Thursday

Xa Loi cua Ba Dieu Am To Van Lien


CỤ BÀ DIỆU-ÂM TÔ-VÂN-LIÊN
Vãng sanh với những Huyền-Diệu
Tỳ Kheo Thích-Phổ-Huân

Những thập niên qua, từ khi đạo Phật có mặt ở xứ Úc này, người ta không có nghe có người tu Phật chứng nghiệm một điều chi, hay thoại ứng gì sau khi mất, hoặc hiện còn sống mà hiển bày được linh cảm, v.v…
Dù rằng việc này không thể phổ biến hay phô bày, bởi lẽ sẽ ngược với giáo lý nhà Phật. Tuy vậy với Phát tu Tịnh-Ðộ niệm Phật cầu vãng sanh thật dễ thực hành, cũng vẫn chưa thấy có người vãng sanh. Nói như thế không phải nghi ngờ pháp môn Niệm Phật, vì thật sự chưa thấy tin tức rõ ràng. Nhưng nếu có người vãng sanh mà thân nhân không muốn phô bày tiết lộ, thì cũng không biết. Lại nữa, trường hợp thân nhân không hiểu đạo Phật, mà người nhà có vãng sanh đi nữa cũng chẳng phổ biến được chi. Rồi thì, nếu người vãng sanh được an táng thay vì hỏa táng, thế ra cũng khó mà biết. Cho nên không thể khẳng định đã có hay không, người vãng sanh lưu Xá-Lợi, và có thì ai biết được đã bao nhiêu người!
Theo chúng tôi nghĩ chắc chắn phảI có, nhưng không ai tìm hiểu và chẳng đủ duyên phổ biến nên hiếm nghe như vậy.
Cuối năm rồi (2000) chúng tôi có nhân duyên nhận được quyển :Kỷ Yếu Sư Bà Ðàm-Lựu”, thấy việc vãng sanh lưu lại Xá-Lợi qúa nhiệm mầu, nên trong dịp khóa Tu Bát Quan Trai chúng tôi có nói chuyện giới thiệu đến qúy Phật tử, thì tình cờ một bác Phật tử (Diệu-Qúy) nghe chuyện vậy, mới cho hay có một vị Phật tử người Hoa tu niệm Phật mất đi để lại Xá-Lợi. Chúng tôi lần hỏi ra mới biết sự thật, còn được xem hình chụp Xá-Lợi của vị cư sĩ đó. Vậy nếu như đề tài nói chuyện hôm đó, không phải là việc vãng sanh, có lẽ việc vãng sanh tại Úc lặng lẽ đi vào qúa khứ. Vậy mà nhân duyên cũng chưa đủ để phóng tin cho Phật tử, vì mãi đến bây giờ chúng tôi mới có dịp kể ra, nếu không đón nhận quyển sách “Những Chuyện Niệm Phật Vãng Sanh Lưu Xá-Lợi.” Rồi cũng chẳng nghĩ đến việc viết chuyện vãng sanh này, vì sự thật đã ràng ràng như vậy, cần chi phân bua thêm nữa! Chỉ nguyện một lòng sự thật đó sẽ đến với tất cả người nào thực hành niệm Phật. Riêng bản thân chúng tôi đã có niềm tin từ khi mới vào đạo, và dù không thấy Xá-Lợi chúng tôi vẫn không bao giờ xoay chuyển niềm tin Tịnh-Ðộ.
Rồi nhân duyên qua cuộc điện đàm với bác Tịnh-Hải (tác giả sưu tầm biên soạn Sách Những Chuyện NPVSLXL) từ Hoa Kỳ, về việc tái bản ấn tống sách, chúng tôi mới được bác khuyên, nên viết để phổ biến cho mọi người, cũng như gây tín tâm cho người niệm Phật (Bác biết chuyện này là do Thầy Bổn-Sư cho biết, trong lúc tôi vắng chùa.) Tóm lại, đây là một nhân duyên cho mọi người thấy rằng, pháp tu xứng hợp thời nay, không gì hơn qua niệm Phật, và hễ ở đâu có người niệm Phật nơi đó có người vãng sanh.
Sau đây là chuyện một vị Ưu-Bà-Di được vãng sanh ngày 1-1-2000 (tức 25-11 năm Kỷ Mão) tại Sydney Úc-ÐạI-Lợi.
Bà Tô-Vân-Liên, ngườI Hoa, theo gia đình chồng di dân qua Việt Nam lúc 19 tuổi. Bà là người chất phát hiền hậu, chỉ một lòng săn sóc gia đình sao được yên ổn hạnh phúc. Từ lúc tạo đời sống mới ở Việt Nam, gia đình ngụ tại Tân Dịnh-Sài Gòn, bà luôn luôn hy sinh tất cả để nuôi các con sao được nên người, bản thân bà không màng hưởng thụ một thứ gì gọi là ngon tốt. Bà lại không than thở, không khoe khoang bày tỏ cho người khác biết. Nhờ vậy các con bà được săn sóc nên người.
Vào năm 1978, bà được người con gái du học tại Ðài Loan bảo lãnh. Ở Ðài Loan được 8 năm, bà lại được bảo lãnh qua Úc. Bà cũng có hai người con trai, sống ở Mỹ, Pháp và còn lại một trai, hai gái ở Việt Nam. Ở Úc, hai người con gái bà đã ổn định gia đình. Gia đình bà theo đạo Khổng, chỉ thờ Ông Bà tu nhân tạo phước. Ðến khi định cư ở Úc năm 1986 bà vẫn chưa hiểu gì đạo Phật. Sau này vào năm 1991, hai người con gái có dẫn Mẹ đi chùa lễ Phật, nhưng cũng chỉ cầu an, phước lộc, tai qua nạn khỏi. Cho đến năm 1997 nhân duyên nghe băng giảng và diện kiến Pháp Sư Tịnh-Không, vị Ðại Sư chuyên về Tịnh-Ðộ; bấy giờ hai người con gái của bà mới thật sự chuyên tu pháp môn Tịnh Ðộ, nhờ vậy bà cũng được quy y với pháp danh Diệu-Âm và biết niệm Phật, chính thức trở thành Phật tử.
Những dịp không đến chùa, gia đình con gái bà cùng các bạn đạo tổ chức tu niệm Phật tại nhà, như thế làm bà cảm thấy pháp tu niệm Phật thật gần gũi. Nhắc nhở bà thường xuyên niệm Phật hằng ngày, mà bà thường mở nghe để luôn luôn miệng thầm niệm theo.
Ðầu năm 1998 bà lâm bịnh; khi được bác sĩ khám, mới hay bà bị ung thư phổi. Gia đình đã cố gắng mọi phương tiện trị liệu cho bà, tuy nhiên với bà, không cảm thấy lo lắng sợ sệt. Bà tự nhận rằng với tuổi 83 đã là qúa thọ, nên bà vẫn sinh hoạt đi lại như thường; bà còn tin vào pháp môn niệm Phật sẽ được vãng sanh sau khi chết, do đó niệm Phật tinh tấn hơn mà chẳng biết rằng mình đang bịnh.
Khoảng bốn tháng sau, ngày 19-5-1998, được tái khám, thì dấu vết chứng bịnh ung thư ở phổi tự nhiên biến mất. Dịp này hai người con gái an tâm vui mừng, và xin được dẫn bà đi du lịch thăm bà con họ hàng.
Ðầu năm 1999 bà lại được bác sĩ tái khám, lần này bịnh tái phát trở lại và có phần nguy kịch. Nhưng với bà thật lạ, bà chẳng có gì thay đổi, lộ vẻ gì của một người đang mang bịnh nặng; vẫn ăn uống bình thường. Gia đình con cháu khi săn sóc bà thường hỏi, bà có đau không? Bà chỉ nói là mệt chứ không đau. Vì biết bà hiểu Phật Pháp khá hơn, đã niệm Phật tha thiết , tuổi lại thọ, và là Phật tử có quy y hẳn hòi, nhất là bà còn sáng suốt, nên các con đã bày tỏ kể rõ hiện tình bịnh trạng cho bà nghe. Phản ứng của bà không một chút gì sợ hãi; bà nghĩ chẳng thấy đau bịnh gì, cần phải lo chi! Do đó, ngày 22-2-1999, bà bảo con gái đi đình lại (cancel) việc chích thuốc (thuốc giảm đau cầm chừng trong thời gian chờ đợi) như đã được định ngày. Nhân đó cô Trân hỏi tình trạng của Mẹ, thì được trả lời, theo bịnh trạng như thế sẽ chỉ còn vài tháng mà thôi. Bấy giờ bà vẫn niệm Phật như thường lệ, các con bà lại cùng tâm niệm với bà nhất tâm hướng về đức Phật A-Di-Ðà để nguyện bà được ra đi nhẹ nhàng.
Còn khoảng hai tháng trước ngày cuối của bà; bà sốt sắng lau dọn nhà cửa sạch sẽ như đoán trước biết ngày ra đi, bà có nói “mai mốt tao đi rồi ít có ai lo dọn dẹp.”
Ðến lúc này bà vẫn khỏe đi lại như người không bịnh, chỉ có điều hơi mệt hơn trước, chớ không đau đớn gì; điều này thật lạ vì bịnh ung thư nào trước ngày sắp chết đều bị hành xác. Một tháng sau, tức còn một tháng nữa, bà lại đưa tiền dành dụm của bà hơn một ngàn đồng cho con cháu mua máy quay phim, việc này như để chuẩn bị trong ngày ra đi của bà.
Tuần lễ nữa trôi qua, đúng vào ngày lễ tốt nghiệp khóa học tiếng Hoa của đứa cháu trai, bà lại được mời tham dự. Ðến trường dự lễ vậy, chỉ có gia đình là biết bà bịnh, người ngoài không một ai biết. Nhìn ảnh chụp bà đang bắt tay vui vẻ với cô giáo trong ngày lễ hôm ấy, chắc sẽ không ai ngờ, một người mang chứng bịnh nan y đến thời kỳ nặng nhất lại có thể trông khỏe và tươi tỉnh vậy được!
Thật sự bà thỉnh thoảng có đau, và cơn đau chỉ thấy rõ vào ngày 26-12-1999, nên trong ngày đó các con đã cho bà uống 6 viên Panadol (giảm đau.) Vì rõ ràng bộ phận phổi bên trong đã hoàn toàn hư hại, tuy thế bà nói, khi phát lên cơn đau thì bà liền niệm Phật và tự dưng giảm được cơn đau. Ðó là việc ngạc nhiên, tại sao bịnh nặng như vậy mà bà vẫn trông như người không bịnh, lại còn sống được vui vẻ hơn mười tháng. Xác thực việc nhiệm mầu này, là tấm hình chụp chân dung bà với y áo trang nghiêm, lại trông trẻ ra và thật hoan hỷ ở số tuổi tám mươi lăm (85)!
Bà còn tinh tấn tham dự khóa tu niệm Phật một tuần lễ, do nhóm cư sĩ tổ chức niệm Phật tại nhà. Trong lúc này hai người con gái bà hơi lo, vì sức khỏe bà bây giờ đã yếu nhiều. Sợ bà mất ngay chưa tròn khóa tu, như vậy sẽ làm dở dang cho các vị tịnh niệm vì phải lo cho bà. Việc thế này chắc bà đoán biết. Gần cuối khóa tu bà không tham dự trọn ngày được, nên phải chở bà về nhà. Ở nhà bà vẫn niệm Phật không ngừng. Không tham dự được trọn ngày,bà xin tham dự một đến hai tiếng.
Khoảng 2 giờ sáng ngày 30-12-1999, thấy bà có phần mệt nhiều, gia đình thuyết định đưa bà vào nhà thương khám, vì lo lắng sợ hành bà đau. Hơn nữa người con rễ là bác sĩ từ Ðài Loan gọi qua khuyên đưa bà vào bịnh viện, sợ để ở nhà bịnh hành bà. Tuy vậy các con cháu gần bà vẫn cảm thấy, bà dù mệt nhưng tỉnh táo, nên chỉ mong rằng vào bịnh viện sẽ trở ngại việc vãng sanh. Tâm niệm các con bà, cũng là tâm niệm của bà. Việc này cho thấy gia đình các con cùng một tâm niệm mong ước đưa bà về Tịnh-Ðộ, nên luôn luôn trong tư thế sẵn sàng lo cho bà. Tâm niệm chung như vậy khiến chiêu cảm ra những điều lành suông sẻ, như khi đưa bà vào bịnh viện đã không báo trước, cũng không phải là tình trạng khẩn cấp (emergency), vậy mà không biết sao, hôm ấy không đợi ai, được đưa thẳng vào bác sĩ chuyên khoa. Bác sĩ khám xong, liền cho hay nước trong người bà đã ngập qua phổi, tình trạng thật nguy cấp. Thế là nước được rút ra gần 2 lít, nhưng bác sĩ xem lại chẳng thấy bớt được bao nhiêu. Phần bà thì cảm thấy khỏe lại. Bác sĩ hỏi bà muốn ở lại hay về. Bà trả lời muốn về.
Cùng trong ngày 30 bà được đưa về nhà, bà đi lại tự nhiên, ăn được sáu miếng cam, rồi đi tắm và vào phòng niệm Phật. Bà ngồi ghế dựa tay lần chuỗi, hai người con gái niệm Phật chung với bà. Không tham dự khóa tu niệm Phật được, ba mẹ con niệm ngay tại nhà, cũng thật tinh tấn thanh tịnh.
Năm giờ sáng ngày 31-12, chỉ còn bốn tiếng đồng hồ nữa là mãn khóa niệm Phật, bà vẫn khỏe, hai người con hỏI bà có muốn đến tham dự lễ hồi hướng mãn khóa. Ban đầu bà nói đi, nhưng rồi sau, bà bảo để Hương ở lại, Trân nên đi hồi hướng.
Xong buổi lễ hồi hướng, cả ban niệm Phật cùng đi đến thăm và trợ niệm cho bà. Biết bà có lẽ không còn bao lâu sẽ đi, tất cả đồng thanh chí niệm, bà cũng nhép miệng niệm theo (lúc này bà không có lần chuỗi nữa.) Ðột nhiên mọi người thấy bà chấp hai tay lại, mặt mày sáng ra có vẻ thành khẩn lắm. Thấy thế mọi người đồng đứng dậy trang nghiêm niệm càng tha thiết hơn. Ðược một hồi bà để tay xuống và như nằm dưỡng tỉnh. Trong lúc bà có hành động lạ như vậy, cô Hương con gái bà nhìn thấy khuôn mặt Mẹ sáng hực ra như có ánh sáng vàng chiếu vào vậy. Sau này hỏi ra có thêm một người trong Ban Hộ Niệm cũng thấy như cô. Tất cả người còn lại thì thấy mặt bà thật tươi tỉnh. Khoảng thời điểm này mọi người đều xác nhận không có ánh sáng mặt trời chiếu vào phòng.
Tối hôm đó số người niệm Phật cũng trở lại niệm cho bà. Gia đình cũng có gọi bác sĩ Mạch-Ảnh-Lang tới thăm, bác sĩ hỏi bà mệt không, bà gật đầu, nhưng hỏi đau thì bà lắc đầu.
Hôm sau, ngày 1-1-2000, các người con vẫn niệm Phật cho bà, và Ban Hộ Niệm vẫn đến trợ lực. Trong Ban Hộ Niệm có một vị đứng mang hình Phật đưa lên hơi cao, bà liền ra dấu hạ xuống thấp hơn. Có người cảm thấy bà có vẻ sắp đi vì mệt nhiều, nên xin phép bà hạ ghế dựa thấp xuống để bà nằm; bà không chịu vẫn muốn trong tư thế hơi ngã người mà thôi. Hình như bà muốn giữ trang nghiêm trước giờ ra đi theo Phật!
Niệm được một hồi, tự nhiên hai mắt bà mở lớn ra và trông thật sáng, bà lại nhóm người lên muốn đứng dậy! Hình như bà đã thấy điều gì! Rồi từ từ dịu người xuống, miệng vẫn động môi niệm Phật, đôi mắt cũng từ từ nhắm lại và bà ra đi trong sự trang nghiêm thanh tịnh hòa theo tiếng niệm Phật không ngừng. Lúc đó là 9 giờ 23 phút tối.
Có vài người tới trễ, vào lúc bà sắp ra đi miệng còn động niệm. Họ bước vào đúng lúc liền xá chào bà, rồi quay sang bàn Phật cùng cất tiếng niệm. Ðến một hồi xoay lại nhìn bà, họ cứ ngỡ bà ngủ, nào ngờ người khác cho hay bà đã đi ngay vừa lúc họ xá chào bà rồi quay sang niệm Phật.
Gia đình con cháu và Ban Hộ Niệm vẫn tiếp tục niệm Phật thiết tha hơn. Niệm đến gần nửa đêm, cô Trân con gái bà cảm thấy, chưa bao giờ chứng kiến buổi niệm Phật kỳ diệu tuyệt hay như vậy, dù cô đã tham dự nhiều khóa niệm Phật thật trang nghiêm. Cảm kích như thế, cô bèn lui ra tìm băng cassette thâu giữ âm thanh hiếm qúy này. Cùng lúc đó cô Hương lại nghe như có tiếng nhạc đâu đó hòa theo tiếng niệm Phật, lại thấy cô Trân đang loay hoay với máy cassette, cô tưởng em mình để băng niệm Phật có đệm nhạc vào máy. Trong tâm cô vừa ngạc nhiên, vừa khó chịu, vì sao đang niệm Phật tha thiết như vậy lại để băng nhạc vào làm gì!
Sau này hỏi ra mới rõ, cô Hương đã nghe được âm thanh nhạc điệu lạ lung và cô là ngưới duy nhất nghe được. Ðiều lạ nữa, dù niệm Phật lâu như vậy, mà mọi người không cảm thấy chút gì là mệt, hình như còn khỏe người ra. Họ còn nói, như có gió mát thổi vào phòng khiến ai nấy thật sảng khoái mát mẻ (thời tiết lúc này đang là mùa nóng ở Úc.)
Ban Hộ Niệm thay phiên niệm Phật đến gần tám tiếng đồng hồ, rồi hồi hướng ra về. Riêng trong gia đình vẫn tiếp tục niệm cho đến sáng hẳn ngày hôm sau. Tính ra cũng gần mười hai giờ niệm Phật, và nhục thân bà vẫn được giữ yên trong tư thế hơi ngã người vào ghế.
Sau đó Bác sĩ Lang đến xét nghiệm ký giấy lần cuối, bấy giờ cô Hương và Trân cùng một người cháu và một vị Phật tử trong Ban Hộ Niệm mới di chuyển thân bà để lau tắm chuẩn bị việc tang sự. Lạ thay toàn than bà vẫn mềm mại như người sống! Cô Hương và Trân thật sững sốt việc này, liền nghĩ - Vậy là Mẹ đã vãng sanh rồi mới có việc lạ, nhưng nếu đầu Mẹ mà còn ấm nóng thì mới thật đúng. Thế là họ thật vui mừng biết bao, khi chính tay cảm giác được hơi ấm trên đầu bà vẫn còn lưu lại hơi ấm trên đầu bà vẫn còn lưu lại dù đã chết sau mười hai tiếng (12) đồng hồ.
Việc vui mừng như thế đến nỗi khiến nhân viên nhà quàn phải ngạc nhiên. Họ hỏi, sao nhà có ngưòi chết lại vui được như vậy!
Cô Hương và Trân thì thầm nhỏ với Mẹ: “Chúng con hẹn, sẽ gặp lại Mẹ ở Tây Phương Cực-Lạc!”
Bà Tô-Vân-Liên đã thật sự vãng sanh không còn nghi ngờ gì cả. Những điều tỉnh táo lạ lùng, đã cho thấy dấu hiệu của một người về cõi Phật có chuẩn bị và vui vẻ hân hoan. Theo lời cô Trân kể, lúc bà đã mang than bịnh, các con có nhắc vui với bà, là hồi Mẹ ở Trung Hoa khổ, di dân qua được Việt Nam sướng được một chút, lại di dân qua Ðài Loan sướng hơn chút nữa, rồi qua đến Úc thì sướng hơn nữa! Bây giờ Mẹ không biết sẽ di dân ở đâu! Thôi thì Mẹ di dân lên đất Phật chắc là sướng nhất rồi! Bà cười và nói đúng rồi lần này phải di dân lên Cực Lạc! Bà còn nói đùa, bà có đi rồi thì báo cho mọi người ở Việt Nam biết là bà chỉ đi di dân thôi chứ không có chết.
Các con nhắc lại cho bà nghe câu chuyện một người mất ở Ðài Loan, vị đó biết là nếu mất ngày thường, sẽ khó có người đến thăm viếng nên lựa ngày holiday mất - Vậy Mẹ nên chọn ngày nghỉ mà đi cho mọi người tiện đến trợ niệm và thăm viếng thì tốt lắm! Qủa thật bà ra đi ngày 1-1-2000 đúng vào tháng nghỉ lễ cuối năm, nên tất cả gia đình thân hữu đều đến tiễn bà.
Sự ra đi nhẹ nhàng mầu nhiệm như thế khiến các con nghĩ rằng, chắc chắn Mẹ sẽ để lại cái gì đó làm vật kỷ niệm cho con cháu. Họ mạnh dạn thưa với nhân viên nhà quàn, xin nán lại việc nghiền nát xương cốt sau khi hỏa thiêu, để được tìm thấy vật để lại của Mẹ. Khi được xem cốt có các màu lạ lùng, thế là họ biết đây là Xá-Lợi, và là vật làm tin nhắn với các con bà đã được về nước Phật.
Ðó là câu chuyện được kể lại do hai cô Hương, Trân con ruột của bà hiện ở vùng Yagoona và Regent Park, và chúng tôi chỉ lược thuật một cách đơn giản đúng theo lời kể, tuy nhiên còn rất nhiều chi tiết, tiên triệu thoại ứng mầu nhiệm khó thể kể ra. Hơn nữa chuyện đã qúa rõ ràng không cần phải chi tiết chi lắm, vì trước mắt chúng tôi là những Xá-Lợi của bà được đựng trong những tháp khiếng nhỏ trong suốt để người ta có thể trông thấy được. Dù rõ như vậy, chúng tôi vẫn xin phép được mở nắp xem để ghi nhận sự thật hơn. Ðúng thế, màu sắc lạ lùng, xương người có thể đổi màu một cách khó hiểu! Có những lõi xương kết thành tàn ong trắng bạch thật đẹp! Màu rõ nhất là màu vàng, kế là màu xanh đậm nước biển. Ðặc biệt còn hai cái răng, màu răng lại không bị ngà đục như răng chết, mà biến thành màu trắng đục như đá sỏi. Hiện một răng để thờ ở nhà và một để ở chùa Nan-Tiên (Wollogong-NSW).
Sau khi nghe kể và nhìn tận mắt Xá-Lợi của bà, chúng tôi chợt nhớ lại tức khắc hình ảnh Xá-Lợi của các vị vãng sanh trước trong quyển sách này (hiện sách đây là phần tái bản tại Úc) đã làm cho chúng tôi phải vui mừng một sự thật vi diệu như vậy! Một sự thật mà bấy lâu người ta rất dè dặt tin nhận là thật hay giả có người vãng sanh!
Nhân đây chúng tôi xin phát ý trình bày một vài điểm cần ghi nhận mà người tu chúng ta đang theo đuổi pháp môn niệm Phật. Chúng ta tu Phật chỉ mong sao thoát khỏi luân hồi, rồi sẽ quay lại sống trong luân hồi mà tự mình không còn bị luân hồi để độ chúng sanh. Sự thoát khỏi luân hồi đó nghĩa là chứng đạo, liễu đạo, nhưng việc chứng đạo, đắc qủa không phải là chuyện thường tình có thể bàn thảo, suy luận được; cũng như ăn uống nóng lạnh ra sao, nhận biết chỉ có chánh đương sự, nếu có người thứ ba biết được thì đó phải là chư Phật, chư Bồ Tát. Cho nên lưu lại Xá-Lợi là một phương tiện nhiệm mầu để gây tín tâm cho hàng hậu học noi theo, chứ không phải hễ người nào có Xá-Lợi, người ấy mới thật vãng sanh hay chứng đạo! Ngài Ðại Thánh Mục Kiền Liên ra đi vào cõi Vô Sanh không phải tự tại như các vị chứng đạo khác, Ngài ra đi bằng sự trả nghiệp vô cùng đau đớn, thân thể dập nhừ không còn nguyên vẹn. Tuy vậy với Ngài vẫn an lạc tự tại ngay giờ phút đó. Việc này chỉ có Ðức Thế-Tôn thấy rõ sự an lạc của Ngài. Việc nữa, giả như một cư sĩ tín tâm ở Tây Tạng thực hành pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh, khi chết cũng phải theo truyền thống “điểu táng” (giải quyết xát chết bằng cách xẻ thịt cho chim ăn) thì làm sao hiện báo Xá-Lợi! Nhưng vị hành giả niệm Phật này vẫn vãng sanh về đất Phật, và việc bỏ xác kia với hình thức nào cũng là pháp hữu vi có sanh tất có diệt.
Như thế chúng ta niệm Phật phải cầu cho được giải thoát, thành đạo cứu độ chúng sanh, và việc giải thoát đó được thuận duyên nhất là cầu sanh về đất Phật A-Di-Ðà để hoàn tất sở nguyện.
Thật sự giải thoát ở ngay đời này chỉ là những giải thoát thô mà phần vi tế của phiền não vẫn còn luôn bị trói buộc. Nói vậy chúng ta vẫn phải trãi qua từng bước căn bản; trước hết giải thoát theo những gì cơ bản, tức phải tu hành giới luật theo sự lãnh thọ của mỗi người (cư sĩ và tu sĩ) rồi thì mới mong tìm được nơi giải thoát phiền não vi tế.
Niệm Phật chỉ mong cầu vãng sanh về đất Phật rồi lại độ chúng sanh là đủ, chớ không nên mong tưởng dính mắc hình ảnh sự việc nào đó, e rằng tâm tư không vững sẽ nghi ngờ pháp môn hiếm qúy này.
Ðiều nữa cũng xin thành thật chia xẻ với tất cả, Pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh có thể nói là con thuyền to lớn vững mạnh nhất, mà không một con thuyền nào so sánh được. Vì thuyền này có thể đưa người qua bờ giải thoát một cách dễ dàng, lại chẳng cần đòi hỏi người đứng chờ thuyền đủ thứ điều kiện chi. Người được lên thuyền qua sông giải thoát chỉ cần một điều kiện duy nhất là phát tâm bồ đề nhất tâm niệm Phật cầu vãng sanh. Những người như vậy không có phân biệt, có học hay không học, giỏi dở, xấu đẹp, trẻ già ra sao, chỉ cần phát tâm tha thiết là được.
Ðiều muốn nói rõ hơn ở đây là Ðới Nghiệp Vãng Sanh, nghĩa là chưa giải tỏa được nghiệp qủa của mình, mình vẫn đi vào thế giới Phật. Vậy thì rõ ràng có một Phật lực nhiếp đưa, nếu không làm sao có thể tự lực đi về thế giới Phật. Hơn nữa, có người chỉ mới vào đạo ít năm, nghiệp tịnh chưa thuần mà còn mang đầy tập khí nghiệp nhân vẫn được vãng sanh như các chuyện vãng sanh trong quyển sách này. Qúy Phật tử mới hiểu đạo Phật như cụ bà Tô-Vân-Liên mà chúng tôi vừa kể. Qúy vị tu sĩ có Thầy Sa Di Thích-Minh-Ðạt, chưa thọ Tỳ Kheo, năm tu chưa đến vài năm nhưng ra đi để lại đủ chứng tích mầu nhiệm, rằng pháp Phật không không phân biệt, không hình tướng, không giả danh, không kẹt chấp… chỉ nhất tâm chuyên tu chánh niệm thì diệu pháp sẽ hòa vào tất cả. Như thế mới thấy, Phật lực qủa nhiệm mầu.
Xét ra như thế, vậy lực nào có thể đưa họ vào thế giới hoàn toàn thanh tịnh? Chỉ có Phật lực mà thôi, ngoài Phật lực ra, tất cả chúng sanh đều theo nghiệp lực trả vay vay trả. Chúng ta hiện đang có mặt ở cõi Ta Bà là do nghiệp lực; và rồi tương lai vượt lên cảnh trời hay vào đọa xứ cũng tùy vào thiện nghiệp hay ác nghiệp mà đi. Các vị chứng đạo, nhưng chưa phải là hạng đại Bồ Tát, tuy ác nghiệp không còn, tự tại đi với thiện nghiệp, nhưng thiện nghiệp mà các vị mang đi nếu không cầu Phật lực gia bị cũng dễ tiêu hao, lý do trong một đời không thể nào tịnh sạch hết những ác nghiệp từ vô thỉ kiếp. Do đó chưa đạt được qủa chánh vị Chánh Ðẳng Chánh Giác, tất cả cần nương vào Phật lực, vậy mới dễ an định hơn.
Vậy muốn được Phật lực tiếp dẫn, hành giả niệm Phật tất phải có nguyện lực mong cầu hướng về Phật lực, như thế nghiệp lực qúa khứ không còn sức mạnh kéo lôi mà xuôi về ánh sáng thanh tịnh giải thoát.
Nguyện lực không mạnh chẳng thể chiêu cảm được Phật lực, cho nên sẽ không được tha lực nếu không có tự lực chí nguyện cầu được vãng sanh. Vậy ra tu Pháp môn niệm Phật không hoàn toàn do nhờ tha lực, mà phải dụng công tha thiết chí niệm không ngừng.
Mong rằng tất cả chúng ta chí tâm hướng về chư Phật, đồng nguyện mọi người sớm quay về con đường vắn tắt mà an toàn này.
Nam-Mô-Bổn-Sư-Thích-Ca-Mâu-Ni-Phật
Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật
Pháp-Bảo-Tự ngày 20-3-2001
Thích-Phổ-Luân
Lời thêm của Tịnh Hải
Cụ Bà Diệu Âm Tô-Vân-Liên tu theo đạo Khổng, từ 1991 bà qua Úc, đến 1997 do duyên lành bà được nghe Phật Pháp do băng giảng bằng tiếng Trung Hoa, rồi bà lại được gặp Pháp Sư Tịnh-Không. Hẳn chúng ta còn nhớ, Pháp Sư Tịnh-Không là người Ðài Loan, đi hoằng Pháp độ sanh ở nhiều nước trên thế giới. Tại Dallas, Hoa Kỳ, Pháp Sư lập ra Tịnh-Trung Học Viện. Tại đây một người Việt gốc Hoa khác tên Huỳnh-Ngọc-Tuyết được Pháp Sư thâu làm đệ tử đặt pháp danh cũng là Diệu-Âm. Giống như cụ bà Diệu-Âm Tô-Vân-Liên, bà Diệu-Âm Huỳnh-Ngọc-Tuyết cũng bị ung thư.
Có điều đáng nói, bất cứ nơi nào có mặt Pháp Sư Tịnh-Không thì nơi đó có các khóa dạy tu Tịnh-Ðộ rất nghiêm chỉnh và một Ban-Hộ-Niệm, gọi là phái đoàn, được huấn luyện phương cách hộ niệm thật đặc biệt và có kỷ cương. Ðiều nào hay của người ta nên nghiên cứu học hỏi và phát triển trong giới Phật tử Việt Nam.
Muốn giúp người tu niệm Phật vãng sanh không gì tốt hơn là mỗi chùa nên có một Ban-Hộ-Niệm thật tích cực và mọi Phật tử nên tham gia với tinh thần hăng hái. Có những trường hợp, một Phật tử đáng lẽ không được vãng sanh vì nghiệp qúa khứ qúa nặng, nhưng nhờ có Phật tử trong Ban-Hộ-Niệm mà người chết lại được đới nghiệp vãng sanh vì theo Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật (trang 36), qúy vị trong Ban-Hộ-Niệm từ chư Tăng, Ni đến bạn đồng tu, đồng học đều có thể là Thiện-Tri-Thức. Một người vào lúc lâm chung được bất cứ vị nào trong Ban-Hộ-Niệm khai thị, nhắc nhở niệm Phật và hướng dẫn niệm Phật, người chết được vãng sanh thì vị Thiện-Tri-Thức và người hộ niệm được muôn vàn công đức.
Trở lại cụ Diệu-Âm Tô-Vân-Liên. Từ khi biết pháp tu niệm Phật, bà cùng bạn đạo tổ chức tu niệm Phật tại nhà và niệm Phật theo băng “chíp” của Ðài Loan và Hồng Kông. Như chúng tôi đã viết ở lần ấn tống trước, chúng tôi muốn tổ chức sản xuất ra loại băng “chip” niệm Phật bằng tiếng Việt. Nhưng xét lại, việc này cần phải làm lâu dài, phải có tài chánh, mà chúng tôi thì đã lớn tuổi lại bịnh hoạn, e ngại nửa chừng bỏ dở mọi việc nên đành bỏ qua. Vậy mong rằng những vị nào giàu đạo-tâm và giàu hằng-sản đứng ra sản xuất rồi chia lại với giá vốn cho mọi Phật tử. Nếu hiểu được tầm quan trọng của máy “chip” thì đây là một công đức rất lớn.
Nhờ sự hiện diện của máy “chip” mà cụ Diệu-Âm niệm Phật ngày càng thêm tinh tấn và ngay khi biết mình bị ung thư, cụ càng niệm Phật ráo riết hơn vì biết chắc rằng mình sẽ chết vào một ngày không xa, nếu niệm Phật nhứt tâm sẽ được vãng sanh về cõi Phật.
Nhờ niệm Phật mà cụ không thấy đau đớn do bịnh hoạn hành xác. Lại nhờ vào niệm Phật tinh chuyên mà cụ Diệu-Âm Tô-Vân-Liên chứng nhập được Sơ-Phần-Pháp-Thân, mà nhiều lần trước chúng tôi đã dẫn chứng trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật. Cũng nhờ niệm Phật mà thâm nhập được niệm Phật Tam Muội. Tam Muội là một trong những đại định. Nhờ niệm Phật và sống trong những giờ phút an định, sắc thân phàm phu gồm xương, thịt, răng, óc, não, tim kết thành những chất cứng rắn.
Ðó là những viên Xá-Lợi mà sau lễ hỏa tang, cụ bà Diệu-Âm Tô-Vân-Liên có được (rất tiếc là khi chụp hình xá lợi của cụ bà không được sử dụng với máy chụp hình tối tân hơn, không được rọi lớn nên không thấy rõ các màu sắc đẹp.)
Tại sao trên đây chúng tôi dám nói khi chuyên tâm niệm Phật cụ bà Diệu-Âm thâm nhập được chánh định? Vì trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật nơi trang 80, Bồ Tát Quán-Thế-Âm nói: “Khi xưng niệm Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, hành giả (như cụ bà Diệu-Âm) dần dần thành tựu chánh định Như Lai…”
Chánh định cũng là Tam Muội. Những lúc cụ bà Diệu-Âm cũng như bao nhiêu vị khác trong sách này an định niệm Phật, theo Kinh, đó là danh hiệu Phật đang tuôn chảy liên miên bất tận thành một khối lưu-ly sáng rực. (xem trang 81)
Nhờ niệm Phật mà cụ Diệu-Âm không còn phiền não, sống vui vẽ với con cháu. Trước ba tuần lìa cõi này về với Phật, cụ vui vẻ đến trường dự lễ tốt nghiệp khóa tiếng Hoa của đứa cháu trai, không ai biết cụ đang bị ung thư.
Cho nên Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật nói: “Nếu tận trừ phiền não thì thân tâm vắng lặng, an nhiên, tự tại, tức đồng với chư Phật không hai không khác.” (xem trang 82)
Nếu xem kỹ Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật và suy gẫm tận tường mới thấy rõ chỗ chứng đắc vãng sanh của cụ bà Diệu-Âm Tô-Vân-Liên và những vị khác. Sự đắc qủa của cụ bà Diệu-Âm Tô-Vân-Liên chứng minh qua chuyện kể của Thầy Phổ-Huân như sau:
Khi Ban Hộ Niệm đến thăm và trợ niệm cho bà. Ðột nhiên mọi người thấy bà chấp hai tay lại, mặt mày sáng ra có vẻ thành khẩn lắm. Thấy thế mọi người đồng đứng dậy trang nghiêm niệm càng tha thiết hơn. Ðược một hồi bà để tay xuống và như nằm dưỡng tỉnh. Trong lúc bà có hành động lạ như vậy, cô Hương con gái bà nhìn thấy khuôn mặt Mẹ sáng hực ra như có ánh sáng vàng chiếu vào vậy. Sau này hỏi ra có thêm một người trong Ban Hộ Niệm cũng thấy như cô. Tất cả người còn lại thì thấy mặt bà thật tươi tỉnh. Khoảng thời điểm này mọi người đều xác nhận không có ánh sáng mặt trời chiếu vào phòng.
Trường hợp của bà Diệu-Âm Huỳnh-Ngọc-Tuyết ở Dallas cũng có ánh sáng màu vàng lúc sắp mất. Ðây là một loại ánh sáng không gây ra cái bong của người và vật.
Hôm sau, ngày 1-1-2000, các người con vẫn niệm Phật cho bà, niệm được một hồi, tự nhiên hai mắt bà mở lớn ra và trông thật sáng, bà lại nhóm người lên muốn đứng dậy! Hình như bà đã thấy điều gì! Rồi từ từ dịu người xuống, miệng vẫn động môi niệm Phật, đôi mắt cũng từ từ nhắm lại và bà ra đi trong sự trang nghiêm thanh tịnh hòa theo tiếng niệm Phật không ngừng
Cụ bà Diệu-Âm Tô-Vân-Liên thấy gì mà muốn đứng dậy và sau đó bà ra đi vĩnh viễn? Thầy Phổ-Huân tế nhị không nói rõ điều này. Nhưng trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật nói: “Lúc lâm chung cố giữ sao cho được mười niệm tiếp nối liền nhau, lập tức vào Phổ-Ðẳng Tam-Muội của đức Phật A-Di-Ðà, được Phật tiếp dẫn về Tịnh-Ðộ Tây-Phương.” (xem trang 18)
Như vậy liên tiếp trong 2 ngày được trợ niệm và chính cụ bà Diệu-Âm Tô-Vân-Liên đã giữ được nhiều lần của mười niệm nối liền nhau; nên cuối cùng cụ thấy… vụt muốn đứng lên, và kế đó cụ về cõi Phật. Cụ Diệu-Âm đã thấy gì? Có phải cụ thấy Phật và Thánh Chúng đến rước?
Trường hợp của cụ giống như trường hợp của cư sĩ Thiện-Bửu được kể trong sách này: “Giữa trưa 24-10-2000, lúc cả nhà đang hộ niệm, Thiện-Bửu ngừng niệm Phật, ngước mắt nhìn lên như thấy một điều gì. Rồi chẳng bao lâu, Thiện-Bửu ra đi vĩnh viễn.”
Những vị tu niệm Phật chứng đắc vãng sanh thường có những điều huyền diệu đôi khi giống nhau và đôi khi khác nhau. Như cô con gái tên Hương, con của cụ Tô-Vân-Liên, lúc gần nửa đêm sau khi cụ mất thoáng nghe một loại âm nhạc lạ lùng khiến tâm thần cô sảng khoái và chỉ có một mình cô nghe. Còn các cô con gái khác của bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết thì ngửi thấy một mùi hương thơm và nhiều người ngửi thấy được, nhưng mỗi người ngửi thấy một mùi khác nhau. Còn cô con gái anh Ðồng-Hưng ở Virginia tên Thu-Vân ngửi thấy một mùi hương lúc anh vừa tắt thở.
Ôi! Thật là huyền diệu!


Trích trong sách “Những Chuyện Vãng Sanh Lưu Xá Lợi” của Cư Sĩ Tịnh Hải.

No comments: