Thursday

Xa Loi cua ba Dieu Hung


XÁ LỢI BÀ DIỆU-HƯNG
NGUYỄN-THỊ-TÂN
Vãng sanh ngày 29-7-1999

Nữ Cư Sĩ Diệu-Hưng, thế danh Nguyễn-Thị-Tân, quê tại Trà-Vinh. Năm 24 tuổi chồng mất, trong khi đứa con trai duy nhất vừa mới sanh 10 tháng, bà ở vậy nuôi con suốt 54 năm.
Bà quy y năm 40 tuổi và đã thọ Bồ Tát giới tại gia. Trước kia bà ăn chay 1 tháng 10 ngày và 20 năm trở lại đây bà ăn chay trường. Bà thường đi chùa và thích làm Phật sự cùng các việc phước đức như giúp chùa, giúp Tăng Ni và giúp trẻ em mồ côi.
Hồi ở Sài Gòn, bà thường đi chùa Ấn Quang, nhưng cũng thường đến cúng dường các chùa khác trong đó có chùa Huệ-Nghiêm.
Khi qua Mỹ vào năm 1991, bà may mắn gặp Thầy Thích-Trí-Tuệ tại chùa Vạn-Hạnh, là vị Sư mà bà từng quen biết ở chùa Huệ-Nghiêm. Nhưng Chùa Vạn-Hạnh lại xa nhà, vì vậy mà bà thường đi Chùa Vạn-Phước của Thầy Thích-Vân-Ðàm. Sau này Chùa Vạn-Phước đổi lại thành Tu Viện Pháp-Vương. Nhà Phật nói tất cả đều tùy duyên và điều quan trọng là tu như thế nào đạt ngộ, lâm chung lưu lại Xá-Lợi!
Thiên hạ có mấy chục triệu người tu, tại sao chỉ riêng có một số ít người có Xá-Lợi, như là bà Diệu-Hưng? Xá-Lợi là gì? Do đâu có Xá-Lợi?
Ðại sư Tuyên-Hóa nói: “Xá-Lợi có được là do con người tu hành nghiêm trì giới luật không sát sanh, không trộm cắp, chủ yếu là không tà dâm. Không tà dâm thì bảo bối nơi thân mình không bị tiêu hao mất. Bảo bối này tôi tin rằng qúi vị đều biết rõ; bởi vậy trọng yếu là sự trì giới luật. Căn bản sanh mạng chúng ta là vật gì? Nếu qúi bạn giữ giới không tà dâm thì tự nhiên qúi vị sẽ có Xá-Lợi quang minh xán lạn, kiên cố hơn cả kim cương.”
Theo chúng tôi không phải tuyệt đối đều như vậy hết, vì Sa Di Thích-Minh-Ðạt, bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết đều lập gia đình và có Xá-Lợi. Nhưng trên căn bản thì Ðại Sư Tuyên-Hóa nói không sai. Người không tà dâm thì bảo bối nơi mình không bị hao.
Chúng tôi nêu ra sự kiện này để nhắc qúi vị nhớ một điều, bà Diệu-Hưng vừa lập gia đình thì chồng chết lúc mới 24 tuổi và bà ở vậy nuôi con cho đến lúc lìa đời. Bà đã xa lìa dục ái từ hồi còn trẻ. Bà chuyên niệm Phật và trì tụng Thần Chú như Sư Bà Ðàm Lựu.
Ðây là điều tốt cho bà trên bước đường tu. Người đời không hiểu cho rằng không chồng là bất hạnh, nhưng với người tu, đó là cái duyên của sự tu hành. Không ai có thể nói trước sự tốt xấu, may rủi của một người.
Trong quyển Ðường Mây Trong Cõi Mộng, Ðại Sư Hám-Sơn nói nơi phần Khai Thị từ trang 321, rằng: “Pháp môn Niệm Phật cầu vãng sanh cõi Tây Phương Cực-Lạc, vốn là đại sự cắt đứt dòng sanh tử.” Vì vậy bảo rằng chỉ cần xưng niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật là có thể cắt đứt sanh tử. Do đó, ngày nay mới phát tâm niệm Phật.
Song, nếu không biết cội gốc của sanh tử, mà cứ niệm Phật mãi thì cuối cùng sẽ đi về đâu? Nếu Niệm Phật mà không đoạn được cội gốc của sanh tử thì làm sao cắt đứt dòng sanh tử. Cội gốc của sanh tử là gì?
Cổ nhân nói: “Nghiệp bất trọng bất sanh ta bà. Ái bất đoạn bất sanh Tịnh Ðộ.” Thế nên biết rõ, ái dục là cội gốc của sanh tử…
Ngày nay suy nghĩ nhìn lại, xem coi lúc nào có một niệm tạm rời cội gốc ái dục này đâu! Hạt giống ái căn, bao kiếp tích lũy sâu dày, nên khiến sanh tử không cùng tận. Hiện tại, vừa phát tâm niệm Phật, nếu chỉ vọng cầu sanh Tây Phương, mà danh tự ái dục (tức cội gốc của sanh tử) lại không biết đến, thì khi nào mới niệm đoạn được nó? Không biết cội gốc của sanh tử, nên một bên niệm Phật, một bên cội gốc của sanh tử lại tăng trưởng nhiều hơn. Cả hai việc niệm Phật và cội gốc sanh tử chẳng quan hệ với nhau. Dẫu niệm cách nào đi nữa, đến khi lâm chung qúi vị chỉ thấy sanh tử ái căn hiện tiền. Khi đó lại cho rằng Phật không có thần lực, nên liền oán trách niệm Phật không linh nghiệm, dẫu sau này có hối hận cũng không kịp.
Vì vậy, khuyên người niệm Phật, đầu tiên phải biết ái dục là cội gốc của sanh tử. Ngày nay dốc lòng niệm Phật, thì niệm niệm phải đoạn ái căn này.
Ái thuộc về luyến ái, tham ái. Dục tức là tình dục. Ái là thương yêu, là thích về tình dục. Bà Diệu-Hưng mất chồng lúc 24 tuổi, bà quyết ở vậy nuôi con. Do đó những ái dục trong ái căn của bà lần lần tuyệt dứt, nên khi bà quyết tâm và chí thành niệm Phật, thì bà dễ thành công hơn người còn dính líu ái dục.
Cho nên đối với người còn nặng về chồng hay vợ, Ðại Sư Hám-Sơn nói: “Lúc cảnh tình của vợ chồng hiển hiện, phải xoay nhìn vào tâm. Một danh hiệu Phật có thể đối địch với ái dục, thì sẽ cắt đoạn được ái căn.”
Vậy cái gì là “cội gốc của sanh tử?” Ðại sư Hám-Sơn nói: “Tức là tham đắm hưởng thọ vật chất trên thế gian, cùng sắc đẹp, lời hay, vị ngọt, khẩu nồng. Tất cả đều là gốc khổ.”
“Ái bất đoạn bất sanh Tịnh Ðộ!” Ái mà không đoạn dứt làm sao sanh về Tịnh-Ðộ? Nhờ ở góa nuôi con trong suốt 55 năm trường cho đến lúc lâm chung, nên bà Diệu-Hưng đã diệt được ái dục; do không còn tham luyến ái dục mà tự nhiên bà cắt đoạn được cội gốc của sanh tử. Lại nữa bà Diệu-Hưng chuyên tu Tịnh-Ðộ suốt bốn mươi năm ròng, lúc nào miệng cũng niệm Phật. Ðứa con dâu duy nhứt của bà, mà bà xem như con ruột và đứa cháu trai đã trên 20 tuổi, khi bà Nội đau, đêm đêm ngủ trong phòng để tiện săn sóc cho bà, tất cả đều nói với chúng tôi rằng: Bà Diệu-Hưng lúc quét rác cũng niệm Phật, hốt lá, xới đất trồng rau cũng niệm Phật. Nhớ con bà cũng niệm Phật.
Năm 1981, theo lời Mẹ, con trai bà trốn thoát qua Mỹ, bà ở lại Việt Nam thêm mười một năm. Ðây là mười một năm thương nhớ con trai cùng đùm bọc sống với con dâu và cháu nội. Bà Diệu-Hưng đã biến niềm thương nhớ thành câu niệm Phật. Càng nhớ thiết tha, bà càng niệm Phật tha thiết và chí thành.
Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, Ðức Phật nói: Nếu có chúng sanh nào chí thành xưng niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, thì uy lực bất khả tư nghị của danh hiệu khiến cho Tâm thể thanh tịnh mà chúng sinh ấy không hề hay biết, tự nhiên chứng nhập Sơ Phần Pháp Thân, âm thầm ứng hợp vớI Bi Trí Trang Nghiêm của Phật.
Ðây là giai đoạn bà Diệu-Hưng âm thầm chứng nhập Sơ Phần Pháp Thân mà bà không hề hay biết, vì nhờ chí thành niệm Phật khiến cho Tâm thể được thanh tịnh.
Cũng trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật trang 92, ÐạI Bồ Tát Quán-Thế-Âm nói: “Bất cứ chúng sinh nào, hễ nhứt tâm xưng niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, dù chỉ một câu duy nhất, thì sẽ xuất sinh những năng lực bất tư nghị.” Nơi đây Ngài Quán-Thế-Âm nói bất cứ ai nhứt tâm, như bà Diệu Hưng, dù chỉ xưng niệm danh hiệu Phật một câu duy nhứt, thì sẽ xuất sinh những năng lực bất khả tư nghị.
Tại sao vậy? Vì danh hiệu Phật có khả năng bất tư nghị, nên người nhứt tâm xưng niệm Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật như bà Diệu-Hưng, dù chỉ một câu thôi cũng sẽ có nhiều diệu dụng, trong đó có năng lực cải biến Ta-Bà thành cõi Cực-Lạc.
Cũng trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật trang 69, Phổ-Hiền Ðại Bồ-Tát nói: “Danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật như chiếc xe khổng lồ, vì có thể chuyển vận hết thảy Bồ Tát Sơ-Phát-Tâm nhanh chóng tới Phật địa.” Bà Diệu-Hưng cũng là một Bồ Tát Sơ-Phát-Tâm nên được chiếc xe khổng lồ đưa tới Phật địa nhờ nhứt tâm và chí thành xưng niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật.
Bà Diệu-Hưng đã được các ưu điểm như:
1. Diệt được ái dục tức diệt trừ cộI gốc của sanh tử.
2. Nhứt tâm và chí thành xưng niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật.
Giai đoạn đầu Bồ Tát Sơ-Phát-Tâm Diệu-Hưng chứng nhập Sơ Phần Pháp-Thân tức Sơ-Ðịa Bồ Tát hay Hoan-Hỷ Ðịa Bồ Tát. Và trong mười năm xa cách bên này Việt Nam, bên kia xa xôi là nước Hoa Kỳ, niềm nhớ thương dệt bằng danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, lâu ngày kết thành thân kim cương, một khối lưu ly cứng chắc vô biên.
Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật trang 106, Bồ Tát Quán-Thế-Âm nói: “Bất cứ chúng sanh nào phục sức thân tâm bằng danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật sẽ đắc những năng lực giải thoát không thề nghĩ bàn.” Bồ Tát Sơ-Phát-Tâm Diệu-Hưng lúc nào cũng nhứt tâm niệm Phật tức là đã phục sức thân và tâm bằng danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, đắc những năng lực giải thoát không thể nghĩ bàn, cho nên Bồ Tát Sơ-Phát-Tâm Diệu-Hưng đã vượt thoát khỏi Tam giới ở cõi này mà đến cõi Cực-Lạc Tịnh-Ðộ.
Mười năm xa con, mười năm thương nhớ, mười năm niệm Phật, biến nhớ thương thành xâu chuỗi niệm Phật dài đăng đẳng, thành một dòng tâm luân chuyển khắp thân tâm, ăn sâu vào trong xương tủy chỗ nào cũng là danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật.
Ðiều này, Ngài Quán-Thế-Âm có nói nơi trang 88: “Tiếp tục xưng niệm Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật như thế, hành giả không phóng tâm theo huyễn cảnh, huyễn sự, mà hướng cái biết vào Viên-Giác-Tánh. Ðó là danh hiệu Phật tuôn chảy liên miên bất tận thành một khối lưu ly sáng rực, vằng vặc. Mà mỗi mỗi sát na đều hiển lộ Như-Lai-Tạng… Danh hiệu Phật vẫn tương tục không gián đoạn, hòa tan căn trần-thức đều nhập vào Viên-Giác-Tánh bình đẳng bất động, thường trụ như hư không và tròn đầy chiếu suốt mười phương.”
Trên đây Ðức Quán-Thế-Âm có nói về Như-Lai-Tạng và Viên-Giác-Tánh. Tạng có nghĩa là cái kho. Khi cái kho của một chúng sanh còn chứa đủ thứ tốt xấu, phiền não và phân biệt của tâm thức thì gọi là Tạng thức hay Tàng thức. Và khi cái kho được lọc sạch phiền não và chỉ còn chứa sự nhứt tâm niệm Phật thì Như-Lai-Tạng hiển lộ. Cho nên Ngài Quán-Thế-Âm nói: “Danh hiệu Phật tuôn chảy liên miên bất tận thành một khối lưu ly sáng rực, vằng vặc, mà mỗi mỗi sát na đều hiển lộ Như-Lai-Tạng.” mỗi sát na có nghĩa là mỗi tích tắc. Khi phiền não ở trong Tạng thức lần lần sạch, thì Chơn Như trong Như-Lai-Tạng hiển lộ. Mà, Chơn Như tức là Pháp Thân.
Theo Từ-Ðiển Phật Học Hán Việt thì Như-Lai-Tạng là cái Nhơn, mà Viên-Giác-Tánh là cái Qủa. Viên-Giác-Tánh có nghĩa là cái Tánh Giác Viên Mãn, cũng được gọI là Phật-Tánh hay Pháp-Thân.
Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật trang 102 nói: “Bất cứ chúng sanh nào chuyên tâm trì niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, dẫu chỉ một ngày cho tới bảy ngày, hoặc nhiều lần của bảy ngày, thì cảm ứng những năng lực Tổng Trì không thể nghĩ bàn.” Bồ Tát Sơ-Phát-Tâm Diệu-Hưng đã chuyên tâm trì niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật cho nên đã chứng nhập Sơ-Phần-Pháp-Thân-Phật; căn trần thức đều hòa tan và nhập vào Viên-Giác-Tánh tức Pháp-Thân.
Ðó là giai đoạn bà còn ở tại quê nhà. Rồi bà Diệu-Hưng đến Mỹ đoàn tụ với gia đình. Bà tiếp tục xưng niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, bà đi Chùa lễ Phật và làm các công đức khác them tám năm nữa, nhưng lúc nào lòng cũng tin tưởng Phật và vui vẻ niệm Phật. Thật ra không ai dám nói bà Diệu-Hưng đạt đến qủa nào? Nhưng trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật trang 111, Bồ Tát Quán-Thế-Âm nói: “Bất cứ chúng sanh nào thậm thâm tin hiểu hoan hỷ thọ trì danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật hoặc một ngày hoặc bảy ngày, cho tới nhiều lần của bảy ngày, thì sẽ đắc mười pháp quyết định bất khả tư nghị.”
Bồ Tát Quán-Thế-Âm nói rất rõ, chỉ cần thậm thâm tin hiểu và hoan hỷ thọ trì danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật một ngày thôi, hoặc bảy ngày, cho đến nhiều lần của bảy ngày sẽ đắc mười pháp quyết định, bất khả tư nghị là chẳng bàn cãi.
Riêng bà Diệu-Hưng đã thậm thâm tin và hoan hỷ thọ trì danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật suốt 18 năm dài. Ðúng ra phải nói bà niệm Phật 40 năm, tính từ lúc quy y Tam Bảo, Ðại Bồ Tát nói: “Chỉ cần thậm thâm tin hiểu hoan hỷ thọ trì danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật một ngày thì sẽ đắc mười pháp quyết định bất khả tư nghị.”
Trong mười pháp quyết định này nghiệm ra đã đắc qủa Bồ Tát thứ 10, tức là Thập Trụ Bồ Tát hay ÐạI Ðịa, Pháp Vân Ðịa Bồ Tát, như là: Ðời đời thọ sanh trong dòng giống Như-Lai; tham dự những chúng hội đạo tràng của Như-Lai; hòa hợp than và tâm vào trong Kim thân Phật; hóa sanh tự nơi hoa sen báu, cùng một chỗ ở với chư Phật và chư Thánh Chúng. Chúng tôi chỉ trích dẫn vài phần trong mười pháp quyết định của Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật. Người đắc được mười pháp quyết định khi lâm chung chắc chắn được Ðức Phật A-Di-Ðà cùng vô lượng Bồ Tát vây quanh an ủi tiếp dẫn.
Trường hợp của bà Diệu-Hưng, chúng tôi chỉ biết dựa vào kinh trích dẫn để khuyến khích mọi người tu niệm Phật, chứ không dám cả quyết bà đắc qủa nào. Bà Diệu-Hưng mất vào năm 78 tuổi. Trước khi ra đi bà đã chuẩn bị tất cả tang sự. Tất cả đồ liệm đem theo cho bà, bà tự lo sắm đầy đủ như quần áo liệm, mũ quan-âm kể cả chiếc mền đà-la-ni, bà cũng sắm sẵn từ hồi ở Việt Nam mà con cháu không hay biết. Bà học Phật pháp biết các phát đều là không, nên đối với sự sống chết bà chẳng hề e sợ. Cho nên sự ra đi của bà mới được tự tại.
Ngày Phật Ðản 1999 bà vẫn còn làm bánh cúng Phật và còn vui cười dự “Ngày Cha Mẹ” do Hội Ái Hữu Gia-Long miền Ðông tổ chức. Nhưng đến đầu tháng 6 thì bà bắt đầu đau và bịnh phát ra nhanh chóng không thể ngờ. Dù đau lưng dữ dội nhưng không bao giờ bà rên xiết, trước tiên gia đình gọi 911 đưa bà vào nhà thương Fairfax. Nơi đây nói là nhiễn trùng đường tiểu.
Khi về nhà, bịnh bà không thuyên giảm. Có người mách, nói là bịnh viện ở Maryland có bác sĩ chuyên khoa tài ba khuyên gia đình nên đưa bà qua đó. Bà Diệu-Hưng ở tiểu bang Virginia, muốn vào bịnh viện Maryland phải có cách hợp lý và phải đến vào dịp bác sĩ tài ba kia đang làm việc. Mọi sự tính toán như ý, bà Diệu-Hưng được bác sĩ ấy khám và tìm ra ung thư bao tử. Bà nằm lại bịnh viện, bác sĩ định làm chemotherapy nhưng giờ chót hủy bỏ; vì bịnh bà không thể cứu chữa.
Y khoa khó giải thích điều này, vì bình thường người bị ung thư sau khi được phát hiện, còn có thời gian nhiều tháng đến nhiều năm để chữa trị. Nhưng bịnh của bà Diệu-Hưng, khi phát hiện đến chết chỉ trong một thời gian thật ngắn. Có phải do sức “định” của sự chuyên tâm niệm Phật của bà quá mạnh, lấn át sự đau đớn của ung thư? Nhiều người tu Niệm Phật, mỗi khi nghe tiếng niệm Phật thì con người trở nên khỏe khoắn nhẹ nhàng. Như Sư Bà Ðàm-Lựu, giữa lúc bà bịnh nguy kịch vậy mà nghe tiếng niệm Phật của qúi Sư thì Sư Bà tỉnh táo ngay, kêu đệ tử đỡ Sư Bà dậy để Sư Bà đi đảnh lễ quí Sư.
Ðại sư Hám-Sơn nói: “Nếu niệm Phật cho đến lúc làm chủ được phiền não, thì ngay trong mộng cũng làm chủ được. Nếu trong mộng tự làm chủ được thì ngay trong lúc bịnh khổ cũng tự làm chủ được. Nếu lúc bịnh hoạn đau khổ mà tự chủ được, thì lúc lâm chung tâm sáng suốt rõ ràng, bèn biết nơi sắp đến.”
Cho nên muốn hiểu sự chứng qủa của một người phải căn cứ vào cách hành trì của người ấy có chuyên tâm hay không. Một Phật tử Mỹ, bà Ananda Jenning, có nói: “Trong Phật Pháp trọng tu chứng, chứ không trọng kiến giải.” Kiến giải là hiểu biết rộng nhiều về giáo lý, chỉ tu trên lý thuyết, nói miệng tài mà thân và tâm thì tu thật ít, kẻ viết bài này cũng là kiến giải.
Vào ngày 12-6-1999 bà Diệu-Hưng xuất viện. Ðến ngày 20-6-1999 Hội Ái Hữu Gia-Long tổ chức lễ cầu an cho bà tại Tu Viện Pháp Vương với sự hiện diện hàng trăm Phật tử trong vùng. Biết rằng ngày chết không còn xa, nhưng bà không một chút lo sợ. Bà vui cười chào hỏi mọi người, thành thật cảm ơn tất cả và bình thản ra về sau buổi lễ.
Bà Diệu-Hưng có người con nuôi tên là Thiện Viên. Vị này là người có đạo tâm, anh đã phát tâm nhận mấy trăm ảnh tượng Tây Phương Tam Thánh phân phối cho Phật tử trong vùng thủ đô Hoa Kỳ, các tiểu bang lân cận và Canada. Anh đã ra công sang băng cassette Pháp Tu Quán Phật Trì Danh, cả ngàn cuốn đê biếu các nơi. Anh Thiện Viên đã biếu cho bà Diệu-Hưng một cuốn. Trong một cuộc điện đàm hỏi về trường hợp của bà Diệu-Hưng, anh thuật lại có đoạn nói: “Từ khi ở bịnh viện về bà nói với tôi rằng bà đã biết đường đi rồi.”
Câu nói này, theo chúng tôi, chứa đựng hai nghĩa:
1. Bà Diệu-Hưng biết đường đi về Tây Phương Cực-Lạc, do phương cách Niệm Phật Vãng Sanh.
2. Bà có tiên triệu, biết trước sắp vãng sanh.
Về tiên triệu, sách Liễu-Sanh-Thoát-Tử của cư sĩ Liêu-Ðịch-Nguyên, do thầy Thích-Quang-Phú dịch, có đoạn như sau:
Những tiên triệu trong khi lâm chung tùy theo mỗi người mà cảm thấy có khác nhau; nhưng không ngoài tịnh cảnh hiện ra trước mắt. Hạng thù thắng thì thấy có y báo, chánh báo trang nghiêm đều đầy đủ. Hạng kém hơn chỉ thấy Phật và Bồ Tát. Hạng kém hơn nữa thì thấy hoa sen. Nhưng những tiên triệu mà mọi người chung quanh cũng được cảm thấy; thì những di tích vãng sinh của các bậc Thánh-Hiền xưa nay ta có thể khảo cứu mà chia ra 10 món thoại ứng:
1. Nhất tâm bất loạn: Tâm niệm vào một cảnh.
2. Biết trước thời chết đã đến.
3. Tịnh niệm không mất.
4. Biết trước lo tắm rửa và thay quần áo
5. Tự mình niệm Phật, niệm có tiếng hay niệm thầm.
6. Ngồi hoặc nằm ngay thẳng, xấp tay mà chết.
7. Có mùi lạ thơm khắp.
8. Có hào quang sáng soi vào thân thể.
9. Nhạc trời nổi giữa hư không.
10. Tự nói ra bài kệ để khuyên mọi người.
Sáng ngày 29-7-1999, bịnh tình bà trầm trọng. Bà vẫn sáng suốt, luôn luôn chấp tay niệm Phật. Bà đã viết thơ dặn dò khi bà chết phải đem đi thiêu. Khi nhặt tro phải lượm từ dưới chân, rồi dần lên đầu. Dường như bà biết trước bà sẽ để lại cái gì. Từ trước đến nay ít ai biết điều này. Bà dặn tro cốt để lại Chùa bốn mươi chín ngày, rồi sau đó đem rải ở đâu cũng được.
Bạn đạo đến hộ niệm đông đảo. Bà bảo mọi người đừng khóc. Bà nằm ngửa chấp tay niệm Phật và niệm đến khi không còn niệm ra tiếng. Lúc trút hơi thở cuối cùng bà vẫn còn chấp tay. Cả lúc bà không còn niệm ra tiếng mà người nhà tụng niệm sai bà cũng biết. Chứng tỏ bà hoàn toàn tỉnh táo và an nhiên tự tại ra đi.
Lúc 3 giờ 30 trưa thứ Năm, 19-7-1999, bà dứt hơi thở cuối cùng. Theo thân nhân, lúc tắt hơi cổ bà rướng lên, bỗng nhiên từ cổ bà bổng biến thành trắng như tuyết, trông bà sáng đẹp. Hơi ấm còn lưu lại nơi đầu và trán. Chúng tôi chưa từng chứng kiến cảnh một người vừa trút hơi thở cuốI cùng ra sao, nhứt là người đó được vãng sanh. Ðược biết bà Kim Oanh, cựu giáo sư trường nữ trung học Gia-Long Sài Gòn, hiện diện từ lúc đầu đến cuối. Chúng tôi cố gắng điện thoại lên Virginia không gặp, sau cùng phải gọi về San Jose mới liên lạc được. Bà vui vẻ thuật lại tất cả.
Bà Kim Oanh nói: “Từ nhỏ đến lớn tôi chưa thấy cảnh người chết. Cụ Diệu-Hưng lúc chưa mất trên mặt có 4 vết ửng đỏ. Khi cụ tắt thở, sắc mặt liền thay đổi, gương mặt bỗng nhiên sáng đẹp hẳn lên, mấy vết ửng biến mất. Tôi vội kêu mấy cụ niệm Phật lớn lên.”
Sau đó Thầy Vân Ðàm đến. Thầy rờ trán cụ, bảo “cụ ra đi tốt đẹp” và kế tiếp Thầy Trí-Tuệ đến. Lúc ra đi vĩnh viễn, gương mặt của bà Diệu-Hưng bỗng đổi sắc sáng đẹp giống y trường hợp của bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết và hơi ấm trên trán lưu lại rất lâu.
Sách Liễu-Sanh-Thoát-Tử viết rõ: “Người được xuất thế thì trên trán hơi ấm rất lâu, tức là triệu chứng sanh về Tây Phương vậy.”
Bà Diệu-Hưng may mắn được lưu lại nhà 7 tiếng đồng hồ sau khi mất và được sự trợ niệm đầy đủ, sau đó mới để cho nhà quàn đến nhận xác. Theo sách Liễu-Sanh-Thoát-Tử, để yên từ 7 đến 8 tiếng là tốt. Ðối với người có triệu chứng vãng sanh thì thời gian này cũng đủ. Sách viết: Những hạng đã có sẵn tu theo Tịnh-Nghiệp thì khi lâm chung họ liền đi đến chỗ họ muốn đến… Nhưng trong khoảng bốn mươi chín ngày, nếu ta biết vì họ mà niệm Phật thế, thì cũng có thể làm tăng them phẩm vị không đến nỗi uổng công.
Sau Lễ Trà Tỳ, vào 8 giờ tối, Thượng Tọa Thích-Vân-Ðàm gọi điện thoại đến thân nhân bà Diệu-Hưng dặn phải liên lạc với nhà quàn vì có thể có điều gì lạ. Hỏi điều gì lạ? Thầy trả lời có thể có Xá-Lợi lưu lại. Người nhà bà Diệu-Hưng không hiểu Xá-Lợi là gì cả; nhưng qua cách nói của Thầy Vân-Ðàm thì Xá-Lợi là cái gì qúi báu nhứt của đời một người tu hành.
Thượng Tọa Thích-Vân-Ðàm dùng chữ “feeling” tức linh cảm để nói với gia đình bà Diệu-Hưng. Dè dặt là căn bản khiêm nhượng của một bực tu hành. Dù khi Thầy đến thì bà Diệu-Hưng đã trút hơi thở. Nhưng khi đến nơi Thầy rờ trán thấy còn hơi ấm và chứng kiến tận mắt vẻ mặt tự nhiên sáng đẹp hơn bình thường của bà Diệu-Hưng, là người tu hành đến phẩm vị Thượng Tọa, Thầy biết người chết vãng sanh đến bực nào. Ðó là người đã được Phật A-Di-Ðà và Thánh Chúng trực tiếp đến đón, không còn phải trải qua Thân-Trung-Ấm. Chính vì thế mà Thầy Vân-Ðàm mới nói: “hàng triệu người mới có một người.”
Nhớ lời dặn của Thượng Tọa Vân-Ðàm và cũng nhờ con cái bà Diệu-Hưng chẳng ngại việc làm phiền bà giám đốc nhà quàn mà được kết qủa tốt. Vì theo thường lệ, sau khi lửa thiêu tắt, thì bộ phận tự động sẽ đưa tro xác vào một cái mâm; rồi chuyển qua máy nghiền. Dù có Xa-Lợi thân nhân cũng không biết được.
Rất tiếc là chúng tôi không liên lạc được với Thượng Tọa Vân-Ðàm để bài này viết được đầy đủ hơn. Nhà Phật dạy cái gì cũng có duyên. Lúc chúng tôi gọi điện thoại cho Thầy, thì Thầy đi Cali dự lễ Phật Ðản. Tìm được điện thoại của Chùa Bát-Nhã, nơi Thầy đến, thì Thầy đi ra ngoài. Lúc Thầy trở lại Virginia, chúng tôi gọi nữa, Thầy lại đi vắng.
Trở lại cuộc điện đàm của gia đình bà Diệu-Hưng với nhà quàn. Khi nghe gia đình bà Diệu-Hưng nói có thể có điều lạ, bà Carmen, giám đốc nhà quàn không tin. Theo bà giám đốc với sức nóng của lửa với 2000 độ F thì vật gì cũng bị cháy tiêu cả. Vả lại khi đốt tới độ nóng đó, thì bên trong lò sẽ nổ tung tan nát cả. Thêm nữa, bà giám đốc nói, tự bà không quyết định được, mà chủ thì không biết đang ở Texas hay California. Nhưng gia đình vẫn kiên trì giữ lời yêu cầu của mình. Bà giám đốc phải gọi qua Texas, rồi California để tìm chủ. Cuộc điện đàm diễn ra nhiều lần trong đêm. Nếu gia đình không quyết tâm vượt qua khó khăn, thì hang Phật tử chúng ta mất một dịp học hỏi qúi báu này. Cuối cùng bà giám đốc hứa sẽ gặp lại thân nhân sáng mai trước lò thiêu.
Sáng hôm sau cháu nội của bà Diệu-Hưng cùng vớI Bạch-Kim-Quy, đã có mặt trước lò thiêu trước tiên. Bạch-Kim-Quy là Phật tử của chùa Từ-Ân ở Canada. Anh biết rất nhiều về trường hợp Xá-Lợi của Thầy Thích-Minh-Ðạt, đã nghe tường thuật: “Người bên ngoài nhìn qua tấm kiếng của lò thiêu ở Canada, thấy Thầy Thích-Minh-Ðạt nằm ngửa hai tay mở rộng ra, trông thật siêu thoát.” Bây giờ anh có mặt ở đây và chứng kiến… điều xảo diệu tương tợ.
Rồi bà Carmen, giám đốc nhà quàn đến cùng với hai nhân viên canh lò thiêu. Sau này được biết bà Carmen đã có chín năm kinh nghiệm trong nghề. Bà bảo Lý-Tường-Hiệp, cháu nội bà Diệu-Hưng, và Bạch-Kim-Quy ở bên ngoài chờ bà.
Trước đó nghe nói có Xá-Lợi, bà bảo mấy người khùng hết. Bây giờ, sau một phút vào bên trong, bà trở ra với nét mặt kinh ngạc, hoảng hốt nói: “cái xác vẫn còn nguyên.” Hai người canh lò, có người làm nghề này năm năm, người mười năm, đều bảo chưa từng thấy trường hợp này. Lúc đó cửa lò bỏ ngỏ, Lý-Tường-Hiệp và Bạch-Kim-Quy liền bước vô xem. Bạch-Kim-Quy tả lại với chúng tôi qua điện đàm: “lúc đó lửa còn cháy, bà Diệu Hưng nằm trên bàn, vẫn còn nguyên dáng dấp của một người.”
Ðúng! Bà giám đốc nhà quàn không thể tưởng tượng được, vì từ trước đến nay các vụ thiêu tương tợ, xác người đã tan tác trước sức nóng rã rời ra hết, đâu còn dáng dấp như vậy. Ðây là nhục thân Kết! Người tu đạt đạo mới được như vậy. Xác thân trở thành thân bất hoại để lâu không hôi thối. Nếu chết trong tư thế ngồi kiết già thì giống như quí vị Thiền Sư đắc đạo ngồi mà tịch.
Thân nhân của bà Diệu-Hưng được báo tin lập tức đến. Thầy Vân-Ðàm và Thầy Trí-Tuệ cũng hiện diện. Thầy Vân-Ðàm phỏng vấn bà giám đốc và xin đừng để máy tự động nghiền, để thân nhân tìm vật lạ. Bà giám đốc nói: “đây là một phép lạ”, nên bà sẵn sàng chiều ý, vì theo phép vệ sinh không thể để người ngoài vào lò thiêu. Thế rồi thân nhân tìm được hoa Xá-Lợi và xương Xá-Lợi trước sự chứng kiến của các Thầy.
Lúc tẩm liệm cho bà Diệu-Hưng, thân nhân bỏ quên chiếc mền Ðà-La-Ni; bây giờ mền này được dung đựng tro xác để đem về Chùa tìm kiếm tiếp. Bài này không mục đích tìm Xá-Lợi mà muốn nói lên sự chứng đắc của một người tu Phật, một Bồ-Tát đã chứng đắc qua “Pháp môn niệm Phật thành Phật.” Vì là phàm phu chúng sanh thiếu kinh nghiệm, chúng tôi không dám nói bà Diệu-Hưng chứng đắc tới qủa vị nào. Nhưng trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật nói: “Niệm Phật là pháp môn đệ nhứt, sử dụng danh hiệu Như-Lai mà thâm nhập Như-Lai-Tạng, mà chuyển biến chuyển hóa, hư dối trở nên Viên-Giác-Tánh.”
Bà Diệu Hưng đã sử dụng danh hiệu Phật để thâm nhập Phật Tánh, chuyển thân huyễn hóa không thật của bà thành Pháp Thân. Ðó là bà đắc đạo vậy.
Nhân đây, xin kể thêm với qúi vị về chữ “duyên” của nhà Phật. Vào đầu năm 1999, bà Diệu-Hưng có ý định về Việt Nam thăm con gái một lần. Cô Kim Hà, con dâu của bà liền đi mua vé cho chuyến bay 30-5-1999. Nhưng sau đó, bất ngờ cô con dâu nghe bà thố lộ “lúc này sao thấy trong người không được khỏe.” Từ lâu bà Diệu-Hưng không hay than thở về sức khỏe. Nay nghe nói cô con dâu cảm thấy e ngại cho Mẹ chồng, nên vào giờ chót cô đề nghị bà tạm bỏ chuyến về nước. Bà Diệu-Hưng vui vẻ đồng ý ngay. Nhưng người con trai duy nhứt mà bà đã hy sinh ở vậy nuôi, anh Lý-Trường-Xuân, không muốn Mẹ buồn, bảo vợ nên để Mẹ về Việt Nam. Cô Kim Hà trả lời, Mẹ nói trong người không khỏe, nếu Mẹ về bển, lỡ có việc gì làm sao lo cho Mẹ được? Nhờ Mẹ chồng và nàng dâu rất thân thiết, nên cô Kim-Hà mới dám dùng tình thương để ngăn cản.
Ðó là cái “duyên thứ nhứt” của bà Mẹ chồng hiền từ và nàng dâu hiếu hạnh. Nhờ vậy mà bà Diệu-Hưng chết tại quê hương thứ hai và để lại Xá-Lợi tại đây. Bằng ngược lại nếu bà về Việt Nam và chết trên quê hương, dù xác bà được thiêu, nhưng có thể Xá-Lợi đã bị hủy hoại.
Ðã có cái “duyên thứ nhứt”, thì phải có cái thứ nhì. Lúc bà tự tại ra đi, có tiên triệu cho thấy bà đã vãng sanh. Do đó Thầy Vân-Ðàm nhắc nhở thân nhân bà nên yêu cầu nhà quàn cho được chứng kiến lúc lửa vừa tắt. Ðó là cái “duyên thứ nhì” của bà Diệu-Hưng đối với Thầy Vân-Ðàm cùng Tu Viện Pháp Vương và Phật tử vùng Thủ Ðô Hoa Kỳ.
Cho nên nhà Phật nói tất cả đều do “duyên”. Không ai muốn mà có được

Trích trong sách “Những Chuyện Vãng Sanh Lưu Xá Lợi” của Cư Sĩ Tịnh Hải.

No comments: