ký, chúng ta thấy đức hạnh của Sư Bà qủa là hơn người. Dù chứng bịnh ung thư hành hạ dữ dội nhưng Sư Bà vẫn không than van, lúc nào cũng lấy chữ nhân và tha làm đầu. Y tá chích nát gân tay mà vẫn không trách mà còn “cám ơn”. Lúc nào Sư Bà cũng cố gắng niệm Phật không gián đoạn, mặc dù đôi khi cơn bịnh cũng làm cho ngưng trệ và không quên dạy các nữ đệ tử rằng: “Các con phải dõng mãnh…” Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Ðại Bồ-Tát-Quán-Thế-Âm dạy: “Bất cứ chúng sanh nào phục sức than tâm bằng danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật thì sẽ đắc những năng lực giải thoát không thể nghĩ bàn.” Niệm Phật không ngừng như Sư Bà chính là phục sức thân tâm bằng danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, Sư Bà đã đắc những năng lực giải thoát không thể nghĩ bàn. Sư Bà đã chứng được Pháp Thân như Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật đã nói, và khi ra đi đã lưu lại nhiều trăm viên Xá-Lợi cùng trái tim màu ngọc thạch và đồng vàng. Xin đọc một đoạn bài viết của Thầy Thích-Quảng-Chơn nói về Xá-Lợi của Sư Bà:
“Sư Bà để lại rất nhiều Xá-Lợi gồm có xương, răng, tim và ngọc. Xá-Lợi xương thì nhiều lắm, lớn nhỏ, hình dạng và màu sắc khác nhau. Có mảnh trắng đục như sữa, sắc óng như ngà; có mảnh nhỏ màu đục như đất; có mảnh màu vàng nhạt như vỏ trứng gà; có mảnh ánh màu xanh như cẩm thạch; có mảnh trắng như hoa tuyết; có mảnh tím hồng như màu kiến sen; có mảnh vàng nhạt và co nhiều đoạn xương màu như đồng vàng hay thép nung. Răng của Sư Bà còn tất cả 28 chiếc, có hai chiếc ánh màu kiến sen và một chiếc màu lục. Tôi ngạc nhiên nhất khi Sư Cô nói trái tim Sư Bà vẫn còn và chỉ cho tôi một khối màu nâu đỏ, như bàn tay nắm lại của một em bé vừa mới sinh. Hơn phân nửa diện tích bề mặt của trái tim được bao phủ một lớp màu xanh cứng như thạch nhũ, nâng trong tay thật nhẹ và có cảm giác thanh thản như được an ủI và khuyến khích. Một cảm giác tâm linh phảng phất bóng của một Ni Sư đức hạnh như in đậm ở trong đây. Ngọc Xá-Lợi của Sư Bà thì thật là nhiều, lớn nhỏ đến gần trăm viên. Có viên đen huyền óng ánh, có viên màu trắng đục như hạt gạo, có viên màu trắng như san hô. Những viên ngọc Xá-Lợi hình dạng khác nhau, có hạt tròn như hạt đậu dính chặt vào một mảnh xương, có hạt hình bầu dục, cũng có những hạt tròn nhỏ đính thành một chuỗi dài trên một mảnh xương như chuỗi ngọc trai.
Rất ngạc nhiên vì đây là lần đầu tiên tôi thấy Xá-Lợi của một vị Cao Ni. Trong đời tôi chưa bao giờ nghe hoặc thấy Xá-Lợi của một vị nữ xuất gia. Theo lịch sử truyền thuyết thừa Phật giáo rất hiếm các vị Cao Ni để lại Xá-Lợi. Trong Ðại Chính Tân Tu quyển Tỳ Kheo Ni Truyện chỉ viết về hai vị Cao Ni có để lại Xá-Lợi. Nói như vậy không phải là thiếu các bậc Cao Ni đắc đạo, chứng chánh qủa, hay ngộ được tinh yếu của giáo lý Ðại Thừa. Nhưng hiếm thấy Xá-Lợi của các vị Cao Ni thờ ở các chùa hoặc tổ đình. Lý do dễ hiểu là ngày xưa các vị tổ khai sáng một tông môn hoặc một tổ đình lớn ở Trung Quốc cũng như Việt Nam đều là các bậc Cao Tăng.
Xá-Lợi của Sư Bà để lại cho Ni chúng và Phật tử như những viên ngọc quí, lời dạy của Sư Bà như đài gương sáng, như bản đồ chỉ đường cho Phật tử đi theo công hạnh của Người mà huân tụ giới đức, trang nghiêm cõi Tịnh mà Sư Bà đã khai sáng."


Trích trong sách “Những Chuyện Vãng Sanh Lưu Xá Lợi” của Cư Sĩ Tịnh Hải.

No comments: