Thursday

Kho Do Ai Ma Co

KHỔ DO ÁI MÀ CÓ
Tâm Diêu
(trích trong Ðặc San Hoa Nghiêm năm 2002-PL 2546)


Kinh Trung A Hàm kể rằng:
Một hôm Phật ôm bình đi khất thực tại một thôn nọ. Ông Thôn Trưởng tên Nacada đến gặp Phật và hỏi: "Nguyên nhân nào gây ra khổ."
Phật hỏi: "Nếu trong thôn ông có người chết hay bị tai nạn, ông có khổ không?".
-Bạch Thế Tôn: có khi khổ, có khi không.
-Tại sao?
-Nếu người chết hay bị tai nạn là người thân thuộc thì khổ, nếu người khác thì không.
Phật kết luận: "khổ là do ái mà có".
Kinh Pháp Cú số 215 cũng nói: "Hữu ái sinh ưu, hữu ái sinh úy. Vô sở ái nhạo, hà ưu hà úy." Nghĩa là có tham ái mới sanh lo sợ, nếu không tham ái thì có lo sợ gì.
Chữ ái trong kinh nghĩa rất rộng. Ái là thương yêu, nâng niu, đắm say, dính mắc, bám lấy, giữ chặt. Ái thân gọi là ái ngã hay chấp ngã. Ái những gì bên ngoài thuộc về ngã như vợ con, thân thuộc, tài sản, danh vọng, quyền uy. v.v... gọi là ngã sở hay chấp pháp.
Nguồn gốc mọi sự khổ trên đời là chấp Ngã, chấp Pháp mà có. Ví dụ: Ðêm khuya, không đèn chị B di chuyển trong nhà, va phải cột nhà u trán, tuy thấy đau, nhưng tâm chị không khổ. Nhưng trái lại một người nào mắng nhẹ chị ta trước đám đông, thì chị ta rất khổ, nếu người đó có uy quyền, đành phải nhẫn nhục chịu đựng, nhưng về nhà, ăn không ngon ngủ không yên, thao thức trằn trọc buồn giận người đã sỉ nhục mình trước mọi người. Khổ đó do đâu mà có? Vì ái ngã, lời mắng đó làm thương tổn bản ngã, tuy lời nói không làm nhức lỗ tai, nhưng khổ hơn bị va phải cột sưng trán nhiều. Nếu không tu, không biết buông xả, thì khổ đó trải qua nhiều ngày chưa nguôi.
Hoặc anh chị A có cháu gái 14 tuổi đi học đêm thường 10 giờ tối là về nhà. Hôm nay đến 12 giờ hơn chưa thấy về. Anh chị bắt đầu lo lắng, rồi sợ cháu gặp tai nạn? hay bị bắt cóc? v.v... Có lo sợ là vì anh chị thương con. Nếu con hàng xóm thì anh chị đâu có quan tâm mà lo sợ. Lo sợ phát xuất do ái mà có.
Một câu chuyện trong kinh A Hàm kể rằng: "Khi Phật thuyết giảng gốc khổ là do ái mà có, thì một số ngoại đạo, vốn đã chống đối đức Phật vì phần lớn đệ tử họ đã theo Phật, nên họ vịn vào lời giảng "Ái là gốc của khổ" để phê phán Phật. Họ nói: Ái là nguồn thương yêu, là hạnh phúc của nhân loại, tại sao Phật bảo ái là khổ? Lời phê phán của các phái ngoại đạo đến tai vua Ba Tư Nặc. Vua cũng không chấp nhận "Ái là khổ". Hoàng hậu Mạc Lợi thường đi nghe Phật thuyết giảng nên bà tin lời Phật dạy là chân thật. Nên Hoàng hậu hỏi lại vua Ba Tư Nặc: "Vua có thương yêu công chúa không?" Vua trả lời: "Thương lắm chứ, công chúa là nguồn hạnh phúc của trẩm mà." Hoàng hậu Mạc Lợi hỏi tiếp: "Có khi nào vua nghĩ rằng một ngày nào đó bất thình lình công chúa nhuốm bịnh rồi qua đời không?"
Vua Ba Tư Nặc im lặng suy gẫm chốc lát rồi trả lời: "nếu công chúa có mệnh hệ gì thì trẫm sẽ không sống nổi." Hoàng hậu trả lời: "Như vậy Phật bảo ái là khổ đâu phải là sai?"
Còn bao nhiêu cái tham ái khác như tiền tài, danh vọng, quyền uy, sắc đẹp khi chưa được, thì mong cầu đã khổ rồi. Ðược rồi bảo vệ, gìn giữ được nó là khổ thứ hai. Khi chúng mất thì càng khổ hơn. Tham ái khổ qua ba giai đoạn. Mong cầu khổ, gìn giữ khổ, mất khổ. Nếu không tham ái lấy gì khổ.
Chúng sanh phản ứng khi gặp khổ không khác gì con chó bị trẻ nghịch ném đá vào lưng, nó đau và giận dữ chạy theo hòn đá để sủa, nhường như muốn cắn xé nuốt chửng hòn đá. Nó tưởng hòn đá là nguyên do làm cho nó đau, nó không biết thủ phạm chính làm cho nó đau là trẻ nghịch đã ném đá. Chúng ta làm khổ mình thì mình nhắm vào đối tượng làm mình khổ mà giận dữ, thù ghét, ăn miếng trả miếng cho hả dạ. Không ngờ tâm ái nhiễm của chúng ta là thủ phạm chính làm chúng ta khổ. Mỗi khi chúng ta khổ, chúng ta phải nhìn lại tâm, xem nguyên nhân nào làm cho ta khổ mà buông bỏ, dứt trừ thì hết khổ. Có 10 triền cái của tâm tham, sân, si, mạn, nghi, tà kiến (trong tà kiến có Thân kiến tức là chấp ngã, Biên kiến là chấp thân này thường còn hay đoạn diệt. Kiến thủ là chấp suy nghĩ ta là đúng. Giới cấm thủ là chấp chặt những giới đã sai trái, lỗi thời đang giữ là đúng.)
Ví dụ một chàng thư sinh mới lớn lên, để lòng yêu thương một cô hàng xóm, nhưng không được cô hàng xóm đáp lại, chàng thư sinh đau khổ muốn tự vận quyên sinh. Khổ không phải cô hàng xóm làm cho chàng thư sinh khổ mà do tâm ái nhiễm của chàng thư sinh thương cô hàng xóm, làm cho chàng ta khổ. Muốn hết khổ chàng thư sinh kia không ái nữa là hết khổ. Chớ đổ thừa cô hàng xóm không đáp lại tình thương của chàng, làm khổ chàng. Nếu nghĩ cô hàng xóm làm khổ chàng thư sinh thì không khác gì phản ứng của con chó nói trên.
Người tu đạo Phật hằng soi lại tâm mình, xem tâm bị ái nhiễm chổ nào mà buông gỡ, thì hết khổ. Cũng như một vị lương y tìm ra nguyên nhân gây bịnh, mà dứt trừ. Bịnh lành thì hết khổ. Hết khổ thì an vui.
Phật, Bồ Tát chỉ cứu chúng ta bằng cách chỉ cho chúng ta thấy những nguyên nhân nào gây đau khổ để tránh, chớ không cứu chúng ta khi đã gặt qủa.
Nguyên nhân chính gây ra bao nhiêu đau khổ trên cõi đời này đều từ chấp ngã mà phát sinh. Vì tưởng thân này là thật "Ta" nên cưng qúi nó, thỏa mãn những gì nó đòi hỏi, dù phải hại người khác. Biết bao sự việc ở đời, mưu này, chước nọ, giết hại lẫn nhau cũng do từ cái thân hư dối tạm thời này. Bao nhiêu tội lỗi tạo ra cũng vì nó. Ai nói nặng, nói nhẹ đụng đến cái ngã của ta là đùng đùng nổi cơn giận vì ái ngã này. Không những chỉ khổ đời này mà còn tiếp tục khổ các đời sau nữa. Lão Tử nói: chúng sanh đại họa vì có thân này.
Phật khuyên: "Không thương, không ghét thí tâm an." Thương ghét là đồng tiền hai mặt. Khi thương thì muốn nắm giữ, nắm giữ không được thì khổ. Còn ghét thì muốn xa lìa, xa lìa không được cũng khổ.
Ðối với kẻ xuất gia thì phải xa lìa ái mới mong giải thoát sinh tử. Luôn luôn quán ngũ uẩn giai không, mới vượt qua mọi khổ ách mà Ngài Quán Tự Tại Bồ Tát đã hành thâm quán chiếu, như trong kinh Bát Nhã đã nói và chúng ta cũng thường tụng và thuộc lòng.
Trong Kinh Thập Nhị Nhân Duyên, cũng nói: "Dứt ái thì thoát sanh tử." Và trong kinh Niết Bàn cũng nói: "Vô ngã là Niết Bàn." Kinh Kim Cang nói: "Bồ Tát bố thí mà còn thấy Ngã, Nhân, Chúng Sanh, Thọ Giả thì chưa phải là Bồ Tát, vì còn ngã thì chưa thấy Ðạo."
Nhưng đối với người tại gia, còn có vợ con phải thương yêu, săn sóc, phải tạo dựng cơ nghiệp và giữ gìn thì tu cách nào?
Phật cũng nhận thấy rằng: "Không thể mọi người đều buông ái để xuất gia hết được. Nên Phật đã chế ra năm giới cho Phật tử tại gia gìn giữ, vẫn còn ái, nhưng có giới hạn. Không vì ái ngã mà giết hại người khác, đó là giới cấm sát sanh; không vì thỏa mãn nhu cầu bản thân và thân bằng quyến thuộc mà phạm tội trộm cướp tài sản của kẻ khác; không vì tham nhan sắc mà phạm tội tà dâm (chỉ một vợ một chồng mà thôi); không vì lợi mình mà vu oan, giáng họa cho kẻ khác. Ðể trí tuệ luôn luôn được sáng suốt, mới phân biệt được phải trái, điều gì cần phải tránh, nên Phật cấm uống rượu hoặc dùng chất độc hại khác làm rối loạn tâm thần sáng suốt, đưa đến hậu qủa tai hại và tội lỗi.
Muốn tiến xa trên đường tu học, Phật cũng khuyên Phật tử tại gia tu thập thiện: bố thí, cứu người, cứu vật, nói lời ái ngữ, chân thật, xả tham, sân, si, để được hưởng phước báo đầy đủ khi tái sanh vào cõi Nhân, Thiên cũng là nấc thang cần thiết để bước lên các nấc thang giải thoát (Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát, Phật Thừa) về sau.

No comments: