Thursday

Xa Loi cua ba Dieu Chanh

CỤ BÀ DIỆU-CHÁNH, 88 TUỔI
VÃNG SANH LƯU NHIỀU XÁ-LỢI

Nhưng lúc lâm chung không người trợ niệm


Như đã nói, mỗi lần viết một chuyện vãng sanh chúng tôi đều tìm học được một kinh nghiệm. Bài cuối cùng này chúng tôi không liên lạc được với thân nhân của người vãng sanh, nhưng chúng tôi học được một trường hợp vãng sanh đặc biệt là, từ trước đến nay đã có người vãng sanh, lưu lại nhiều Xá-Lợi, nhưng chúng ta không hề hay biết vì thân nhân không lưu tìm Xá-Lợi.
Trường hợp Bà Cụ Diệu-Chánh mà chúng tôi viết ở đây là một. Cụ mất vào ngày 2 tháng 4 năm 2001 dương lịch vừa qua do bịnh tiểu đường quái ác gây ra. Cụ mất đúng 88 tuổi. Tên thật của Cụ là Nguyễn-Thị-Bảy.
Cụ là người rất tin tưởng vào pháp môn Niệm Phật Vãng Sanh. Theo lời những người con thuật lại với Sư Cô Luân-Liên, Cụ niệm Phật không lúc nào ngừng nghỉ. Khi đang ngủ, vừa thức giấc là Cụ chắp tay niệm Phật ngay và suốt ngày Cụ chỉ biết niệm Phật. Bịnh tiểu đường quái ác đã khiến cho đôi chân Cụ phải bị cưa. Cụ không đi đứng được nên chẳng thể đi Chùa. Các con cái Cụ người ở tận Cali, người thì bận đi làm không giúp đưa Cụ đi Chùa được.
Dù không cách nào đi Chùa lạy Phật, nhưng Cụ vẫn tin niệm Phật sẽ vãng sanh, lâm chung sẽ được Phật và Thánh Chúng tiếp dẫn.
Như trường hợp anh Ðồng-Hưng Lê-Văn-Hiếu mà chúng tôi đã nói. Vì bịnh tiểu đường đi lại khó khăn nên anh không đi Chùa, nhưng trong cơn đau đớn bịnh hoạn anh càng niệm Phật thiết tha. Anh niệm Phật nhập tâm. Càng lặng lẽ niệm Phật, tâm anh cành thanh tịnh, sức định của anh càng vô cùng thâm sâu; nên sau khi hỏa thiêu anh được thật nhiều Xá-Lợi.
Ðại Sư Hám-Sơn, lúc còn nhỏ tu niệm Phật, tâm Ngài thật thanh tịnh nên Ngài thấy được Phật A-Di-Ðà. Muốn thấy được Bồ-Tát Quán-Thế-Âm, Ðại-Thế-Chí, Ngài bèn thấy ngay. Rồi Ngài Hám-Sơn tu thêm Thiền, Ngài được những cơn định lớn lao và đạt Nhĩ Căn Viên-Thông. Trên đường tu, Ngài gặp nhiều hoạn nạn, Ngài Hám-Sơn niệm Phật tha thiết. Ngài là bạn thân của vị Tổ Tịnh-Ðộ thứ 8 là Ðại Sư Liên-Trì. Có lần được mời dự lễ giỗ của Liên-Trì Ðại Sư, Ngài đã giảng pháp môn Tịnh-Ðộ cho đệ tử của Tổ Sư Tịnh-Ðộ.
Chúng tôi nói thêm về Ngài Hám-Sơn để chứng minh trong niệm Phật đã có Thiền. Khi người niệm Phật mà Tâm Thể được định, tức là đã thâm nhập Thiền Ðịnh. Nhưng người tu niệm Phật lâu ngày, tâm thể người ấy càng thanh tịnh thì càng được uy lực và năng lực bất-khả-thuyết, bất-khả-thuyết của danh hiệu Nam-Mô A-Di-Ðà Phật giúp cho vị ấy chứng được Sơ-Phần-Pháp-Thân.
Trong sách này, chúng tôi thường nhắc đi, nhắc lại câu nói của Phật Thích-Ca rằng: “Nếu có chúng sanh nào chí thành xưng niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Ðà Phật, thì danh hiệu bất khả tư nghị của danh hiệu khiến Tâm-Thể thanh tịnh mà chúng sanh ấy không hề biết, tự nhiên chứng nhập Sơ-Phần-Pháp-Thân…” (xem Kinh trang 27)
Vừa qua có người còn hỏi chúng tôi, làm sao những vị trong sách này có Xá-Lợi. Chúng tôi dẫn chứng thêm ở đây để nói rằng, người mà niệm Phật thâm sâu thì sức định càng mạnh, càng được uy lực bất khả tư nghị của danh hiệu Nam-Mô A-Di-Ðà Phật trợ giúp khiến cho Tâm Thể người ấy thanh tịnh hơn mà người ấy không hề hay biết. Phật dạy như vậy. Rồi người ấy tự nhiên chứng nhập Sơ-Phần-Pháp-Thân mà cũng không hề hay biết.
Chúng tôi nhắc đi nhắc lại lời Phật dạy, để tất cả người tu Tịnh hay tu Thiền đều ghi nhớ nằm lòng và để tất cả đều nhớ hãy ráng niệm Phật để được chứng Sơ-Ðịa Bồ Tát.
Cho nên, trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật. Bồ-Tát Quán-Thế-Âm mới giảng (xem trang 80 thật rõ ràng) “Khi xưng niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Ðà Phật, hành qủa (tức là người niệm Phật) dần dần thành tựu chánh định Như-Lai…”
Khi niệm Phật thường xuyên và lâu ngày được một sức định, tự nhiên chứng nhập Sơ-Phần-Pháp-Thân. Cho nên chúng ta được biết anh Ðồng-Hưng có khá nhiều Xá-Lợi. Nhưng Cụ Diệu-Chánh vừa mới mất, bịnh tiểu đường của Cụ càng nặng hơn và kéo dài lâu hơn. Anh Ðồng-Hưng mất năm 60 tuổi, Cụ Diệu-Chánh mất năm 88 tuổi. Cho nên chúng ta hiểu, sự chịu đựng đau đớn cơ thể của Cụ Diệu-Chánh càng dữ dội hơn. Cho nên, để chịu đựng, Cụ càng niệm Phật thâm sâu hơn, theo người chứng kiến kể cho biết, nên Xá-Lợi của Cụ Diệu-Chánh nhiều và màu sắc đẹp hơn của anh Ðồng-Hưng.
Chúng tôi dẫn chứng điều này, để khuyên qúy vị đang quyết tâm niệm Phật vãng sanh hãy học thêm bài học của Cụ Diệu-Chánh là hãy niệm Phật cho thật chắc, niệm cho thật bền, niệm ngày niệm đêm.
Nếu cần nói chuyện cứ nói nhưng vừa ngừng câu chuyện hãy tiếp tục niệm Phật ngay. Ðừng nên suy nghĩ nhiều, đừng nên nhớ nghĩ nhiều về qúa khứ tương lai. Chúng tôi dùng chữ nhiều, vì lúc đầu không ai bỏ ngay được. Nhưng tu tập lâu ngày những suy nghĩ vẩn vơ, những nhớ nghĩ qúa khứ và tương lai sẽ dần dần bớt đi.
Qúy vị chắc nghe nói về Ðại Sư Hám-Sơn, nhờ tu tập đúng cách của Phật dạy, khi Ngài tịch, do sức định mãnh liệt mà nhục thân của Ngài kết thành “Toàn Thân Xá-Lợi” cứng chắc, trãi qua mấy trăm năm vẫn còn nguyên vẹn.
Bài này không chú trọng nói về Xá-Lợi, mà muốn dẫn chứng, bất cứ ai nhứt tâm niệm Phật và khi lâm chung cố giữ sao cho đừng lạc mất chánh niệm thì chắc chắn sẽ vãng sanh. Có Xá-Lợi hay không, nhiều hay ít còn do sức định khi niệm Phật của vị ấy lúc còn sống.
Vậy hãy niêm Phật ngay từ bây giờ, hãy niệm cho lâu bền. Càng niệm chắc và niệm sâu càng chứng nhập phẩm vị cao. Cho nên Bồ-Tát Quán-Thế-Âm mới nói: “Khi xưng niệm danh hiệu Nam-Mô A-Di-Ðà Phật, hành giả dần dần thành tựu chánh định Như-Lai.” Ý của Ngài Quán-Thế-Âm nói: “Vị tu niệm Phật này dần dần, tức là lâu ngày, sẽ đạt được chánh định của Phật.”
Xin nói phớt qua về Cụ Diệu-Chánh, với những điều mà chúng tôi được nghe biết. Trong những ngày Cụ sắp mất, bấy giờ con cái Cụ, như bao nhiêu gia đình Phật giáo khác, mới nghĩ tới việc phải rước một vị Tăng, Ni đến lo việc tụng niệm. Người nhà đến mời Sư Cô Luân-Liên, Sư Cô không thể đi ngay vì đã hứa lo cho một đám khác. Lúc Sư Cô trở về, có thể đi được thì nhà thương đã đóng cửa.
Ðêm đó Cụ Diệu-Chánh đã ra đi mà không người hộ niệm. Âu đây cũng là cái duyên lạ! Tại sao gọi là lạ?
Vì chúng tôi hiểu ra rằng: “Vẫn có trường hợp người chết đã đủ duyên vãng sanh, không cần có người hộ niệm.” Tuy nhiên, nếu có người hộ niệm vẫn tốt hơn.Thật vậy, khi Cụ Diệu-Chánh dứt hơi thở cuối cùng, bên cạnh Cụ có người trưởng nữ tên Dương-Thị-Vạng. Chính Cụ Diệu-Chánh chết trên tay cô Vạng. Ðặc biệt, trong
những tháng ngày sau cùng của Cụ Diệu-Chánh, cô Vạng đưọc các bạn gái ở trong một Ban-Hộ-Niệm tại vùng Virginia hướng dẫn để tập hộ niệm, phòng khi Cụ Diệu-Chánh mất cô biết phải làm thế nào. Khi Cụ Diệu-Chánh đau nặng, cô Vạng chuẩn bị đầy đủ băng niệm Phật và máy cassette đem vào nhà thương để cho Cụ Diệu-Chánh nghe. Nhưng, đêm cuối cùng của Cụ Diệu-Chánh, lúc ấy vào nửa khuya, Cụ Diệu-Chánh bỗng trở bịnh nặng và khó thở. Khi ấy cô Vạng bối rối chỉ nhớ đến việc lo cứu Mẹ mình, như báo tin cho y tá hay, và đỡ Cụ Diệu-Chánh lên tay cô cho dễ thở, mà quên mất đi việc hộ niệm.
Ðứng trên mặt thường tình của chúng sanh, thì cô Vạng đã trọn chữ hiếu, nhưng ngược lại…
Chúng tôi ghi lại sự kiện ra đây để làm bài học kinh nghiệm chung. Ở đây chúng tôi đứng trên phương diện của một người quyết tâm cầu vãng sanh Cực-Lạc mà nói, thì người bịnh và thân nhân phải được xây dựng một quan niệm thật rõ rệt và dứt khoát như sau:
Trong giai đoạn mà người bịnh thấy không còn cứu được, bịnh nhân phải tự buông bỏ các duyên. Nghĩa là không cần nghĩ đến cứu mạng sống nữa, mà phải nghĩ đến việc làm sao có thể vãng sanh, được về cõi Phật là quan trọng nhứt. Người bịnh và thân nhân phải can đảm, phải chuẩn bị tâm lý và tinh thần đầy đủ. Giống như trường hợp Sư Bà Ðàm-Lựu, Bà Diệu-Âm Huỳnh-Ngọc-Tuyết và nhiều vị khác… lúc sắp lìa trần đều buông bỏ các duyên, không uống thuốc nữa, chỉ lo niệm Phật để cố giữ chánh niệm. Vì cái niệm sau cùng lúc lâm chung mới thật là quan trọng.
Không phải ai ai cũng hiểu được điều này và can đảm thực hiện nó. Nhưng nếu hiểu rằng biết cách giữ chánh niệm khi lâm chung để được về cõi Phật A-Di-Ðà, thì buông bỏ các duyên lúc bịnh khổ hoành hành là điều nên làm.
Cho nên Ngài Hám-Sơn mới nói nơi trang bìa 2 sách này rằng: “Nếu lúc bịnh hoạn khổ đau mà tự làm chủ được thì lúc lâm chung Tâm sáng suốt rõ ràng bèn biết nơi đến.”
Ý Ngài Hám-Sơn nói, nếu gặp lúc bịnh hoạn khổ đau hoành hành, ta vẫn làm chủ được, quyết định buông bỏ các duyên, thì lúc ấy Tâm ta hoàn toàn sáng suốt, niệm Phật phân minh rõ ràng, thì chắc chắn được về với Phật A-Di-Ðà.
Trong trường hợp này, thân nhân của người bịnh cũng phải hiểu rõ, phải bình tĩnh và chấp nhận điều chánh yếu là không cần lo cứu mạng sống của thân nhân mình nữa, vì trước sau gì người bịnh cũng sẽ chết, thì nên lo nhắc nhở người bịnh niệm Phật để được vãng sanh. Ở đây cô Vạng chỉ nghĩ đến việc cứu mạng sống của Mẹ mà quên hiểu rằng cứu phần Tâm-Linh vĩnh cửu mới là điều cần thiết.
Cho nên trong việc vãng sanh lưu Xá-Lợi của Cụ Diệu-Chánh, chúng tôi dùng chữ “Duyên Lạ” dù đêm đó Cụ Diệu-Chánh không được hộ niệm, nhưng nhờ Cụ niệm Phật nhập tâm, mà khi lâm chung đủ duyên nên được vãng sanh.
Sáng hôm sau, Sư Cô vô nhà thương đau buồn nhìn thấy Cụ Diệu-Chánh đã bất động. Nhưng liền sau đó Sư Cô đổi buồn làm vui, vì nhận ra Cụ Diệu-Chánh đã ra đi trong an lạc tự tại.
Sau khi làm lễ, Sư Cô Luân-Liên bảo với các người con rằng chắc chắn Cụ Diệu-Chánh có Xá-Lợi. Vậy nên dặn nhà quàn đừng nghiền nát tro cốt. Trong các người con, có người vui vẻ đồng ý, người thì phản đối với lý do hãy để cho người chết được yên thân xác cuối cùng. Một lý do nữa, nếu có Xá-Lợi thì Xá-Lợi ấy được đựng vào tháp thì sẽ làm mất đi một phần thân thể của người chết. Sư Cô Luân-Liên lại giải thích thật lâu. Cuối cùng khi được thấy Xá-Lợi ai nấy đều vui mừng và tin tưởng Mẹ mình đã vãng sanh.
Ðiều đặc biệt nhứt, đây là sự huyền diệu hiển bày, khi vừa nhận được tro cốt liền thấy một viên Xá-Lợi Óc to lớn, màu đẹp nằm phơi bày ở trên mặt tro, khỏi cần tìm kiếm.
Chúng tôi không tiếp xúc được với thân nhân của Cụ Diệu-Chánh, và cũng không có thời giờ để tiếp xúc. Chúng tôi định bỏ qua chuyện này. Nhưng sau một đêm ngủ dậy, chúng tôi lại nghĩ, đây là một chuyện vãng sanh thật quan trọng, một chuyện vãng sanh mà mọi người cần hiểu biết, nên cần được ghi lại ra đây để cùng học hỏi.
Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, trang 18, Ðức Phật dạy: “Khi lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm nối liền nhau, lập tức vào Phổ Ðẳng Tam Muội của Ðức Phật A-Di-Ðà, được Phật tiếp dẫn về Tịnh-Ðộ Tây Phương.”
Như vậy, khi Cụ Diệu-Chánh mất không phải chỉ có một mình Cụ nằm ở giường bịnh trong nhà thương nhưng những người con có mặt không đủ bình tĩnh để nhắc Cụ niệm Phật.
Sáng hôm sau Sư Cô Luân-Liên vào nhà thương, ngạc nhiên thấy mặt Cụ Diệu-Chánh thật phương phi đẹp đẽ không thể tưởng được mặc dầu Cụ đã mất và mất sau những năm dài bị đau đớn hành hạ thể xác. Sư Cô nhìn Cụ Diệu-Chánh 88 tuổi, rồi nhìn người con gái của Cụ ở tuổi 60, trông thấy Cụ trẻ đẹp hơn nhiều. Do đó mà Sư Cô quyết đoán, Cụ Diệu-Chánh đã vãng sanh và nghĩ rằng Cụ sẽ lưu lại Xá-Lợi.
Ðức Phật dạy khi lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm nối liền nhau. Chắc chắn lúc sắp tắt thở, Cụ Diệu-Chánh vẫn giữ mười niệm nối liền nhau.
Chúng tôi muốn nói cho những người con của Cụ Diệu-Chánh biết điều này: “Dù những ngày sắp chết Cụ không đi Chùa lạy Phật, nhưng Cụ mất đi còn cứu độ rất nhiều người.”
Cứu độ chỗ nào?
Ở chỗ khi mọi người biết được sự vãng sanh của Cụ thì đều sẽ hiểu rằng, dù đang ở nơi nào, dù nơi ấy không có Chùa, nhưng nếu biết chí tâm niệm Phật như Cụ Diệu-Chánh, chắc chắn được vãng sanh.
Chúng tôi nghĩ thông như vậy, và để yểm trợ Cụ độ thoát chúng sanh, dù không được tiếp xúc với thân nhân, đêm rồi vừa thức dậy từ 4 giờ sáng liền ngồi ngay vào bàn, viết lại bài này một mạch để chấm dứt cuốn sách này đúng ngày như đã hứa với nhiều người.
Vào giờ chót, thân nhân của Cụ Diệu-Chánh đã gọi điện thoại và cung cấp hình ảnh cho chúng tôi.


Trích trong sách “Những Chuyện Vãng Sanh Lưu Xá Lợi” của Cư Sĩ Tịnh Hải.

No comments: