NHÂM-NGỌC-HỰU
Thị tịch rạng ngày 10-12-1997
Từ Ân, có nghĩa là cái “Ân” của long “Từ”, là ngôi chùa “đơn côi, bất hạnh” ở vùng Ottawa, Canada. Chùa đã có, nhưng không đủ phước duyên để nghinh tiếp một vị Sư trụ trì. Chùa cần có người trông lo Kinh kệ và làm lễ cầu siêu cho những vong linh qúa cố của chúng Phật tử.
Thu đi rồi đông tới, Người ta nói vắng lạnh như chùa Bà Ðanh. Chùa Từ-Ân tuy lạnh vào mùa đông, nhưng không vắng lạnh như chùa Bà Ðanh, vì năm ấy 1997, Thầy Minh-Ðạt chấp nhận đáp ứng sự mong chờ của chúng Phật tử Ottawa.
Thầy Thích-Minh-Ðạt chỉ là Sa-Di, chưa thọ giới Tỳ Kheo, theo giới luật nhà Phật thì phải gọi là “Chú”, chú Sa-Di Minh-Ðạt. Nhưng Phật tử chùa Từ-Ân biết rằng các pháp chỉ là giả danh. Tỳ Kheo, Ðại Ðức, Thượng Tọa hay Sa Di, tất cả chỉ là danh tự. Danh tự chỉ là tên đặt ra để gọi, nên là giả danh. Kinh Ðại-Bát-Nhã đã dạy như vậy. Ðiều quan trọng là vị trụ trì phải có tâm tu và thực tâm hoàn thành vai trò của người xuất gia: lãnh đạo tinh thần của Từ-Ân Tự, giảng dạy Kinh điển.
Thầy Thích-Minh-Ðạt có đủ điều kiện này. Thầy đến chùa Từ-Ân như mang hơi nóng đến sưởi ấm lòng Phật tử vào mùa đông Canada lạnh lẽo.
Thầy Thích Minh-Ðạt đến chùa Từ-Ân với ước mong hướng dẫn cho Phật tử: “Phước Huệ song tu và Tịnh nguyện cầu vãng sanh Cực-Lạc.”
Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, tức Pháp tu Niệm Phật thành Phật, Ðức Phật dạy: “Tất cà các loài chúng sanh chết ở nơi đây, rồi sanh sang nơi kia, sống chết nối nhau không dứt. Mỗi khi sắp mạng chung thì các loại nghiệp lành dữ trong một đời hiện ra rõ ràng. Chúng sanh nào sống thuần bằng tư tưởng , thì bay lên hóa sanh, nơi các cõi Trời. Nếu trong sự thuần tưởng, lại gôm cả Phước Huệ và Tịnh Nguyện thì tự nhiên tâm trí khai mở thấy mười phương chư Phật, tùy theo nguyện lực của mình mà sanh về Tịnh-Ðộ” (trang15)
Tuy là Sa-Di, nhưng là một cựu sĩ quan Quân đội VNCH cấp bực Trung Tá, Ngài có đủ trí tuệ căn bản để tự học Kinh điển, và nhờ học Thiền nhiều năm nên có được định căn bản. Chúng tôi gọi là Thầy Thích-Minh-Ðạt bằng danh xưng tôn vinh “Ngài”, vì Thầy đã chứng đạo xứng đánh được gọi như vậy.
Quan điểm của chúng tôi tương đồng với quí vị Phật tử ở Ottawa. Chức vị không quan trọng, điều cần thiết là người đã xuất gia có chịu thực sự tu hành hay không mà thôi Ðức Phật nói trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật: (trang 17)
“Bất cứ Thiện-Nam-Tử, Thiện-Nữ-Nhân nào đủ lòng tin thì chỉ cần chuyên nhứt xưng niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, suốt cả sáu thời trong ngày và giữ trọn đời không thay đổi, thì hiện tiền chiêu cảm được y báo, và chánh báo của Phật A-Di-Ðà ở cõi Cực-Lạc. Lúc lâm chung cố giữ sao cho đươọc mười niệm tiếp nối nhau, lập tức vào Phổ-Ðẳng-Tam-Muội của Ðức A-Di-Ðà được Phật tiếp dẫn về Tịnh Ðộ Tây Phương. Vĩnh viễn xa lìa các đường ác, không còn luân hồi sinh tử. Ðó gọi là quả vị Bất-Thối-Chuyển. Từ ấy nhẫn về sau, vượt qua Thập Ðịa, chứng Vô-Thượng-Giác.
Trong bài Tưởng Niệm Thầy Minh-Ðạt, Phật tử Quảng Trí thuật lại khóa lễ đầu tiên khi Thầy Minh-Ðạt được Ban Trị Sự giới thiệu Thầy với Phật tử, Thầy nói:
“Tôi nguyên là người lính trong quân đội VNCH, câp bậc sau cùng là Trung Tá trong ngành quân nhu. Biến cố 30-40-1975, tôi di tản sang mỹ sống đời tạm dung hơn 20 năm, giờ đây các con tôi đã trưởng thành, tôi xuất gia nương cửa Phật để tu hành đã hơn 1 năm qua. Chúng ta, hôm nay tụ hội về đây đều là anh em cùng một cha. Ðó là đấng Từ Phụ Thích-Ca-Mâu-Ni-Phật. Xin quí vị hãy tinh tấn tu học, hành trì giáo pháp của chư Phật để cầu vãng sanh, đạt giải thoát ngay trong hiện kiếp này. Chúng ta không chờ một sự cứu rỗi nào từ bên ngoài. Chính chúng ta quyết định đời sống tâm linh của chúng ta.”
Với những lời ngắn, nhưng đủ chứng minh tinh thần quyết tâm tu, đạt giải thoát ngay trong hiện kiếp. Và trong một đoạn khác của bài Tưởng Niệm, viết:
Theo lời bác Từ Trang, người thân cận nhứt với Thầy trong thời gian lưu trú tại chùa Từ-Ân: mỗi ngày, từ khuya, Thầy đã thức dậy lễ Phật, tụng Thần Chú Lăng Nghiêm, tọa Thiền, thiền hành. Trong ngày thường chăm chú vào việc học hỏi Kinh điển. Hầu như hàng ngày “trú dạ lục thời” Thầy không giải đãi thiếu sót tụng niệm.
Thầy Thích-Minh-Ðạt đã tự tu, tự độ như thế, nhưng vẫn không kém tự tha. Trong hơn hai tháng lưu trú tại chùa Từ-Ân, Thầy đã tụng Kinh, niệmPhật và cầu siêu đột ít nhứt 3 vị tại Ottawa, 1 tại Montreal. Phật tử tại Ottawa kháo nhau: “Nếu cần một vị tăng có giới đức thanh tịnh thì mời Thầy Thích-Minh-Ðạt, còn nếu cần một vị Sư biết rập rềnh tang dẩu, tán tụng cho hay cái lỗ tai, múa may ấn quyết cho đẹp mắt thì thầy không có mấy thứ đó.” Ðặc biệt, Thầy không lấy tiền cúng dường của Phật tử.
Trong cơn bịnh hoạn nguy cấp, Thầy Minh-Ðạt không từ chối việc hộ niệm cho người Phật tử sau cùng của Thầy là bà Bích-Hằng. Dù lúc ấy sức khỏe rất yếu mà Thầy không từ bỏ một khoá lễ nào. Lễ xong Thầy đi bác sĩ, ở phòng mạch ra Thầy đi thẳng tới nhà quàn để kịp khóa lễ. Thầy lo độ cho người vừa chết, giúp cho hương linh được siêu thoát. Mỗi câu tụng là một cơn ho, nhưng Thầy lấy việc độ tha để trang nghiêm cho hạnh Bồ-Tát của Thầy. Thầy Minh-Ðạt độ người nên Phật độ Thầy.
Sau lễ hỏa tang cho bà Bích-Hằng, Thầy phải vào ngay bịnh viện. Rồi từ bịnh viện về chùa, Thầy lại lên chánh điện chủ lễ tụng niệm ngay. Thầy đã viết trên tấm bảng con treo trong phòng để tự nhắc nhở mình.
“Phải tinh tấn hôm nay
Kẻo ngày mai không kịp
Cái chết đến bất ngờ
Không thể nào mặc cả”
Ðúng! Cái chết đến bất ngờ không thể nào mặc cả. Thầy đã tinh tấn lo hôm nay kẻo ngày mai không kịp. Thầy đã tự độ và độ tha không ngừng nghỉ, không ngại mệt mỏi.
Ðêm rạng ngày 10-12-1997. Thầy đi về cõi Phật, đắc Vô Sanh Pháp nhẫn được qủa Bất-Thối-Chuyển theo như trong Kinh, Ðức Phật nói. Cái chết của Thầy làm bất ngờ mọi người. Nhưng Thầy thì ra đi an nhiên tự tại.
Phật tử Chánh-Tâm-Hải viết: Như thường lệ, sau khi ăn Thầy vào phòng nằm nghỉ. Ông Triệu về, đạo hữu Như-Hoa đến lúc 7 giờ tối, cửa phòng còn đóng, cô không dám gõ cửa, để Thầy nghĩ. Ðến 12 giờ khuya, khi thức giấc thấy đèn còn sáng, bác Trang mở cửa vào. Than ôi! Thầy đã ngủ, hai mắt nhắm, hai tay chắp vào nhau để trên bụng trong tư thế thật an nhiên tự tại. Thầy đã mãn nguyện!
Sa Di Thích-Minh-Ðạt đến nhận chức trụ trì ngày 23-9-1997 và mất rạng sáng ngày 10-12-1997. Thời gian thật ngắn ngủi. Thầy thường nói: “chỉ tiếc là tôi chưa làm gì được cho chùa Từ-Ân.”
Phật tử chùa Từ-Ân đã trả lời câu nói của Thầy, được đăng trong Ðặc San Ðặc Biệt phát hành vào dịp Lễ Bách Nhật 15-3-1998 rằng: “Thầy đã để lại cho chùa Từ-Ân một bảo vật vô giá là những viên Xá-Lợi nhiều màu mà mọi người đang kính cẩn chiêm ngưỡng. Cũng từ đây, chùa Từ-Ân có cái phúc, bởi vì, sẽ là nơi được nhiều người biết, khi đến chiêm ngưỡng Xá-Lợi hay đến chiêm ngưỡng đức độ của Thầy và lấy đó để làm gương tu học.
Cũng với lời Thầy Minh-Ðạt nói: “chỉ tiếc là tôi chưa làm gì được cho chùa Từ-Ân,” ÐạI Ðức Thích-Ðức-Viên viết “Ðôi Hàng Thành Kính Cảm Niệm Nhân Dự Lễ 49 Ngày Qúa Vãng của Thầy Thích-Minh-Ðạt” như sau:
“Quãng đời xuất gia của Thầy Thích-Minh-Ðạt mà tôi có duyên may được gần gũi khiến tôi liên tưởng tới chuyện “Thoát Vòng Tục Lụy”, do Hòa Thượng Thích-Quảng-Ðộ dịch, tả về vị Quốc Sư Ngọc-Lâm.
Khi còn trẻ được viên tể tướng mời vào dinh dự lễ đã bị cô hầu Thúy-Ngọc không cho vào, chỉ vì Quốc Sư không có tướng Quốc Sư như cách nhìn của cô hầu…
Khi Quốc Sư về già, lọm khọm bên sân tại một ngôi chùa cổ hoang tàn. Ngài xin tá túc với tâm nguyện dùng hơi thở cuối cùng của mình hiến dâng cho Phật pháp. Không ngờ vị Tri Khách lo sợ, tìm mọi cách khước từ: “Nếu Sư Phụ không may mệnh hệ, chúng tôi không lo nổi!”
Nhà Sư nói: “Tôi còn chiếc quạt và hai phong thư có thể bù đắp cho quí tự…”
Ai ngờ! Vài ngày sau, vị Quốc Sư viên tịch. Triều đình cho cử hành lễ Quốc Táng, và cho xây dựng lại một ngôi chùa khang trang.
Bồ Tát Thích-Minh-Ðạt đã để lại cho chùa Từ-Ân những viên Xá-Lợi giá trị. Thầy Ðức-Viên nói: “Hy vọng những viên ngọc Xá-Lợi của Thầy là những tia sáng khai tâm cho hang tại gia lẫn xuất gia.” Bởi theo “thói thường” thiên hạ thường dung cảm quan và sự hiểu biết chật hẹp của mình làm thước đo để đánh giá người khác. Tu hành… không phải để đếm tuổi hạ. Không ai ngờ vị sư già Sa Di, tướng cục mịch tu chưa đầy tuổi hạ mà trong nhục thân có chứa Xá-Lợi của bực Bồ-Tát.
Thầy Minh-Ðạt đã dùng cái “Ân” của lòng “Từ” để lại cho chùa Từ-Ân những gì đáng giá hơn mọi người tưởng.
Thật ra chẳng phải chỉ thuần do công tu của những ngày xuất gia mà Thầy Minh-Ðạt được như vậy, mà do cái nhân thiện căn, thiện nghiệp của Thầy đã gieo trồng từ kiếp qúa khứ; kiếp này Thầy lại vun bón, tưới nước thêm, đủ duyên nên kết trái. Chúng ta không phải là bực Thánh nhơn nên không nhìn thấy căn lành ấy.
Bây giờ câu nói của Thầy Minh-Ðạt trở thành lời vàng. Một Phật tử chùa Từ-Ân, ông Tuệ-Ðạt Nguyễn-Bá-Triệu đã đem lời khuyên của Thầy Thích-Minh-Ðạt dùng làm phương châm xử thế như sau: “Ai mắng chửi, nguyền rủa anh, anh đừng giận. Anh hãy thành tâm niệm Phật và tôn người ấy làm sư phụ vì chính người ấy đã dạy anh một bài học nhẫn nhục.”
Thật sự, Thầy Minh-Ðạt đạt được sự chứng ngộ nhờ vào bài học “nhẫn nhục”. Khởi đầu, Thầy đến một ngôi chùa ở bên Pháp xin xuất gia. Vị Hòa Thượng chấp nhận đặt pháp danh là Minh-Trí. Nhưng sau đó một số tu sĩ lân cận Hòa Thượng, chê Thầy tướng già, tướng cục mịch, không có giọng tụng kinh tốt, cản trở không để Thầy thọ giới Tỳ Kheo.
Thầy Minh-Trí lặng lẽ ra đi, tìm đến một vị Thiền Sư, nhưng vị này chỉ thu nhận với điều kiện, nếu có sự giới thiệu của Hòa Thượng. Muốn tiếp tục tu và đạt thành chánh qủa, Thầy Minh-Trí phải học tu nhẫn nhục. Trong nhà Phật, những người gây chướng duyên cho người khác có khi được coi là chứng duyên Bồ-Tát.
Như Ðề-Bà-Ðạt-Ða luôn luôn phá hoại Phật Pháp, làm hại Ðức Phật, nhưng Ðức Phật vẫn thọ ký cho Ðề-Bà-Ðạt-Ða sẽ thành Phật. Nếu người tu hành được gặp may mắn luôn thì làm sao học tập nhẫn nhục, tinh tấn để diệt cái ngã của mình? Nếu những ngày gặp khó khăn, Thầy Minh-Trí thoái Bồ-Ðề Tâm thì làm sao có thành qủa của ngày hôm nay! Có lẽ trên đường tu Thầy Minh-Trí đã âm thầm cám ơn những chướng duyên Bồ-Tát kia. BởI vậy mọi việc chỉ nên nói tới đây.
Từ ngày lìa Âu Châu, Pháp danh Minh-Trí được đổi là Minh-Ðạt. Minh là quang minh, tức hào quang sáng chói; còn Ðạt là chứng đắc qủa. Thường thì danh hiệu cũng ảnh hưởng đến sự nghiệp của một người, dù là sự nghiệp tu hành. Tất cả đều do nhơn và duyên, và cuối cùng là qủa.
Thầy Minh-Ðạt tiền kiếp đã tu và hiện kiếp Thầy tên Nhâm-Ngọc-Hựu, từ hai mươi tuổi đã biết thương người. Nhơn thời kháng chiến chống Pháp, một người bạn bị Tây bắn chết không quần áo chôn, Hựu đã lột quần áo cho bạn. Lớn lên Hựu đi lính, làm sĩ quan quân nhu, nơi đơn vị mà bao sĩ quan quân nhu khác làm giàu còn Hựu thì liêm khiết trong sạch, sẵn sang giúp đỡ cho binh sĩ trực thuộc và bạn nghèo. Lúc Sài Gòn sắp mất, Hựu cõng cha bị tê liệt chạy xuống tàu ra khơi theo làn song người lưu vong. Ở hải ngoại, nuôi nấng cho bảy đứa con trưởng thành, Hựu xuất gia để tự giải thoát. Có người xuất gia tu Thiền chủ trương không tụng kinh, không cầu siêu cầu an cho bá tánh; còn Hựu tức Thầy Minh-Ðạt vì bá tánh quên mình, trong cơn bịnh hoạn không cần lo sự sống chết của chính bản thân mình, mà lo đi hộ niệm cho người sắp lâm chung. Hành động đó là hành động của bực Bồ-Tát; đó là Bồ-Tát Hạnh vậy. Một bực tu như vậy, ắt là phải đắc qủa.
Thầy Minh-Ðạt kiếp này đầy đủ tứ ân. Ði quân đội là đền ơn Ðất Nước; khi cõng cha lưu vong là đền ơn Cha Mẹ; lúc xuất gia là đền ơn Tam Bảo; lo hộ niệm cứu khổ chúng sanh là đền ơn Ðồng Bào. Làm quân nhu không tham lam; đi tu bị từ chối thọ giới Tỳ Kheo mà không giận là không sân; xuất gia để tự giải thoát là không si, lại thêm đầy đủ bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ.
Tóm lại Thầy Thích-Minh-Ðạt có đầy đủ Thiền Tịnh Song Tu, đủ Tứ Ân và Sáu Ba-La-Mật, dứt được Tham-Sân-Si, cho nên dù tuổi hạ ít mà Thầy vẫn đạt đạo. Theo chúng tôi, sau khi lâm chung Thầy lưu lại Xá-Lợi là lẽ đương nhiên.
Trong “lời nói đầu” của tác phẩm “Từ Người Lên Phật” do chính tay Thầy Minh-Ðạt viết, Thầy có trích lời khuyên dân Kalamas rằng: “Chúng ta hãy dùng trí tuệ như một ống thí nghiệm để soi nhìn nơi ta còn tham lam sân hận không? Khi tham lam sân hận không còn trong tâm ta thì niềm an lạc hạnh phúc hiện bày.”
Chính Thầy Minh-Ðạt không còn tham lam sân hận nên Thầy được an lạc hạnh phúc và tự tại khi ra đi vĩnh viễn. Ðúng như lời Phật dạy. Ðây chính là Niết-Bàn tại thế.
Bây giờ nói về Xá-Lợi của Thầy Thích-Minh-Ðạt. Xin hãy đọc bài của ông Chánh-Tâm-Hải, một Phật tử của chùa Từ-Ân và cũng là người tìm thấy Xá-Lợi đầu tiên:
“Sau lễ Tỳ Trà, con và anh Nhâm-Trung-Quang, con trưởng nam của Thầy đến nơi hỏa tang lúc 12 giờ 10 để nhận tro mang về chùa. Nơi đây, bác sĩ Lý-Văn-Kim (rể của Thầy Minh-Ðạt, đang ngụ tại New York) cho biết khi hỏa tang, nhìn vào lò thiêu thấy Thầy nàm trong tư thế giang hai tay ra hai bên, một hiện tượng rất lạ mà người phụ trách hỏa thiêu chưa bao giờ thấy. Trước khi tro cốt màu trắng của Thầy được đưa sang máy nghiền, chúng con và nhân viên phụ trách cẩn thận nhặt hết những mãnh sắt vụn và than đen còn lẫn lộn trong đó. Con khấn thầm trong bụng mong Thầy cho con thấy sự mầu nhiệm. Con rất vui mừng là người đầu tiên phát hiện một viên ngọc quí màu xanh, sau đó anh Quang và Kim cũng phát hiện những miếng than xương hình thù khác nhau, to nhỏ đủ cỡ và đặc biệt nhiều màu khác nhau đủ cả xanh, tím, vàng, và hồng, đỏ. v.v… Hết đỗi vui mừng trước sự kiện lạ này, tin vui được báo về chùa, gia đình và Phật tử rủ nhau xuống nơi hỏa tang để được chứng kiến hiện tượng lạ.”
Hiện nay tất cả những đốt than xương có hình thù đặc biệt và mang nhiều màu sắc và tro cốt của Thầy Minh-Ðạt được thờ tại chùa Từ-Ân. Sau khi được Tăng đoàn xác nhận đó là Xá-Lợi của một vị tu hành đắc qủa. Ngoài Tăng đoàn Việt Nam (trong số này có cả Thượng Tọa Thích-Như-Ðiển ở Ðức mà chúng tôi biết tiếng và tin tưởng ở đức hạnh) còn có quí sư Tây Tạng chiêm ngưỡng và công nhận Xá-Lợi của Thầy Minh-Ðạt.
No comments:
Post a Comment