Thursday

Xa Loi cua Cu Si Chuc Quy

XÁ-LỢI của NAM CƯ SĨ
CHÚC-QÚY LƯ-THIÊN-PHÚ

Vãng sanh ngày 16-5-2000


Như đã nói ở bài trước, sau khi chúng tôi hoàn tất phần phụ lục “Những Chuyện Vãng Sanh Lưu Xá-Lợi” này thì được tin tại Sacramento có cụ bà Quảng-Khánh vừa vãng sanh lưu Xá-Lợi. Thế là chúng tôi phải tiếp tục tìm tài liệu viết nữa. Kế đến hôm sau lại được tin tại Chicago lại có thêm một cư sĩ vừa vãng sanh, cũng có Xá-Lợi.

Một vị Tổ Tịnh-Ðộ Tông nói, thời mạt pháp tín tâm của nam cư sĩ không bằng nữ cư sĩ. Nhưng lần này không phải nữ cư sĩ. Tin tức đầu tiên, Xá-Lợi của vị nam cư sĩ đang để tại Chùa Quang-Minh, thành phố Chicago, do Ðại Ðức Thích-Minh-Chí trụ trì. Thầy Minh-Chí là đệ tử của Hòa Thượng Thích-Ðức-Niệm.
Chúng tôi liền điện thoại cho Ðại Ðức Minh-Chí. Nghe chúng tôi hỏi thăm về Xá-Lợi, Thầy Minh-Chí vui vẻ nói ngay: “Cả gia đình người quá cố đang có mặt tại chùa và đang tìm kiếm thêm Xá-Lợi trong một phần tro cốt còn lại.”

Nhân và Duyên của nhà Phật
Chúng tôi phải mất hai tuần lễ để điện thoại qua lại mới thu thập đủ tài liệu để cống hiến cho qúi vị. Qua các bài viết về những vị lâm chung lưu Xá-Lợi, chúng tôi học được chút ít kinh nghiệm, làm sao biết rõ một người chứng đắc pháp môn Niệm Phật Ba-La-Mật khi lâm chung được vãng sanh? Vãng sanh như thế nào có được Xá-Lợi?
Thường thường một người vãng sanh đều có những “tiên triệu” tức là điềm báo trước. Như bà Diệu-Âm, bà Diệu-Hưng, cụ bà Quảng-Khánh đều có điểm đặc biệt. Vị nam cư sĩ ở Chicago, khi lâm chung hỏa táng tìm được Xá-Lợi, như vậy rõ ràng ông đã vãng sanh, song tài liệu được cung cấp không thấy có tiên triệu.
Thật vất vả cho chúng tôi. Chẳng những không thấy tiên triệu mà cũng chẳng thấy có tường triệu tức là điềm lành khi lâm chung. Chúng tôi bỏ cả hai ngày để đọc tài liệu và phân tích. Chúng tôi nghĩ, chắc chắn phải có tiên triệu lẫn tường triệu. Có lẽ thân nhân của người quá cố bỏ sót chi tiết.
Như các lần trước, công trình của chúng tôi là phải tìm hiểu lại từ đầu, từ khi vị cư sĩ ấy qui y rồi hành trì pháp môn Niệm Phật như thế nào? Từ đó gợi ý thân nhân rồi phăng lần ra. Chúng tôi đang sưu giải Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật. Ðây là một tôn Kinh độc đáo. Nếu dựa vào bản văn của Kinh, dẫn chứng lần lần sẽ thấy hiểu vị ấy tu tới đâu, đạt được qủa vị nào của các qủa vị Bồ Tát? Ðặc biệt Kinh này, ngoài Ðức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni giảng giải, còn có hai vị Bồ Tát Phổ-Hiền và Quán-Thế-Âm dạy pháp môn niệm Phật Ba-La-Mật.
Trước tiên hãy tìm hiểu về vị nam cư sĩ. Ông tên là Lư-Nhiên-Phú, người Việt gốc Hoa, lúc mãn phần ông hưởng thọ 71 tuổi. Bà vợ tên Diệu-Thiện. Hai ông bà có 4 trai và 4 gái, di dân qua Mỹ vào năm 1991. Năm 1999, Ông Nhiên-Phú qui y với Thượng Tọa Thích-Thanh-An tại chùa Phật-Bảo, được đặt tên là Chúc-Qúy.
Chúng tôi từng nói, cái tên lắm khi rất ảnh hưởng đến tinh thần hay vật chất và tương lai của một người. Chúc-Qúy tức là chúc cho được điều lành, điều qúy. Nhưng pháp danh này nghe chẳng có chút đạo vị nào cả. Thiếu gì pháp danh nghe rất kêu, tại sao Thượng Tọa Thanh-An lại nhìn con người ông Lư-Nhiên-Phú mà đặt cho pháp danh Chúc-Quý? Phải chăng đây là cái tiên triệu đầu tiên của ông Chúc-Qúy?
Tại sao chúng tôi nêu ra điều này? Vì kinh nói, tất cả chúng sanh đều có nghiệp qúa khứ. Nếu một người có nghiệp quá khứ tốt, từng cúng dường Tam-Bảo trong tiền kiếp, hiện đời ăn hiền ở lành, thì đi tới đâu, ở đâu, cũng được gặp thầy giỏi bạn hiền, gặp được nhiều may mắn. Phật pháp nhiệm mầu là ở chỗ đó, có những duyên đưa đến những điều tốt đẹp, hay lạ cho chúng sanh đó mà họ không hề hay biết. Một pháp danh được một vị Thầy đặt cho, không phải vô cớ mà ông đặt ra. Có thể do một sự mầu nhiệm nào đó khiến tâm ông nghĩ ra đặt tên cho một người, hoặc vị Thầy nhìn vào sắc diện tánh tình mà đặt cho pháp danh, hoặc theo hệ thống truyền thừa mà đặt cho pháp danh. Dù cho là điều gì, căn bản vẫn do nghiệp qúa khứ của đương sự mà được cái pháp danh nói trước tương lai cuộc đời tu hành của người ấy.
Ðể hiểu rõ điều mình suy luận, chúng tôi tìm cách nói chuyện với Thượng Tọa Thích-Thanh-An. Qua 3 lần điện thoại chúng tôi mới được gặp, đúng lúc Thượng Tọa từ Canada trở về, Thượng Tọa nói:
“Thầy không ngạc nhiên khi được anh Minh-Hiền báo tin, ông Chúc-Qúy lâm chung lưu lại Xá-Lợi. Vì ông là người chất phác, mộc mạc, tu hành thật tinh tấn. Hồi còn ở Việt Nam ông đã qui y một lần với pháp danh Văn-Tín, do một vị sư Tàu đặt cho. Tín tức là tín tâm. Tên thật ông là Lư-Nhiên-Phú tức là Phú Qúy. Ðúng, ông là người có tín tâm. Khi qua Mỹ, trước khi qui y với Thầy, ông đã tu nhứt tâm niệm Phật và suốt ngày ông chỉ nhớ Phật, chứ không nhớ gì khác. Mỗi ngày ông niệm Phật sáu tiếng đồng hồ, lần chuỗi 300 xâu. Do đó Thầy đặt cho ông pháp danh Chúc-Qúy. Sau khi qui y, ông lạy Thầy ba lạy, nói rằng: “Con phát tâm gặp Sư Phụ qúa trễ.” Thầy đáp: “không trễ đâu. Chỉ cần con gắng tu tập là được. Mê thì bao lâu cũng mê, còn ngộ thì ngộ cấp kỳ.” Ông Chúc-Qúy mất sau hơn sáu tháng qui y.”
Qúi vị hãy suy nghiệm tại sao Thượng Tọa Thích-Thanh-An lại đặt pháp danh Chúc-Qúy. Chúng tôi lại thắc mắc, ông Chúc-Qúy qui y tại chùa Phật-Bảo. Vậy tại sao khi lâm chung Xá-Lợi của ông lại đem về chua Quang-Minh? Nhà Phật nói cái gì cũng có nhân duyên. Vậy ông Chúc-Qúy có cái duyên gì với Thầy Minh-Chí?
Chúng tôi đem điều thắc mắc hỏi bà Diệu-Thiện. Bà cho biết: chùa Phật-Bảo do Phật tử đóng góp tạo nên. Chùa không có sư trụ trì. Thượng Tọa Thanh-An trụ trì chùa Tường-An tại Oakland, California. Thầy được mời đến Chicago, lãnh đạo tinh thần chùa Phật-Bảo, giảng pháp và làm lễ qui y cho Phật tử. Trong số Phật tử qui y với Thầy có ông Chúc-Qúy. Vì chùa không có Sư nên gia đình ông Chúc Qúy phải đến chùa Quang-Minh để nghe giảng pháp và dự các buổi Bát-Quan-Trai. Ông Chúc-Qúy kết duyên với Ðại Ðức Thích-Minh-Chí và chùa Quang-Minh từ đó. Thầy Minh-Chí tuy còn trẻ mà nhiều đạo hạnh nên Phật tử đều mến Thầy. Tuy nhiên, hang tuần gia đình ông Chúc-Qúy vẫn về chùa Phật-Bảo để lạy Phật và làm công qủa. Khi ông Chúc-Qúy mất đương nhiên phải nhờ Thầy Minh-Chí tụng kinh, làm lễ và bài vị cần phải gởi ở chùa Quang-Minh để nhờ các Thầy trì tụng kinh cầu siêu.
Vậy là ông Chúc-Qúy có cái nhân ở chùa Phật-Bảo, mà duyên thì ở chùa Quang-Minh. Vì thế mà cả hai chùa đều được thân nhân ông Chúc-Qúy kính gởi Xá-Lợi. Tuy nhiên, gia đình ông Chúc-Qúy không quên ơn của Thượng Tọa Thanh-An và chùa An-Tường.
Ông Chúc-Qúy tu ra sao mà được Xá-Lợi?
Sau khi ông Chúc-Qúy lâm chung, gia đình ông làm lễ hỏa táng tìm thấy có Xá-Lợi, đó là chứng tỏ ông được vãng sanh. Nhưng, xin nhớ kỹ điều này, không phải tất cả mọi người vãng sanh đều có Xá-Lợi. Trước đây, cũng có nhiều người được vãng sanh, nhưng đâu nghe ai nói các vị ấy có Xá-Lợi.
Vậy là, vãng sanh cũng có nhiều phẩm cấp, người tu tinh tấn hành trì đúng theo lời kinh Phật dạy, thì được phẩm cấp cao. Còn về Xá-Lợi, chúng tôi phân vân tự hỏi, phải chăng đức Phật Thích-Ca và Phật A-Di-Ðà đã dùng thần lực ban ơn đặc biệt cho chúng sanh thời mạc pháp này mà trong vòng chỉ có mấy năm đã có nhiều vị tu pháp môn Niệm Phật lại có Xá-Lợi? Dù rằng chúng tôi vẫn biết Xá-Lợi có được, hành giả phải trải qua đại định, tức nhập vào Tam-Muội, thì lâu ngày thân tâm mới kết tinh được Xá-Lợi.
Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Phẩm Thứ Hai, trang 29, Ðức Phật nói: “…Nếu có chúng sanh nào chí thành xưng niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, thì uy lực bất khả tư nghị của danh hiệu khiến cho Tâm thể thanh tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết, tự nhiên chứng nhập Sơ-Phần-Pháp-Thân, âm thầm ứng hợp Bi-Trí-Trang-Nghiêm của chư Phật.”
Xin qúi vị lưu ý. Ðức Phật nói, khi một chúng sanh chí thành xưng niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, do danh hiệu của Phật A-Di-Ðà có một uy lực mà phàm phu chúng ta không thể bàn, nói đúng hết được; uy lực của danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật được thanh tịnh, mà chúng sanh ấy không hề hay biết.
Chữ “Thanh-Tịnh” chứa đựng các nghĩa, tâm được định-vì người tu mà tâm không thanh-tịnh thì không được định-và tâm sạch phiền não, dứt trừ các nghiệp.
Ðức Phật nói: “Chúng sanh nào chí thành - tức là có nhứt tâm – xưng niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật thì tùy uy lực bất khả tư nghị của danh hiệu khiến cho Tâm thể thanh tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết.”
Như ông Chúc-Qúy, ông chí thành niệm Phật khiến cho Tâm ông thanh tịnh mà ông không hề hay biết. Ông không hay biết thì làm sao thân nhân ông hay biết được. Tuy nhiên, nếu là người ngoài tinh mắt, để ý nhìn ông sẽ thấy sự thay đổi trong thân và tâm ông. Như con người trở nên nhu hòa, nhẫn nhục, da mặt đổi sáng, dáng đi khoan thai, ai gặp cũng thấy có cảm tình… Ðiều này tự nhiên sẽ lộ ra cho qúi vị thấy ở các phần sau mà chúng tôi không cần nói ra.
Ðức Phật nói thêm: “…Tâm thể thanh tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết, tự nhiên chứng Sơ-Phần-Pháp-Thân, âm thầm ứng hợp Bi-Trí-Trang-Nghiêm của chư Phật.”
Như nói về ông Chúc-Qúy: “Nhờ chí thành niệm Phật, Tâm Thể ông được thanh tịnh mà ông không hề hay biết, và tự nhiên ông chứng được Sơ-Phần-Pháp-Thân mà ông cũng không hề hay biết.”
Tu niệm Phật tức là tu Ðại Thừa, Bồ Tát đạo. Cho nên người chứng được Sơ-Phần-Pháp-Thân tức là chứng được Sơ-Ðịa-Bồ-Tát hay gọi là Hoan-Hỷ-Ðịa Bồ Tát.
Ai không nghiên cứu Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật không thấy được chỗ này. Theo nhà Thiền, đến chỗ này là lúc “Tâm vô Nhứt vật”, là lúc trong tâm thanh tịnh không có một vật gì, nghiệp thức cũng không có, sắc-thanh-hương-vị-xúc-pháp cũng không có. Nói theo Bát-Nhã Tâm Kinh là không có sáu trần; không có nhãn giới, không có cả ý thức giới, tức là sáu căn; vì khi đó Bồ Tát Sơ-Phát-Tâm, tức hành giả Tu-Niệm-Phật, không còn có tâm phân biệt nữa.
Bà Diệu-Thiện nói với chúng tôi rằng: “lúc ông Chúc-Qúy niệm Phật, nhiều khi ai hỏi gì ông đều như chẳng nghe, chẳng hiểu, chẳng thấy gì cả.” Chúng tôi giải thích với bà, đấy chính là lúc Tâm Thể chồng bà thanh tịnh, tức được định. Lâu ngày cái định ấy sẽ kết tinh thành những vật trong sáng cứng chắc như kim cương.
Cháu Thanh-Trí kể: “Nhiều khi ba con đang ngồi niệm Phật, hoặc xem tivi với những show thú của Discovery mà ba con thích - mắt xem mà miệng vẫn niệm Phật – bỗng nhiên ba con rơi vào tình trạng nhập định (không phải hôn trầm hay vô ký, lời người sưu giải) một thời gian sau thì tỉnh lại”
Sau khi lâm chung, làm lễ hỏa tang ông Chúc-Qúy lưu lại nhiều Xá-Lợi, chứng tỏ ông được vãng sanh, nhưng không phải tất cả những ai vãng sanh cũng đều có Xá-Lợi. Trước đây cũng có nhiều người vãng sanh, nhưng chúng ta đâu nghe nói họ có Xá-Lợi.
Chúng tôi đang tự hỏi, không biết có phải Ðức Phật Thích-Ca-Mâu-Ni và A-Di-Ðà đã dùng thần lực đặc biệt ban hồng ơn cho chúng sanh thời mạc pháp chăng, mà sao trong vòng năm có tới sáu vị Tăng Ni và cư sĩ vãng sanh có Xá-Lợi? Dù rằng chúng tôi vẫn biết người có Xá-Lợi đều trải qua giai đoạn niệm Phật khiến cho Tâm Thể được thanh tịnh tức được định, lâu ngày kết tinh thành Xá-Lợi.
Hiện tượng gì chứng minh
Ông Chúc-Qúy được vãng sanh?
Ông Chúc-Qúy là người nghèo khổ ở bên Tàu. Từ 17 tuổi ông qua Việt Nam sanh sống, rồi lập gia đình định cư tại Sài Gòn. Vì nhà nghèo ông không được ăn học, nhưng tâm ông luôn luôn lương thiện. Vợ chồng ông ăn hiền ở lành nên có phước đức, sanh các con hiền có tâm hướng Phật. Hồi còn ở Việt Nam ông cũng đi chùa, nhưng không thường xuyên. Trái lại, các con ông có người đã qui y Tam-Bảo. Nhờ có phước đức, gia đình ông qua Mỹ con cái đều có việc làm tốt, tạo được nhà cửa sống hạnh phúc.
Ðến Mỹ các con ông thường xuyên đi chùa học kinh, còn ông muốn đi chùa nhưng ngại mình dốt tiếng Việt. Vợ con ông động viên khuyến khích ông đi chùa. Nhờ vậy mà ông có được pháp danh Chúc-Qúy.
Từ khi đi chùa, nghe giảng pháp, ông tu tinh tấn hơn nhiều người. Bất kể mọi khó khăn của thời tiết; dù mưa gió, dù trời lạnh đến đóng băng, ông Chúc-Qúy cũng đến chùa Quang-Minh mỗi sáng Chủ Nhật để dự khóa Hồng Danh Sám-Hối, và mỗi tháng thọ Bát Quan Trai ở chùa Quang-Minh hay Phật-Bảo.
Nhưng, bấy nhiêu đó không đủ chứng minh ông Chúc-Qúy được vãng sanh và có được Xá-Lợi; vì nhiều người khác cũng thường đi chùa đều đặn đâu có kém gì ông Chúc-Qúy. Tại sao họ chẳng được? có nghĩa là ông Chúc-Qúy phải tinh tấn hơn điều nói trên.
Thân nhân ông Chúc-Qúy không nhớ được điều chúng tôi muốn biết. Vì vậy mà chúng tôi phải bỏ công gọi điện thoại nhiều lần, nói chuyện nhiều người trong gia đình ông như bà Diệu-Thiện, cháu Huệ-An con gái thứ năm và cháu Thanh-Trí con trai út. Chúng tôi khuyến khích họ ôn lại cách hành trì niệm Phật của ông Chúc-Qúy. Qua nhiều ngày, chúng tôi ghi nhận được nhiều điều hữu ích. Sau cùng, được nói chuyện với Thượng Tọa Thích-Thanh-An, chúng tôi đúc kết được hạnh tu của ông Chúc-Qúy như sau:
1. Ông nhứt tâm và chí thành niệm Phật cầu vãng sanh.
2. Mỗi ngày ông niệm Phật 6 tiếng đồng hồ, cứ 2 tiếng ông niệm được 100 xâu chuỗi và giữ đều đặn như vậy. Ngoài ra khi nhổ cỏ, trồng trọt, tưới cây ông cũng không ngừng niệm Phật.
3. Lúc nào trong tâm ông cũng đều tưởng nhớ đến Phật và từng thấy Phật.
Cũng trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật (Phẩm Thứ Hai, trang 30, bản in của Phật Học Viện Quốc Tế - PHVQT.) Chúng tôi nói PHVQT vì chùa Quang-Minh có ấn bản này, Ðức Phật nói:
“Muốn vãng sanh Cực-Lạc chỉ cần xưng danh hiệu Phật A-Di-Ðà là đủ. Vì danh hiệu chính là biểu tướng của Pháp Thân, cho nên niệm danh hiệu tức là niệm Pháp Thân Phật vậy. Và người niệm Phật khỏi phải kiêm thêm bất cứ môn tu nào nữa. Vì ngay nơi danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật chứa được vô lượng vô biên công đức, vô lượng vô biên quang minh, tướng hảo, uy lực… không thể nghĩ bàn.”
Như đã nói, nhờ xưng niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật không ngừng, tâm thể ông Chúc-Qúy được thanh tịnh. Và ông chỉ tinh chuyên niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật mà ông được vãng sanh.
Nhưng có những điềm gì, hiện tượng gì, chứng minh rằng ông Chúc-Qúy thật sự vãng sanh? Khi tiếp xúc với bà Diệu-Thiện qua điện thoại, chúng tôi nghe bà nhắc đến ông Minh-Hiền mấy lần, cháu Huệ-An cũng nói với chúng tôi: Trước khi đưa ba con đi hỏa táng, bác Minh-Hiền có kêu con ra ngoài nói: “có thể ba con có Xá-Lợi. Khi lấy tro cốt con nhớ tìm Xá-Lợi.”
Chúng tôi liền điện thoại hỏi ông Minh-Hiền: “Xin ông vui lòng cho biết, dựa vào điềm nào mà tự nhiên ông cảm thấy ông Chúc-Qúy có thể để lại Xá-Lợi?”
Không một chút nghĩ ngợi, ông Minh-Hiền nói: “Chúng tôi đã quen biết nhau nhiều năm rồi. Tôi hiểu về con người ông Chúc-Qúy. Tuy ông kém chữ nghĩa, tánh tình mộc mạc, nhưng ông là người nhứt tâm và quyết tâm cầu nguyện vãng sanh. Ông thường lui tới chùa Phật-Bảo, tâm tình với tôi và hỏi han tu cách nào mà có thể vãng sanh? Tôi đã gặp rất nhiều người cùng tu niệm Phật, họ rất rành kinh điển nói năng lưu loát, nhưng tôi biết những người ấy chỉ giỏi lý thuyết chứ không thực sự tu hành. Nhà Phật, tu là phải thực chứng. Nói ngoài miệng chỉ là kiến giải. Còn ông Chúc-Qúy, ông không hiểu nhiều về Phật Pháp, song ông có quyết tâm, với lòng tin tha thiết. Ðiều nào ông không biết là ông đem ra hỏi ngay, không sợ xấu hổ. Do đó, với hạnh tu của ông, tôi tin tưởng ông sẽ được vãng sanh.”
Tôi còn nhớ có lần ông hỏi tôi: “Niệm Phật cách nào mới thực sự vãng sanh, hầu thóat khỏi luân hồi sanh tử?”
Lần ấy tôi đáp: “Niệm Phật phải tha thiết, phải quên tất cả dục lạc tầm thường hàng ngày, như cảnh tình vợ con hãy ráng bỏ, đừng để bị ràng buộc, phải sửa đổi tánh cho nhu hòa, hiền hậu. Thì ngày ra đi chắc chắn chúng ta sẽ được như ý.”
Ông Chúc-Qúy trầm ngâm giây lâu rồi nói: “Tôi sẽ cố gắng thực hiện để được vãng sanh.”
Chúng tôi xin tạm gác qua lời nói của ông Minh-Hiền để them vào một điều. Khi nói chuyện với chúng tôi, cháu Thanh-Trí, con trai út của ông Chúc-Qúy có nói: “Bác ơi, hồi trước Ba con tánh nóng dữ lắm. Trong nhà ai làm điều gì không vừa lòng ông, thì ông la hét ngay. Nhưng từ ngày tu tới bây giờ, Ba con hiền lắm, hiền như ông Phật. Trước kia, quen theo sinh hoạt gia đình, khi ăn cơm thì phải cả nhà cùng ngồi vào bàn ăn, nhưng sau này Ba con như dứt bỏ mọi thông lệ. Ông thường lặng lẽ ngồi riêng một mình, khi ăn ông cũng ăn riêng. Vợ con làm gì ông cũng không để tâm đến.”
Ðó để chứng minh ông Chúc-Qúy tập xa rời dục lạc và cắt đứt lần tình cảm gia đình. Bây giờ xin trở lại vớI ông Minh-Hiền. Tiếp tục câu chuyện, ông Minh-Hiền nói: Cháu Phước-Lạc, đứa con trai áp út của ông Chúc-Qúy nói với tôi: “Hồi xưa tánh Ba con khó lắm, nhưng sau này trong nhà ai muốn làm gì thì làm, ông không màng tới. Ba con tập theo Bát-Nhã-Tâm-Kinh “Tâm vô quái ngại”. Cả đến một vật cứng rớt xuống chân Ba con, mà Ba con cũng không phản ứng kêu đau.”
Ông Minh-Hiền nói tiếp: “Mỗi lần gặp tôi là ông gợi chuyện về niệm Phật vãng sanh. Năm trước, ông nói ông niệm Phật mà sao còn nhiều vọng tưởng quá. Tôi liền chỉ cho ông cách niệm Phật công cứ; nghĩa là tự qui định mỗi ngày mình sẽ phải niệm bao nhiêu lần danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật. Rồi khi niệm mình ghi sổ để biết mỗi ngày mình niệm có đúng số không? Như vậy mình sẽ diệt được vọng tưởng và không lơ là trong việc niệm Phật.”
Có lẽ do chỗ này mà cháu Thanh-Trí nói với chúng tôi – Bác ơi, Ba con niệm Phật lần chuỗi liền tay, Ba con niệm lẹ lắm – Bây giờ chúng tôi mới biết rõ, ông Chúc-Qúy niệm Phật công cứ, ông tính số niệm nên niệm lẹ.
Những điều báo trước vãng sanh
Xin nói về tiên triệu tức điềm báo trước của ông Chúc-Qúy. Ông Minh-Hiền kể tiếp: “ông Chúc-Qúy thường đến chùa giúp trồng cây kiểng. Bỗng một hôm ông nói với tôi - Chắc tôi không còn dịp trồng cây cho chùa nữa. - Tôi hỏi tại sao? Ông bình thản trả lời - Tự nhiên tôi có linh cảm vậy – bây giờ nghĩ lại, rõ ràng ông Chúc-Qúy đã bảo trước ông sắp ra đi.”
Cháu Thanh-Trí nói với chúng tôi: “Ba cháu rất ghét chụp hình. Vậy mà lúc sắp mất ổng đòi chụp hình. Nhờ vậy mà bây giờ có hình để thờ.”
Vài tuần trước ngày Ba con mất, sau buổi niệm Phật, Ba con nói: “Ngộ thấy Phật A-Di-Ðà.” Trước đây Ba con niệm Phật đều tưởng nhớ Phật A-Di-Ðà. Nhiều lần đến chùa thọ Bát Quan Trai, ba con nói, thấy tượng Phật ở nhà đẹp hơn những nơi khác (có nghĩa là đi đâu ông Chúc-Qúy đều nhớ ông Phật ở nhà.)
Cháu Huệ-An kể: “cái đêm rạng ngày Ba con mất, không hiểu sao con không ngủ được. Vào 3 giờ khuya Ba con thức dậy nấu cháo, rồi tụng kinh A-Di-Ðà và Bát-Nhã-Tâm-Kinh bằng tiếng Tàu, Ba con biết đánh chuông gõ mõ. Sáng hôm đó con nghe Ba con đánh chuông tụng kinh đến hai lần. Thật là lạ!"
Bây giờ nói chuyện ông Chúc-Qúy thật sự vãng sanh. Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật tức là Kinh Niệm Phật Thành Phật, Phẩm Thứ Nhứt, trang 15, Ðức Phật nói: “Mỗi khi sắp lâm chung thì các loại nghiệp lành dữ trong một đời hiển hiện rõ ràng. Chúng sanh nào sống thuần bằng tưởng (như ông Chúc-Qúy lúc nào cũng tưởng nhớ đến Phật) thì bay lên hóa sanh nơi các cõi Trời. Nếu trong sự thuần tưởng, lại gồm cả phước huệ (tức phước đức và trí huệ) và tịnh nguyện thì tự nhiên tâm trí khai mở mà đươạc thấy mười phương chư Phật, tùy theo nguyện lực của mình mà sanh về Tịnh-Ðộ.”
Bây giờ thử phân tách về ông Chúc-Qúy. Tất cả những gia đình Việt Nam qua được xứ Mỹ này định cư, đều đáng được gọi là có phước đức. Kinh nói: “Nếu trong sự thuần tưởng lại gồm cả Phước đức, Trí huệ và Tịnh nguyện thì tự nhiên tâm trí khai mở mà được thấy Phật.” Vì thuần tưởng thì Tâm thể nhẹ nhàng khi lâm chung sẽ bay lên. Còn người nặng tình thì bị dính mắc sẽ chìm xuống, cho nên nói là bị đọa.
Ông Chúc-Qúy đã có Phước Ðức, thời gian biết tu ông thường bố thí, cúng dường chư Phật Bồ Tát, ông lại biết sám hối và hồi hướng công đức nên Phước Ðức của ông mỗi ngày mỗi tăng.
Ông thường niệm Phật không ngừng. Những lần niệm Phật, tâm thể ông được thanh tịnh tức ông được Ðịnh mà ông không hề hay biết. Như Ðức Phật nói, người chuyên tâm niệm Phật được Sơ-Phần-Pháp-Thân. Khi ông được Ðịnh tự nhiên Ðịnh sanh ra Huệ.
Ðể chứng minh, hồi trước ông Chúc-Qúy không biết chữ. Bây giờ ông gìa rồi, trí nhớ phàm phu của ông giảm thiểu, vậy mà ông Chúc-Qúy lúc gần 70 tuổi, học được chữ Tàu để mỗi đêm đọc tụng Kinh A-Di-Ðà và Bát-Nhã-Tâm-Kinh. Vậy chẳng là ông phát Huệ thì là gì? Từ khi ông đi chùa, nói theo cô Diệu-Thiện, ông trở thành “Pháp Sư” cây nhà lá vườn của gia đình ông. Ông thường giảng giải lại cho vợ con nghe những gì mà ông đã học được khi nghe Thầy Minh-Chí giảng. Nhờ học tu mà ông đã pháp Huệ.
Ông đã có Phước, lại có Huệ và có Tịnh nguyện tức nguyện vọng vãng sanh Tịnh Ðộ, nên như Kinh nói: “Tùy theo Tịnh nguyện mà ông được vãng sanh, được thấy chư Phật mười phương.”
Bậc Cổ Ðức dạy thế nào về các hạnh tu tạo được Phước và Huệ? Trong “Ðường Mây Trong Cõi Mộng”, trang 395-366, Ðại Thiền Sư Hám Sơn dạy rất rõ rang: “Tu Huệ tức tại Quán Tâm. Tu Phước tức hành nơi Vạn Hạnh. Quán Tâm dùng niệm Phật làm phương pháp tối thắng. Vạn Hạnh dùng sự cúng dường làm đầu. Hai việc này chính là hạnh tổng trì."
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta khởi tâm động niệm, đều là vọng tưởng (tức cội gốc của sanh tử), nên phải chiêu lấy qủa khổ. Ngày nay dùng tâm vọng tưởng đó, chuyển làm tâm niệm Phật, tức niệm niệm thành nhân Tịnh Ðộ, đó là qủa an lạc. Nếu niệm Phật mà tâm tâm không gián đoạn, thì vọng tưởng sẽ tự tiêu diệt. Ánh sáng của tự tâm phát lộ, và Trí Tuệ hiện tiền, tức trở thành pháp thân Phật.”
Như vậy qúi vị thấy rõ, ông Chúc-Qúy nhờ niệm Phật mà tâm tâm không gián đoạn - như Ðại Sư Hám-Sơn nói - ánh sáng tự tâm của ông Chúc-Qúy phát lộ, trí tuệ của ông Chúc-Qúy hiện tiền, tức thân phàm phu của ông trở thành pháp thân Phật. Do vậy ông Chúc-Qúy có Xá-Lợi.
Nếu qúi vị ráng tập niệm Phật, niệm niệm không gián đoạn, tâm tâm không gián đoạn như Sư Bà Ðàm-Lựu, như Thầy Minh-Ðạt, như Bà Diệu-Âm, Bà Diệu-Hưng, Cụ Bà Quảng-Khánh, và Ông Chúc-Qúy chúng tôi chắc chắn qúi vị cũng sẽ được những thành qủa tốt vậy.
Chúng tôi viết sưu tầm này chỉ mong tất cả qúi Phật tử đều đạt qủa niệm Phật như các Bồ Tát Ðàm-Lựu, Minh-Ðạt, Diệu-Âm, Diệu-Hưng, Quảng-Khánh và Chúc-Qúy.
Nói về lúc lâm chung của ông Chúc-Qúy, bà Diệu-Thiện kể: “Sáng hôm đó như thường lệ khi đang đi kinh hành, nhà tôi bỗng dừng chân lại một chậu kiểng, nhà tôi vội nói: -Bà ơi! uổng qúa, mấy cây khổ qua trồng tới bây giờ bỗng chết hết rồi. Nghe ông nói, tôi định lên tiếng nhắc ông hãy lo niệm Phật. Nhưng tôi chưa nói thì ông đã tiếp tục kinh hành và niệm Phật, tức ông liền trở lại với chánh niệm. Một lát sau, nhà tôi kêu lên: -bà ơi! Ngộ đau một bên mặt…rồi sau đó lại nói: -bây giờ nó đau xuống ngực.
Tôi chạy vô nhà lấy một viên Tylenol và nước đem ra cho ổng uống. Khi tôi đưa thuốc, ổng vẫn niệm Phật. Nhưng khi tôi trở vào trong thì một thoáng sau ổng gục xuống và bình thản ra đi.
Theo bà Diệu-Thiện, thì lúc ra đi ông Chúc-Qúy vẫn còn cầm xâu chuỗi niệm Phật. Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Phẩm Thứ Nhứt, trang 18, Ðức Phật nói: “Lúc lâm chung cố giữ sao cho mười niệm tiếp nối liền nhau, lập tức vào Phổ Ðẳng Tam Muội của đức A-Di-Ðà được Phật tiếp dẫn về Tịnh-Ðộ Tây Phương. Vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn luân hồi sanh tử. Ðó gọi là qủa vị Bất Thối Chuyển. Từ ấy nhẫn về sau vượt qua Thập Ðịa, chứng Vô-Thượng-Giác.”
Theo Phật Học Từ Ðiển: Bất Thối Chuyển là đối với địa vị Chánh-Giác của Phật Như-Lai càng ngày càng gần. Thập Ðịa tức là địa vị thứ mười của qủa vị Bồ Tát. Ðó là do ông Chúc-Qúy biết xưng niệm danh hiệu A-Di-Ðà-Phật, lúc lâm chung với mười niệm tiếp nối liền nhau, lập tức vào Phổ-Ðẳng-Tam-Muội của Ðức Phật A-Di-Ðà.
Chỗ này chúng tôi không có khả năng giảng giải rõ hơn. Chỉ biết rằng danh hiệu A-Di-Ðà-Phật có công năng hiển thị vô lượng vô biên diệu dụng, không thể nghĩ bàn.
Tóm lại, lúc lâm chung ông Chúc-Qúy ra đi thật nhanh, thật êm ả, không có điều khiến cho vợ con phải đau khổ bịn rịn.
Ðiềm lành khi lâm chung
Sau các bài viết về các vị lâm chung lưu Xá-Lợi, chúng tôi học được kinh nghiệm là hầu hết các vị ấy đều có những “tường triệu” tức là điềm lành. Như Bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết có hào quang chiếu sáng, có hương thơm tỏa khắp nhà. Bà Diệu Hưng và Cụ Quảng-Khánh gương mặt già nua bỗng nhiên trẻ lại, v.v…
Nếu ông Chúc-Qúy vãng sanh hẳn phải có điềm lành gì, nhưng chúng tôi không nghe thuật lại.
Bây giờ trở lại cuộc tiếp xúc của chúng tôi với ông Minh-Hiền. Nhớ lại lời cháu Huệ-An nói trước khi đưa quan tài ông Chúc-Qúy đến lò thiêu, ông Minh-Hiền gọi riêng cháu ra ngoài dặn nhỏ: “khi thiêu xong hãy lưu ý tìm Xá-Lợi.”
Như vậy là ông Minh-Hiền đã nhận thấy được điều gì? Nghe chúng tôi hỏi ông Minh-Hiền nói:
“Một ngày trước khi mất, ông Chúc-Qúy ghé chùa thăm tôi. Tôi mới mua ở Việt Nam về hai xâu chuỗi Kim-Sa làm bằng cát vàng nấu lại. Tôi có hứa sẽ tặng ông một xâu, vì lúc đó không đem theo. Ông Chúc-Qúy đòi trả tiền lại, nhưng tôi không nhận. Hôm sau ông mất, tôi liền đem đến nhà quàn trao xâu chuỗi tận tay ông. Lúc cúi xuống, đặt xâu chuỗi vào tay ông, tôi nhìn mặt ông bỗng thấy mặt ông rạng rỡ hơn ngày thường, như trẻ hẳn lại. Do đó, tôi tin rằng ông Chúc-Qúy đã được vãng sanh, nên mới gọi riêng cháu Huệ-An để dặn dò như ông đã biết.”
Chúng tôi được cung cấp dữ kiện này, liền gọi điện thoại cho gia đình bà Diệu-Thiện. Cháu Thanh-Trí nghe điện thoại, chúng tôi liền báo cho biết về điềm lành vãng sanh của Ông Chúc-Qúy. Cháu Thanh-Trí kêu lên: “đúng rồi bác! nhiều bà con đến viếng Ba cháu đều nói – Sao trông ông Chúc-Qúy mặt mày rạng rỡ qúa! Ðiều này quan trọng qúa mà cháu quên mất.”
Thật ra, nếu Ông Chúc Qúy mất đi không để lại Xá-Lợi, mà bỏ xót việc gương mặt Ông Chúc-Qúy biến đổi trở nên rạng rỡ hơn ngày Ông còn sống, thì không ai dám nói là Ông đã được vãng sanh Cực-Lạc.
Ðây là bài học kinh nghiệm để tìm hiểu một người lâm chung được vãng sanh hay không.
Giấc mơ thấy kim cương
Trong bài viết của cô Diệu-Thể có một đoạn như sau: Sau này tôi được biết, cô thứ Bảy đã được báo mộng lành. Trước ngày đi hốt cốt, cô nằm mơ thấy gia đình nhặt được nhiều kim cương trong tro cốt của “Papá” cô. Nên cô Huệ-An đã khấn nguyện, nếu Papá vãng sanh thì cho con thấy điềm lành như thật để con vững niềm tin.
Cả gia đình ai cũng hy vọng mong đợi sự thật đến. Nên họ yêu cầu nhà hỏa thiêu chờ họ đến hốt cốt. Hồi hộp, nguyện cầu, câu lục tự Di-Ðà vẫn không rời nơi môi và tâm họ. Việc đến đã đến. Ðúng như sự khấn nguyện của những con tim thành kính, có đức tin chân chính. Lẫn trong tro cốt là vô số viên Xá-Lợi lóng lánh nhiều màu. Họ rung động, một sự chuyển động toàn diện của tâm thức. Họ reo lên: “A-Di-Ðà-Phật! Papá vãng sanh, Papá thật sự vãng sanh rồi.”
Ðể khỏi sai lầm, vì bụng tin mà dạ vẫn còn ngờ. Họ phải gọi về chùa Quang-Minh để hỏi Ðại Ðức Thích-Minh-Chí, và họ mang tro cốt về chùa. Sau khi quan sát Xá-Lợi, Thầy dạy, vâng Bác Chúc-Qúy đã vãng sanh.

(Lời người sưu giải: Thật ra nhờ tu hành tinh tấn, hành trì niệm Phật đúng theo lời Phật dạy mà ông Chúc-Qúy khi lâm chung lưu lại Xá-Lợi; chứ không vì lời cầu nguyện mà tìm thấy Xá-Lợi.)
Bác Chúc-Qúy vãng sanh thật rồi. “Một trăm lần nghe không bằng một lần thấy.” Gia đình Bác Chúc-Qúy đã thấy. Thầy Minh-Chí không những thấy mà còn tận tay cầm những viên Xá-LợI ấy và cố gắng bóp thật mạnh để thử xem, mà không bể. Thầy xác quyết một lần nữa. “Ðây là Xá-Lợi, Phật tử Chúc-Qúy đã vãng sanh!”
Gia đình Bác đã chụp hết thảy mười một cuốn phim trong khi Thầy ngồi đếm và phân loại. Các viên Xá-Lợi ra làm bốn hạng:
1. Có 20 viên Xá-Lợi tròn vo, to bằng đầu đũa ăn cơm, màu xanh đậm.
2. Khoảng 50 viên Xá-Lợi nhỏ bằng đầu ngòi viết Bic, có viên màu xanh đậm, có viên màu hồng sáng lónh lánh.
3. Hơn 300 mảnh xương nhỏ và dẹp có màu xanh nhạt pha trộn vân sáng và một mảnh xương có ba bốn màu sáng lấp lánh như xa cừ, đó là Xá-Lợi có từ xương.
4. 60 hoa Xá-Lợi có vòng tròn, giữa có nhiều lỗ nhỏ, đủ màu trông rất đẹp.
Ðặc biệt có một viên Xá-Lợi to bằng giọt nước và hình dạng giống như giọt nước, màu trắng tinh tuyệt đẹp.
Tất cả hơn 400 viên Xá-Lợi hiện đang được tôn trí tại gia đường Phụng Phật và một ít cúng dường chùa Quang-Minh và Phật-Bảo-Tự cùng với vài ngôi chùa ở Việt Nam để đồng bào Phật tử có dịp chiêm ngưỡng mà phát tín tâm, tăng phước duyên cho Bác để trang nghiêm Tịnh-Ðộ.
Dịp này, gia đình có hỏi Thầy Minh-Chí làm thế nào để báo hiếu cho Cha? Thầy dạy rằng: “Qúi vị nên làm việc thiện, lợi mình, lợi người như: cúng dường Tam-Bảo, bố thí, phóng sanh, in Kinh ấn tống, ăn chay, niệm Phật, tụng Kinh bái sám, v.v… nguyện đem công đức đó, hồi hướng cầu cho hương linh vãng sanh, được siêu phàm nhập thánh.”
Các con ông Chúc-Qúy đã gởi tiền về cho người chị cả, hiện còn ở Việt Nam để làm lễ Trai Tăng, cúng dường cho khoảng 50 Tăng Ni và khoản đãi một ngàn Phật tử thọ Bát Quan Trai.
Về Xá-Lợi, cô Diệu-Thể có kể ra các tên Xá-Lợi như Bích Xá-Lợi là 20 viên Xá-Lợi tròn vo kết tinh từ tóc. Xích Xá-Lợi là 50 viên Xá-Lợi nhỏ có từ thịt. Cô Diệu-Thể là đệ tử của Hòa Thượng Chánh-Lạc, có lẽ cô đã hỏi qua Hòa Thượng. Riêng chúng tôi chưa từng nghiên cứu về Xá-Lợi, nên dè dặt không dám nói đích xác.
Cũng cần nói thêm, trước ngày ông Chúc-Qúy mất, gia đình ông và gia đình Diệu-Nguyên (là bạn của bà Diệu-Thiện) hùn tiền gởi về Cao-Lãnh để bố thí suốt ngày cho gia đình nghèo trong vùng, nhằm ngày Phật Ðản. Mỗi gia đình được 10 kí gạo, 10 gói mì gói, bột ngọt và đường. Của tuy không là bao nhiêu, nhưng từ tâm đã đem lại phước báo cho gia đình bố thí rất nhiều.
Chúng tôi được biết, ở California có một góa phụ, theo lời đề nghị của người con, bà định đem mấy ngàn đô la về Việt Nam mướn người niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, rồi hồi hướng công đức niệm Phật ấy cho chồng. Thực hiện điều này có mấy điều lợi ích cho cả ba phía, tức lợi mình lợi người:
1. Người niệm Phật, dù được người ta mướn, sẽ được bảy phần công đức và đương nhiên sau này sẽ được vãng sanh.
2. Người bỏ tiền ra mướn người niệm Phật, tưởng đâu không công đức, mà lại được vô lượng công đức. Vì Kinh nói giúp người được vãng sanh được vô lượng công đức.
3. Người được hồi hướng công đức chỉ được ba phần. Nhưng nhờ có nhiều người niệm Phật hồi hướng cho mình, nên công đức tuy ít mà nhiều.

Ðừng hiểu lầm về vãng sanh
Nhơn đây chúng tôi xin nói rõ một lần nữa, để trong đời sau nhiều người khỏi lầm lẫn mà gây tai hại cho thân nhân:
Vãng sanh và có Xá-Lợi tuy là một, nhưng có chỗ khác nhau. Người vãng sanh mà có Xá-Lợi là người đã tu đắc được các qủa Bồ Tát, nhờ niệm Phật chí thành và nhứt tâm nên Tâm thể được thanh tịnh, đạt được định, thân tâm kết thành những khối lưu ly sáng rực. Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Phẩm Thứ Tư, trang 66 và 67, Phổ-Hiền Bồ Tát nói: “…Nếu chúng sanh nào nhất tâm xưng niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, tức xuất sanh vô biên công đức Bất-Khả-Tư-Nghị, đủ năng lực viên mãn Bồ Tát Ðạo, phát huy diệu dụng của tam thân, tứ trí, thập lực, tứ vô úy, tứ vô lượng tâm, lục Ba-La-Mật, thập bát bất cộng, v.v…”
Cũng Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, nơi Phẩm Thứ Năm tức phẩm Niệm Phật Viên Thông, trang 80, Bồ Tát Quán-Thế-Âm nói: “Khi xưng niệm Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, hành giả dần dần thành tựu chánh định Như-Lai, tự nhiên phát sanh tuệ giác Không-Tánh…” và trang 81, Bồ-Tát Quán-Thế-Âm nói: “Tiếp tục xưng niệm Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật như thế, hành giả không phóng tâm theo huyễn cảnh, huyễn sự, mà hướng cái biết vào Viên-Giác-Tánh. Ðó là danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miêm bất tận thành một khối lưu ly sáng rực vằng vặc.”
Ðây là nói đến những vị tu đắc qủa Bồ Tát đạt được “Niệm Phật Viên Thông” hay “Niệm Phật Tam Muội” khi lâm chung được vãng sanh vào phẩm vị Trung-Sanh hay Thượng-Sanh.
Nhưng vẫn có những chúng sanh cũng niệm Phật nhưng không được nhứt tâm hoặc những chúng sanh tuy trong đời thường làm điều ác, song khi lâm chung có thiện duyên được Thiện-Tri-Thức giảng pháp, dạy cho niệm Phật mười niệm nối liền nhau, liền đó được vãng sanh. Những trường hợp này, người ta rờ trán thấy hơi nóng còn ở đấy, thì biết là vãng sanh. Dĩ nhiên là vãng sanh bực thấp như Hạ Phẩm hạ sanh hay vãng sanh biên địa, tức là vào thai sanh như chúng tôi đã giảng trong sách Sưu-Giải Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật.
Những kinh nghiệm cần nói
Sau những bài sưu tầm tài liệu viết về những vị vãng sanh lưu Xá-Lợi, chúng tôi tự học được một số kinh nghiệm. Thiết tưởng cũng nên nói ra đây với lòng mong muốn giúp cho mọi người được lợi lạc.
Theo chúng tôi, bất cứ ai vãng sanh được Phật-A-Di-Ðà và Thánh Chúng đón rước, thì lập tức đi thẳng ngay về cõi Cực-Lạc. Có nghĩa là Thần Thức của người qúa cố không còn lẩn quẩn quanh nhục thân nữa. (điều này đã nói trong bài cụ bà Quảng-Khánh.)
Trong các sách nói về Tử Thư hay sách Liễu Sanh Thoát Tử dạy khi lâm chung trong vòng tám tiếng đồng hồ đều không được di chuyển nhục thân, gia đình phải liên tiếp niệm Phật trong nhiều ngày và cần phải cầu siêu cúng kiếng mỗi tuần, trong suốt 7 tuần nhựt. Thật sự lời dạy nhắm chung về những người được nghi ngờ chưa vãng sanh. Trong những giờ ngày đó, Thần Thức của người qúa cố, nếu chưa được vãng sanh, đang hoang mang không biết về đâu, còn đang luyến tiếc nhục thân. Vì vậy mà cần phải niệm Phật mà ổn định tinh thần, rồi nương theo tiếng niệm Phật mà ổn định tinh thần, rồi nương theo tiếng niệm Phật mà ổn định tinh thần rồi nương theo tiếng Phật, để được tiếp dẫn.
Còn người biết pháp môn xưng niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, như Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật nói, khi lâm chung cố giữ sao được 10 niệm nối tiếp nhau chắc được vãng sanh, đi thẳng tắt về cõi Cực-Lạc.
Còn như Ông Chúc-Qúy niệm Phật, bỗng ông ngưng lại xem cây khổ qua đã héo chết, rồi kêu vợ, nói cho hay; nếu liền đó ông ra đi… tức là ông không giữ được 10 niệm nối tiếp nhau.
Bà Diệu-Thiện, vợ Ông là người nhiều tín tâm và hiểu đạo, thấy ông ngưng niệm Phật, muốn lên tiếng, bảo ông hãy lo niệm Phật. Nhưng sau đó thấy ông trở lại chánh niệm, bà nín lặng luôn.
Nhờ ông trở lại chánh niệm, dù bịnh biến óc não xảy ra, ông vẫn giữ được 10 niệm khi ra đi mà trên môi, trong tâm ông vẫn còn câu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật. Ðiều này cũng phải nói, nhờ ông Chúc-Qúy đã tập, quen niệm Phật từ nhiều năm tháng. Sự tập luyện cho thành thói quen rất hữu ích cho Người-Tu-Niệm-Phật.
Ðó là kinh nghiệm thứ nhứt. Kinh nghiệm thứ nhì cũng rất quan trọng, xin qúi vị lưu tâm ghi nhớ: “khi thấy ông Chúc-Qúy bị ngất, bà Diệu-Thiện liền gọi người nhà và xe cấp cứu đến.”
Chúng tôi tế nhị khi nói chuyện với bà Diệu-Thiện, đã giải thích cho bà biết rằng: “Khi ông Chúc-Qúy tắt thở, ông đã vãng sanh ngay.” Chúng tôi đem lời kinh đọc cho bà nghe.
Kế tiếp chúng tôi mới hỏi bà, khi xe cấp cứu đến nhân viên y tế làm điều gì? Bà nói họ làm hô hấp, rồi sau đó dùng máy có điện giựt. Ðó là phương thức cấp cứu thường lệ. Những điều sau đây, chúng tôi đã trình bày cho bà Diệu-Thiện nghe, bây giờ ghi ra để qúi vị ghi nhớ hầu tránh điều đáng tiếc sau này.
Trong nhà Phật, điều quan trọng nhứt là lúc lâm chung, nếu khi ấy trong tâm người qúa cố nổi lên một niệm sân hận: đó là cái nhân sẽ đưa thần thức người ấy đọa vào đường dữ. Phật đã dạy điều này rất rõ trong các Kinh. Tất cả đều do cái niệm cuối cùng. Ngài Tu-Bồ-Ðề, đệ tử lớn của Phật, là một bực A-La-Hán, vậy mà trước khi đi khất thực, Ngài đoán trước nếu hôm đó Ngài sẽ gặp một người, mà người đó khi gặp Ngài sẽ nổi lên một niệm sân, thì Ngài chính là cái nhân đọa địa ngục cho người đó. Ngài thà nhịn đói ở nhà chớ không đi khất thực ngày đó.
Tại sao lại quan trọng hóa vấn đề này như vậy?
Chúng tôi thường dặn người nhà, bất cứ khi nào tôi bịnh, yếu phải ngất xỉu, cứ để tôi nằm yên niệm Phật mà chết, chứ đừng kêu xe cấp cứu. Phương pháp cấp cứu bây giờ thường dùng máy cho điện giựt tim. Gặp trường hợp không cứu được, người bịnh chết ngay, thần thức của người bịnh cảm thấy đau đớn, liền nổi sân giận. Sân giận là cái nhân đọa địa ngục.
Thường tình chúng ta quan niệm sai lầm, chỉ nghĩ cần cứu sống người thân bằng mọi giá, mà không hiểu rằng một người vì sân giận mà chết đi, thần thức người ấy đọa vào địa ngục, ngạ qủy hay súc sanh vô số kiếp, tức hàng triệu hàng tỷ năm mới có cơ hội trở lại làm người. Nếu người bịnh biết tu hành hãy khuyên họ giữ chánh niệm tức niệm Phật, niệm niệm nối tiếp nhau không gián đoạn mà không cần gọi xe cấp cứu và người nhà cùng bạn bè đồng trợ niệm thì người ấy sẽ được vãng sanh dù là hạ phẩm hay nơi biên địa của cảnh Cực-Lạc, vẫn còn hơn là vì bị đau đớn mà sanh sân giận, rồi đọa vào đường dữ.
Lạt Ma tái sanh Sogyal Rinpoche viết trong cuốn Tạng Thư Sống Chết do Ni Sư Tứ-Hải dịch, nói rõ nơi trang 499 như sau:
“Phương pháp phục hồi sự sống có thể gây bực bội phiền nhiễu và tán loạn vào giờ phút cao điểm của cái chết. Giáo lý Phật cũng như kinh nghiệm cận tử nghiệp đều cho thấy ngay cả những người hôn mê cũng vẫn hoàn toàn biết mọi sự xảy ra xung quanh họ. Những gì xảy ra trước khi chết, vào lúc chết, và cho đến cái lúc thần thức rời khòi xác là những giây phút hết sức quan trọng đối với một hành giả tâm linh đang cố tu tập an trú trong tự tánh tâm.
Nói chung, cách cứu chữa chỉ để mà kéo dài tiến trình chết có nguy cơ là nó chỉ nhen nhúm thêm sự bám víu không cần thiết, giận dữ và bất mãn nơi người hấp hối, nhứt là khi ấy không phải là ý muốn của họ. Những thân quyến gặp khó khăn trong lúc quyết định, và cảm thấy tràn ngập trách nhiệm về cái chết của người thân, cần nên nhớ rằng nếu không có hy vọng qua khỏi, thì phẩm chất những giờ phút cuối cùng của người thân họ còn quan trọng hơn là chỉ giữ cho họ sống. Ngoài ra, vì ta không bao giờ biết được, thần thức còn ở trong thân xác hay không, làm như vậy ta chỉ bắt buộc thần thức họ bị giam trong một thể xác vô dụng."
Ðây chỉ là một đoạn ngắn trong sách Tạng Thư Sống Chết. Thật ra ít có người can đảm làm việc này, vì họ cho là tàn nhẫn. Nhưng nếu là người biết tu, thì biết đó là một quyết định sáng suốt, giúp cho thân nhân thoát khỏi luân hồi khổ não trong vô số lượng kiếp.
Ông Chúc-Qúy độ nhiều người
Trong bức thư viết cho chúng tôi, Ðại Ðức Minh-Chí viết: “Phật tử Chúc-Qúy khi sống không độ được ai mà khi chết lại độ được nhiều người.”
Qủa thật vậy, khi ông còn sống, người con trai lớn của ông không tin vào đạo Phật, nay thì anh này mỗi ngày đều qua nhà ông tụng kinh với gia đình.
Còn người con trai thứ hai nằm mơ thấy ông kêu đi tụng kinh nên càng tin hơn - Ðiều đáng tin nhứt, trước kia bình bông cúng Phật chỉ để hai tuần là héo. Vậy mà từ ngày ông Chúc-Qúy mất, bình bông cúng Phật ở nhà ông sáu tuần chưa héo.
Theo Sư Cô Như-Lan từ chùa Hưng-Thiền, Cao-Lãnh cho biết, được tin ông Chúc-Qúy vãng sanh lưu lại Xá-Lợi, Phật tử Cao-Lãnh phát tâm tu niệm Phật đông đảo. Bây giờ những ngày thọ Bát Quan Trai, Phật tử về chùa đông không còn chỗ ngồi – Chùa Hưng-Thiền do Thượng Tọa Thích-Phước-Ðức trụ trì.
Trước khi dứt bài này, chúng tôi xin mượn bài của cô Diệu-Thể kể một vài chuyện vui liên hệ đến tánh tình mộc mạc, chân thật của ông Chúc-Qúy và khi tu ông không câu nệ một điều gì, chấp nhận hỏi để tu học. Cô Diệu-Thể viết:
Có lần bác đã hỏi Ðại Ðức Thích-Minh-Chí, trụ trì chùa Quang-Minh:
Kính bạch Thầy, đang ngồi tụng kinh hoặc nghe pháp mà lỡ đau bụng thình lình phải “đánh rấm” như thế có tội không?
Cả đại chúng ai cũng ôm bụng cười, Thầy cũng cười trả lời: “Trường hợp bất khả kháng thì Phật tha, nhưng mà ráng tránh thì tốt hơn.”
Bác lại hỏi tiếp: “Lỡ tránh không nỗi thì sao Thầy?”
Kết qủa như thế nào chắc qúy vị cũng biết…
Lần khác cũng tại chùa Quang-Minh, Bác đã hỏi Thầy: “Kính bạch Thầy, chân con đau không ngồi kiết già được. Xin Thầy chỉ cho con cách ngồi niệm Phật cho thoải mái.”
Thầy Minh-Chí đã trả lời ba cách ngồi niệm Phật theo sự hướng dẫn của Hòa Thượng Thích-Ðức-Niệm: “Bác đau chân không có ngồi kiết già và bán già thì bác cứ ngồi duỗi chân ra cho thoải mái để niệm Phật, đó gọi là “tự do già”.”
Ai cũng cười “cái già tự do” của Thầy.
Từ sự rụt rè lẻ loi của buổi ban đầu mới đến chùa, bác Chúc-Qúy bây giờ trở thành một “học viên xuất sắc”. Trong các khóa học và các buổi sinh hoạt Phật sự ở các chùa. Bác thường tiên phong các công tác lạc quyên, đóng tiền cúng dường Tam-Bảo, in kinh ấn tống, bố thí, phóng sanh, v.v…
Bằng tiếng Việt lơ lớ của người Hoa, bác phát pháo: “để tôi mở hàng, đắc lắm.”
Thế là bác đã gây hào hứng cho đại chúng, ai cũng nương phước đức của bác mà hoan hỷ “hùn vốn”


Trích trong sách “Những Chuyện Vãng Sanh Lưu Xá Lợi” của Cư Sĩ Tịnh Hải.

No comments: