HUỲNH-NGỌC-TUYẾT
Vãng sanh ngày 28-2-1996
Bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết, Pháp danh Diệu Âm theo chúng tôi biết, là nữ cư sĩ đầu tiên ở hải ngoại , sau khi lâm chung làm lễ hỏa táng lưu lại Xá-Lợi. Cái chết của bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết có nhiều điều lạ lùng đáng được cho người chuyên tu Tịnh Ðộ tìm hiểu tường tận, để áp dụng cho mình, nếu thật sự người ấy quyết tâm vãng sanh Cực-Lạc.
Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật là Kinh Tịnh Ðộ sau cùng Ðức Phật dạy pháp môn Niệm Phật thành Phật. Bà Diệu Âm Huỳnh-Ngọc-Tuyết thực hành đúng theo Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật, với lời dạy của Ðức Phật: “Nếu có chúng sanh nào chí thành xưng niệm danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật, thì uy lực bất khả tư nghị của danh hiệu khiến Tâm thể thanh tịnh mà chúng sanh ấy không hề hay biết, tự nhiên chứng nhập Sơ-Phần-Pháp-Thân, âm thầm ứng hợp với Bi-Trí Trang Nghiêm của Phật.”
Như vậy chắc chắn bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết đã chứng nhập chẳng những Sơ-Phần-Pháp-Thân, được Phật và Thánh Chúng tiếp dẫn về Thế Giới Cực-Lạc. Vì Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật có nói thêm: “Chúng sanh nào sống thuần bằng tư tưởng, thì bay lên hóa sanh nơi các cõi Trời. Nếu trong sự thuần tưởng, lại gồm có phước huệ và tịnh nguyện thì tự nhiên tâm trí khai mở mà thấy mười phương chư Phật, tùy theo nguyện lực của mình mà sanh về Tịnh Ðộ.”
Như đã nói bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết tu đúng với ý nghĩa thâm sâu của Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật. Chẳng những bà sống thuần tưởng và còn dứt cả mọi tình cảm ở thế gian này.
Cái chết đau đớn của chồng!
Bà Diệu-Âm Huỳnh-Ngọc-Tuyết qua đời để lại ba đứa con gái và ba đứa cháu ngoại. Cô con gái lớn của bà tên Huệ-Nghi đã kể lại với chúng tôi:
Bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết sanh tại Việt nam, người Hoa ở Chợ Lớn, chồng là Trần-Hòa-Bình, khi còn ở Việt Nam cư ngụ tại đường Hai-Bà-Trưng, nguyên chủ trại chim bồ câu Ðông Phương Thủ Ðức và Công Ty Ðông Phương Mật Ong. Vào năm 1979 ông Bình đưa vợ và 3 con gái sang Mỹ định cư theo diện di dân được sự bảo lãnh của em trai, và ngụ tại Dallas, Texas.
Ở Dallas, vài năm sau ông ta mở tiệm buôn bán, với kinh nghiệm sẵn có, ông đạt được thành tựu, nhưng không may mắn, vào một hôm buổi trưa tiệm ông bị cướp, ông bị giết tại hiện trường bởi con dao bé nhỏ đâm vào ngực. Ông Bình qua đời hưởng thọ 55 tuổi. Thế rồi từ đó vì cái chết đột ngột của chồng, bà Tuyết trở nên buồn chán. Rất đau khổ, bà ta không chấp nhận sự thật, và bà đi tìm câu hỏi tại sao thế gian này có nhiều đau khổ như vậy?
Sau khi an táng chồng, do sự giúp đỡ của Chùa Pháp-Quang, Thượng Tọa Thích-Trí-Hiền nhìn thấy cảnh đau thương của gia đình bà, Thầy tặng cho bà Tuyết và 3 đứa con gái mỗi người một quyển kinh “Ðịa Tạng” bằng Hán văn và khuyên đừng khóc nữa, hãy về đọc kinh và hồi hướng cho ông Bình. Từ ngày đó bà Tuyết bắt đầu tụng kinh thường xuyên, lần lần tâm sám hối bắt đầu trổ ra và tâm bố thí được mở rộng. Thế rồi bà thường lui tới những ngôi chùa ở vùng phụ cận Dallas. Và cuối cùng bà quy y tại chùa Tịnh Ðộ với Pháp sư Tịnh-Không được đặt pháp danh Diệu-Âm.
Vào năm 1991 chùa Tịnh-Ðộ tại Dallas chỉ là một tu viện rất nhỏ của người Ðài Loan chỉ niệm Phật và tụng kinh Vô-Lượng-Thọ, nhưng bên trong tu viện là một kho tang đựng nhiều sách kinh, đặc biệt chỉ cho không có bán. Ðược biết mỗi lần sách tới là được phân phát đi khắp mọi nơi trên thế giới.
Hãy sống với chánh nghiệp
Và từ đó bà Tuyết bắt đầu vui vẻ, ăn chay trường, mỗi ngày đến chùa tụng kinh niệm Phật chung với các Sư, làm công qủa cho chùa, cạo tóc giùm cho các cư sĩ, may vá cho các Sư. Khi Sư đau chăm sóc và đưa đi bác sĩ, nấu ăn chay cho bữa trưa, giúp thâu những cuốn băng thuyết pháp, đóng sách gởi đi, v.v…, có khi mãi đến tối mới về. Có một hôm tôi thắc mắc và hỏi Mẹ: “Ở chùa buồn qúa có gì vui đâu, sau Mẹ đi hoài vậy?” Mẹ tôi trả lời nói rằng: “Bây giờ là lúc vui nhất, sống một cuộc đời có nghĩa, bố con vô lộn nghề rồi, con đọc kinh nhiều rồi sẽ thấy sự thật.” Và Mẹ tôi khuyên 3 đứa tôi nên tụng kinh niệm Phật. Chị em chúng tôi nghe theo vì chiều Mẹ cho vui thôi.
Trong khoảng thời gian đó, là năm 1991 cho tới năm 1996, nếu ai có đi chợ VN Market hay chợ Tàu, phố Tàu, những tiệm bán sách hay là tiệm bán bánh, ở trong tiệm sẽ thấy có kệ đựng sách kinh và những cuồn băng thuyết pháp được chất gọn với nhau để chúng sanh thỉnh free về đọc, đây là một trong những công việc của Mẹ tôi thường làm.
Quyển kinh Ðịa Tạng đầu tiên do Sư Thích-Trí-Hiền biếu, khiến cho tâm Mẹ tôi được khai mở và từ đó về sau, Mẹ tôi thường tới thăm Thầy, giúp Thầy những gì khi cần, ví như ấn tống tượng Phật, sách kinh, tu sửa Chùa, hay với những gì mà Mẹ tôi học được ở chùa Tàu mà cảm thấy có giúp ích được, hoặc là những cụ khí trợ duyên khi ngồi niệm Phật. Cái gì hay thì Mẹ tôi sẽ kể cho các cư sĩ nghe để cùng nhau học hỏi chung.
Vào năm 1992 chùa Tịnh-Ðộ được khai mạc tên là Tịnh-Trung Học Viện, do Sư Ua Sieng đảm nhiệm và Bà quản lý tên Hàn-Anh. Bà Hàn-Anh là người phụ trách đại sự của tu viện ở nội địa hay ở các nước ngoài, và bà cũng là người duy nhất hộ pháp cho pháp sư Tịnh-Không đã hơn 30 năm qua. Mẹ tôi hợp với bà quản lý, mỗi lần bà về đây đều phải gặp mặt ăn cơm trò chuyện với nhau. Chắc là đồng cảnh ngộ qủa phụ, và đồng tâm hướng về đạo pháp. Bà Hàn-Anh chỉ dạy cho Me tôi đủ thứ, cách dùng pháp khí các phương thức khi làm lễ, nghi thức tụng niệm, và thường khuyên Mẹ tôi hãy giúp đỡ các sư, cư sĩ cùng nhau tu hành làm phước, tạo phước để vượt thoát luân hồi cùng vãng sanh chung. Ðược sự khuyến khích của bà Hàn-Anh, Mẹ tôi thường ở lại tu viện. Mẹ tôi rất thông minh, chỉ học một lần là nhớ, ví dụ như cách dùng pháp khí khi tụng kinh, cái nào cần đánh cần gõ, trước hay sau; phương thức làm lễ Phật thất, đại lễ khai kinh, quy y; Mẹ tôi đều nhớ hết cho nên bà Hàn-Anh thường kêu Mẹ tôi làm giùm. Tịnh-Trung Học Viện thời đó rất vui, vì sư và cư sĩ hòa đồng với nhau cùng đọc kinh, cùng làm Phật sự. Lúc bấy giờ chủ trì Ua Sieng, hướng dẫn niệm Phật cho những người lâm chung. Lần lần Tịnh-Trung Học Viện tổ chức thành một “phái đoàn niệm Phật”. Ai cần thì họ sẽ tới hộ niệm, trong đó có Mẹ tôi. Nghe bà Âu-Thục-Anh thuật lại rằng: “Mẹ của con có cái gan to lắm, tụi tôi thì nhát gan, khi mà tới hộ niệm thì mình phải đứng xung quanh người chết, rồi niệm A-Di-Ðà-Phật, cũng ớn ghê lắm chớ, tôi thì sợ lắm chỉ đứng ở đằng sau, Mẹ của con luôn luôn được đứng hàng đầu, Mẹ con nói sợ gì niệm Phật rồi một hồi sẽ quên thôi, cho nên ngày nay bác bạo hơn xưa nhiều cũng chính nhờ Mẹ con đó.”
Bà Tuyết lâm bịnh ung thư
Huệ-Nghi kể tiếp: Rồi một ngày kia, tự nhiên Mẹ tôi bị xuất huyết, liền chở vào nhà thương, thí nghiệm xong, kết qủa cho biết bị ung thư tử cung. Nhớ ngày đó, Mẹ từ nhà thương gọi điện thoại về cho tôi biết, y bị ung thư, hai chữ ung thư tôi vừa được nghe tự nhiên nghẹn ngào không nói ra lời, tôi chỉ yên lặng tay cầm điện thoại, rồi nghe tiếng Mẹ tôi khóc và nói: “Tuấn nó còn nhỏ qúa, Mẹ ráng sống cho tới ngày nó được đi học, để con đỡ khổ.”
Sau khi mổ xong xuất viện được về nhà dưỡng bịnh, vài tháng sau, Mẹ tôi lại trở về tu viện tụng kinh niệm Phật, làm công qủa như những ngày cũ. Lần nầy Mẹ tôi chỉ đi có 5 ngày ở chùa, còn 2 ngày kia thì làm việc xã hội từ thiện cho hội “tzu chi”. Cháu Tuấn được 2 tuổi, không được theo Ngoại đi chùa thường xuyên nữa, trong 1 tuần chỉ đi được 2-3 bửa thôi. Tôi không muốn Mẹ tôi cứ lo cho cháu hoài, vì tôi thường nghe Sư Ông Tịnh-Không thuyết pháp trong băng, nên tôi cũng hiểu được chút đỉnh, mặc khác vì sợ Mẹ tôi yếu sức. Nhờ vậy chiều thứ năm nào Mẹ cũng tới thăm và kể cho tôi nghe thật nhiều chuyện về hội từ thiện, Mẹ đi theo những bà cụ già đã về hưu đến thăm viếng các nhà dưỡng lão, làm từ thiện hỏi thăm sức khỏe, vô trong bịnh viện viếng thăm bịnh nhân, đi xin người quen cho quần áo cũ đem về giặt rồi xếp lại để phát cho những người nghèo, đi quyên tiền cho nạn bão lụt, có khi Mẹ tôi đi xuyên bang phát lương thực giùm cho các hội từ thiện, v.v… đủ thứ. Ðôi lúc tôi nào có để ý tới, chỉ thấy Mẹ vui, lạc quan hơn. Ngày tháng trôi qua mau, vào năm 1994, có một hôm Mẹ tôi vừa nói, tay vừa chỉ cái cổ của y cho coi, thấy có cục nhỏ nhỏ, không biết là cái gì, rồi đi bác sĩ khám lại thì cho biết triệu chứng ung thư bộc phát, từ từ đi lên, đây là chu kỳ thứ hai, cục hạch rất nhỏ cần phải đốt quang tuyến, nhưng không biết Mẹ tôi nghĩ sao, y không chịu, lại nói để vậy được rồi, không sao. Từ đó Mẹ tôi sống rất bình thường, nhưng ốm hơn xưa, ít đi ra ngoài, bớt đi chùa, ở nhà tụng kinh Vô-Lượng-Thọ, niệm Phật, lạy Phật, và nghe băng giảng mỗi ngày. Có một ngày, Sư cô Mãn Ya (chủ trì của chùa Tây-Lai Dallas) tới thăm và hướng dẫn cách ăn uống. Mỗi sáng Mẹ tôi uống nước cỏ, mỗi ngày chỉ uống có một muỗng canh là đủ, loại cỏ này do Mẹ tôi tự trồng lấy. Cọng rất nhỏ có màu xanh đậm, cắt ra bỏ vào máy vắt ra uống không có mùi, vì Mẹ tôi thường quảng cáo cho mọi người biết. Các đạo hữu rất từ bi, thường tới nhà thăm chỉ cách thức ăn uống trị liệu, và đem những tài liệu giúp ít cho ung thư được chậm lại. Nói chung đa số là lương thực và uống nước trái cây. Mẹ tôi làm theo, khi tái khám lại, bác sĩ khuyên nên làm quang tuyến, nếu không sẽ bộc phát ra nhiều không được tốt đâu.
Quyết xả bỏ nhục thân!
Mẹ tôi từ chối, cả ba đứa tôi thật là đau lòng. Chắc có lẽ Mẹ tôi hiểu, nên Mẹ nói: “Tất cả đều là chúng sanh, cùng một nhà, nếu tôi có nợ gia đình họ, thì tôi sẽ trả, tôi không muốn cảnh chia ly,tôi đã nói với họ rồi, tôi sẽ không làm gì hết, hãy an tâm.”
Thế rồì từ đó, ba đứa chúng tôi không nói, cũng không hỏi gì cả, chỉ chiều theo Mẹ, không cãi nhau nữa.
Nhớ lại, có một bữa chiều thứ năm, đi làm về nhà, thấy Mẹ tôi đang trò chuyện với chồng tôi, lúc tôi bước vào bàn định ngồi thì thấy chồng tôi đứng dậy đi ra, không vui cho lắm. Một hồi Mẹ nói với tôi: “hai năm nữa Mẹ đi vãng sanh.” Và Mẹ cười, còn tôi thì la lên: “Trời ơi, khổ qúa Má ơi.”
Ðầu năm 1995, Mẹ tôi bị ho, bác sĩ nói trong phổi Mẹ có những đốm nhỏ, nên bị ho, có cho thuốc uống nhưng không hết. Mặt khác Mẹ tôi có đi bác sĩ Tàu. Và cũng vào thời gian này, Mẹ tôi bắt đầu sắp xếp công việc, chuẩn bị hành trang. Từ từ Mẹ tôi ho them, khạc ra đờm, nên trở nên ít nói; không có ra ngoài, chỉ ở trong nhà, thân lại hơi yếu và ốm; bạn bè, bà con cũng thường tới thăm. Rồi một hôm, sau cơn ho dữ dội thì nghe Mẹ nói: “Vạn duyên buông xuống, vạn ngữ buông xuống, nhất tâm niệm Phật.”
Từ đó về sau, ba chị em tôi thay phiên nhau săn sóc Mẹ, Út thì nghĩ làm ở nhà canh giữ không cho ai đến thăm. Theo lời Mẹ dặn từ chối tất cả các điện thoại, kể cả người thân ruột thịt, chỉ khi nào cần ra ngoài như là đi bác sĩ, hay làm những chuyện cần thiết. Chị em chúng tôi đã làm phật long rất nhiều người, thân nhân, ruột thịt, bà con, họ hang, bạn bè xa gần trong thời gian này. Chỉ trừ những Pháp Sư, Sư cô Mãn Ya, Thầy Trí Hiền được vô nhà thăm Mẹ tôi.
Có một đêm khuya, nửa đêm thì phải, nghe tiếng Mẹ kêu, giựt mình thức dậy chạy qua coi, thì thấy Mẹ đang nằm ở dưới đất, y nói: “mắc tiểu qúa, muốn tự mình đi, ai dè bị té, không ngờ chân yếu, không có sức, Mẹ không muốn phiền các con, không muốn phiền cũng không được nữa, hết cách rồi.” Từ đêm đó trở đi, hai em tôi ngủ chung phòng, một người bên trái, một người bên phải, rồI Mẹ tôi dặn khi đêm về mặc tả giùm cho y.
Mua qùa từ tạ bác sĩ
Cuối năm 1995, mùa Giáng Sinh sắp đến, Mẹ bảo em tôi đi mua tấm thiệp Giáng Sinh, hộp kẹo chocolate và viết lên vài chữ “rất cám ơn bác sĩ, từ trước tới nay đều do ông săn sóc trị bịnh cho tôi, từ nay trở đi, tôi sẽ không tới nữa.” và dặn là phải đem tới phòng mạch tận tay giao cho ông và nói tôi rất là cám ơn. Rồi ngày hôm sau, phái đoàn hospice tới, do bác sĩ gởi tới, cô y tá nói bác sĩ dặn là 1 tuần phải tới 5 lần, Mẹ tôi từ chối, mỗi tuần đến một lần là đủ, bác sĩ không chịu, ít nhứt cũng phải 2 lần, sau đó Mẹ đồng ý, thôi 2 lần cũng được. Mỗi lần cô y tá đến, cô mang theo thuốc đau, thuốc ho, băng, thuốc dán, đủ thứ, và nghe mạch, đo máu, kiểm soát thân thể, lần nào cũng vậy, y cũng nói: “rất bình thường”, có điều Mẹ không nói cho cô ấy biết là Mẹ tôi không có uống thuốc, và Mẹ căn dặn: “lấy thuốc cất đi để dành, mai sau Mẹ đi rồi mới đem trả lại cho cô y tá, vì thuốc này có thể trị bịnh được cho người khác, còn Mẹ tự biết, bịnh mình không còn cách nào chữa được nữa.”
Tôi phải công nhận rằng hội hospice của Mỹ thật là tốt, rất đạo đức, chăm sóc tận tình, chu đáo, cô y tá cứ đòi tắm rửa, lau phòng giùm Mẹ tôi, tất cả đều được từ chối, sau đó cô ta dẫn người Việt Nam tới, Mẹ nói không cần đâu, con tôi làm được rồi, không sao. Từ từ Mẹ yếu đi, càng ốm hơn nữa, quần áo mặc hết vừa, nhưng triệu chứng ho cũng lạ thất thường, có khi to, có khi không có, có lúc tưởng là vì nói chuyện mới bị ho, rồi có khi nói tới 1, 2 tiếng mà lại không bị ho. Trong khoảng thời gian này, Mẹ chỉ nói chuyện trong bữa cơm trưa, mỗI ngày chỉ được một lần, ngày nào cũng vậy, chỉ được nghe đừng có hỏi, Mẹ nói: “hãy lo niệm Phật, Niệm Phật sẽ giúp ích cho các con về sau, lúc đó sẽ hiểu không cần phải nói.” Mỗi ngày Mẹ kể chuyện đều khác nhau, nhưng mỗi lần trước khi đi vô phòng nằm nghỉ, thì Mẹ đều nói giống nhau: “các con đi niệm Phật, tụng kinh, lạy Phật, lúc này là lúc tốt nhứt cho các con, hãy giữ lấy cơ hội này, về sau thời gian này sẽ không có nữa.” Cả ba đều nghe lời làm theo.
Ngày xưa Tổ-Triệu-Châu, năm 90 tuổi, Ngài ngộ thiền. Từ đó suốt 30 năm mỗi ngày Ngài Triệu-Châu đều vào thường định, chỉ có 2 thời cơm cháo Ngài mới xuất đinh để cầu nguyện đền ơn cho đàn na thí chủ; còn thì Ngài luôn luôn ở trong định. Bà Ngọc-Tuyết cố gắng niệm Phật giữ tâm được định, một ngày bà nói chuyện với con 2 lần (lời người sưu giải.)
Tết sắp đến, Mẹ tôi rất yếu, phải dùng máy thở oxygen, nhưng lại không có ho, chỉ là thở không được. Có một hôm, cô y tá hỏi tôi, Mẹ tôi có phải đang chờ, mong mỏi chuyện gì đó không? Ý cô muốn nói Mẹ tôi còn nắm nuối điều gì đó nên chưa chết. Tôi trả lời không có, cô nói: “thông thường một người bị ung thư không thể kéo dài lâu vậy đâu, da của Mẹ cô màu vàng hết cả rồi!”
Sống trong lo âu…chờ đợi
Ðã qua hết ba ngày rồi, phải sống trong sự lo âu, hồi hộp, chờ đợi. Mẹ tôi phải thở bằng oxygen, Mẹ ngủ hơi nhiều, lúc thức dậy, bỗng nghe Mẹ nói một câu: “Tôi không cần phải niệm Phật nữa.” Vừa dứt lời, cả ba đứa tôi sợ đến muốn đứng tim, nhưng rồi không thấy gì thay đổi. Cuộc sống trở lại bình thường, có khi lại nghe Mẹ nói: “Ðừng lo nấu nướng chi cho nhiều, hãy tập ăn uống giản dị là tốt nhứt, Mẹ thích nhứt là các con cùng niệm Phật chung với Mẹ là Mẹ vui sướng nhứt.” Thế là cả ba chung vô phòng với Mẹ và ngồi niệm Phật hoài, giống như mấy ông sư.
Ngày hôm sau, lúc đi làm về, em nó gọi điện thoại cho biết, “cả ngày hôm nay tự nhiên Mẹ muốn gặp cậu Ðức (em trai của y) nên em tìm cậu biểu cậu tối nay qua nhà thăm Mẹ, vì Mẹ muốn gặp cậu, nhưng cậu nói bận để ngày mai, bây giờ làm sao hả chị?” Vừa nghe xong, tôi liền quát trong điện thoại: “dồ ngu, sao không điện cho tao trước?” em nó nói: “Mẹ muốn tìm, cả ngày rồi, gấp lắm” tôi vừa khóc vừa chửi: “mày ngu quá, coi chừng tao, tao qua nhà bây giờ” Bỏ điện thoại xuống, tôi qua nhà Mẹ tôi tức thì, vừa bước vô nhà, Út chận lại nói: “chị làm gì, nếu chị khóc thì đừng có vô thăm Mẹ.” Tôi đẩy Út ra nói: “đi chỗ khác” Út chạy theo đi vô phòng. Lúc đó tôi khóc tức tưởi và nói với Mẹ con có chuyện muốn nói riêng với Mẹ, sau đó Út ra ngoài, chỉ còn tôi với Mẹ trong phòng, tôi vừa khóc vừa nói: “con xin Mẹ đừng có gặp cậu” Mẹ nói: “tôi rất muốn gặp y” Tự nhiên tôi khóc nức nở, một hồi sau tôi lại nói: “đừng, đừng làm vậy, xin Mẹ hãy giao cho con.” Mẹ nói tiếp: “tôi có phương pháp”. Tôi vội trả lời: “Mẹ không đủ sức chống, đời mà khổ lắm, xin Mẹ hãy buông xuống, đây là duyên cuối cùng, giao cho con, tụi con sẽ làm được” Rồi tôi khóc tiếp,vì tôi hiểu Mẹ tôi rõ lắm, cũng chỉ vì chuyện Bà Ngoại. Ngoại tôi đang ở với cậu Ðức. Chưa bao giờ tôi khóc trước mặt Mẹ tôi. Lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, tôi vừa khóc vừa nói, tôi không nhớ tôi nói những gì, đã gần hai tiếng, khi ngưng mặt nhìn lên, thấy Mẹ tôi mặt bình thản đang nhìn, làm tôi có cảm giác Mẹ tôi không nghe gì cả. (Huệ-Nghi linh cảm Mẹ cháu sắp mất.)
Rồi Mẹ hỏi: “con gặp sư phụ có một hai lần, mà sao con tin tưởng ông vậy?” tôi đáp liền: “con thích vì Sư Ông thật thà và thành thật.” Một lát sau Mẹ nói: “bảo cậu ấy khỏi tới nữa, không có gì hết, con gắng lo nhá.” Và Mẹ ngủ, ngủ hoài, làm cho em tôi thật là lo.
26-2-1996, sáng thứ hai, em út tôi gọi điện thoại cho Sư Ông Tịnh-Không và hỏi: “sao Mẹ con ngủ nhiều quá, không biết có lỡ mất cơ hội đi vãng sanh không?”
Sư Ông trả lời: “không thể” rồi Út hỏi tiếp: “thưa sư phụ, khi nào con mới có thể cho Mẹ con uống cái hột Xá-Lợi?”
Em tôi nói: “bị Sư Phụ chửi cho một trận.”
Chuyện là như vầy, hồi tháng 12 có một cư sĩ rất tốt bụng từ Houston lên thămMẹ và biếu cho Mẹ tôi một hột Xá-Lợi, viên tròn nhỏ, dặn là bỏ vào một cái tách và đựng nước để ở trên bàn thờ, mỗi ngày đổ nước ra dâng cho Mẹ uống, tới khi nào cần thì hãy uống hột Xá-Lợi vô thì rất tốt. Nghe vậy em tôi làm theo, nhưng vì không biết khi nào mới có thể uống được, nên mới hỏi Sư Ông, ai ngờ bị Sư Ông la: “học Phật Pháp tại sao không biết tôn trọng hột Xa-Lợi” và Sư Ông nói tiếp: “nhắn với Mẹ con là, Tây Phương Tam Thánh đang ở ngoài cửa, Mẹ con hãy an tâm mà ra đi, bất cứ lúc nào cũng được.”
27-2-1996, như thường lệ, sau khi tan sở, qua thăm Mẹ tôi. Hôm nay Mẹ tôi rất khôi hài, ăn cơm xong, súc miệng, thay quần áo sạch sẽ, nhưng sao Mẹ tôi có vẻ thích chọc tôi. Mỗi ngày những công việc nhà thường là do em tôi nó làm. Hôm nay lạ ghê, không hiểu sao, cái gì Mẹ tôi cũng nói hãy để cho Huệ-Nghi làm, rồi tối đến trong lúc thay tã cho Mẹ, Mẹ lại nói với em tôi: “kêu Huệ-Nghi thay tã giùm,” làm cho hai em tôi cười lăn ra khoái chí, rồi Mẹ nói: “cười vui quá, mai mốt Mẹ đi rồi, ba đứa con sẽ khóc chết luôn, sau này nếu có ai nhớ tới Mẹ thì nhớ niệm A-Di-Ðà-Phật; tối nay kêu Huệ-Nghi, nó ở lại niệm Phật đừng có về.” Nghe vậy tôi liền chạy: “thôi Má ơi, bye bye, con phải về, có hai đứa nó được rồi, ngày mai còn phải đi làm,” và sau đó tôi đi về ngay.
Vong hồn đến đòi nợ?
Trên đây là lời của cháu Huệ-Nghi, Văn nói của cô gái Việt gốc Hoa thật chân chất. Chúng tôi ghi nguyên văn; nếu để ý quí vị sẽ thấy. Ông Trần-Hòa-Bình, chồng của bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết sống bằng nghề nuôi bồ câu bán cho người ta ăn thịt và nuôi ong lấy mật bán. Sau khi ông Bình chết, Thượng Tọa Thích-Trí-Hiền tặng cho Mẹ con mấy cuốn Kinh Ðịa-Tạng bằng chữ Tàu. Bà Ngọc-Tuyết xem qua biết rõ tại sao chồng mình chết thảm! Từ đó bà lo sám hối, cầu nguyện cho chồng được siêu thóat và tự mình niệm Phật cầu vãng sanh. Bà hiểu rõ luật nhơn qủa. Bà luôn luôn nhắc các con niệm Phật và nói: “Bố các con vô lộn nghề rồi. Các con đọc kinh nhiều rồi sẽ thấy rõ sự thật!”
Ý bà muốn nói sẽ thấy luật nhơn qủa. Có vay là có trả. Ðức Phật cấm sát sanh. Ông Bình làm nghề nuôi sinh vật bán cho người ta ăn thịt, lấy mật của loài ong bán cho người dùng. Dù ông Bình đã chết đi; nhưng bà Ngọc-Tuyết vẫn phải chung cộng nghiệp, nên giữa ban ngày thường thấy những vong hồn hiện đến. Cháu Huệ-Nghi kể về việc này như sau:
Tháng hai, vào một buổi chiều, Thầy Trí-Hiền dẫn 2 đệ tử đến thăm Mẹ tôi, lúc đó Mẹ tôi nói với Thầy: “họ đứng ở ngoài cửa đông lắm, tụi nó đứng chen nhau đầy cả phòng.” Rồi đôi khi lại nghe Mẹ nói: “có khi đang ngủ trông thấy những người xưa, Mẹ gặp cô tài tử, nhưng mà Mẹ cũng biết y chết đã mấy chục năm rồi, ủa sao không quen mà lại gặp? tự nhiên Mẹ ngộ rồi niệm A-Di-Ðà-Phật là tất cả biến mất.” Nhiều khi nghe Mẹ nói, có những lúc không có nghĩ mà họ cũng tới; có khi đang ngồi niệm Phật mà họ vẫn cứ đứng đó, đến nỗi Mẹ phải nói: “A-Di-Ðà-Phật, xin hãy đuổi họ đi hết, để tôi niệm Phật, tức thì họ biến mất hết.” Mẹ nói đó là “Phật độ”, các con gắng niệm Phật, chuyện gì cũng qua hết.
Kinh nói: “Niệm Phật là ác ma tránh xa 40 dặm,” chắc đúng như vậy. Ðó là chuyện nhân qủa mà chúng ta cần phải biết đến.
Dấu hiệu sắp vãng sanh
Lúc này bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết dùng ý niệm Phật chứ không còn sức niệm Phật nữa, nhưng vẫn không quên nhắc các con gái niệm Phật.
Cháu Nghi nói: Nghĩ lại cũng vui, vì trong cái khổ lại có cái vui, mấy ngày trước khi Mẹ tôi đi, trong nhà như có sự thay đổi bất thường. Mẹ tôi rất là yên lặng, bình thản, dễ chịu, nhìn hiền như cục bột, làm sao cũng được, y không có la nữa, mặc sức mấy con muốn làm gì thì làm. Nhìn Mẹ tôi rất tội nghiệp ốm như cây tăm, da lại vàng, nhưng tay chân sạch sẽ bong lưỡng. Chúng tôi thường hay đấm bóp cho Mẹ, để máu thông, cứ nấn nấn tay và chân. Tay Mẹ tôi vừa cầm lên thì đụng tới xương, vừa lấy tay ra thì thấy cả dấu tay của mình, phải đợi chút mới bung lên được. Em tôi thì nấn tay phải, còn tôi thì cầm tay trái, đùa giỡn với nhau, tay mày thì mập qúa, vừa bóp một cái thì lủng cả tay, đúng là tay voi, còn mày thì sao, tay thon đẹp qúa há, rồi cũng phảI lủng tới xương. Chị em tôi khoái bóp bóp tay và chân Mẹ tuy là nói để máu thông, thật ra là để được gần gũi Mẹ, và cũng tò mò hiếu kỳ. Có lần tôi đưa cánh tay của Mẹ, đưa qua đưa lại, lên lên xuống xuống, đưa tới đẩy lui, sao cánh tay cứ xuôi theo mình, không có cảm giác gì cả. Thấy hơi kỳ, mấy đứa tôi nói chuyện với nhau lia lịa, kể nhau nghe chuyện vui và cười. Một hồi nhìn lên coi Mẹ tôi có phản ứng gì không, nhưng Mẹ tôi ngồi im ru mắt nhắm lại, không biết có nghe không, tôi cảm giác Mẹ tôi chỉ có cái đầu không có cái thân. Mỗi lần trước mặt Mẹ, Mẹ không thích ai nói chuyện, sao hôm nay Mẹ hiền ghê, không có một lời! Rồi đêm nay tôi dìu Mẹ đi cầu, lúc trở về tới giường, tôi hơi vô tình, để thân Mẹ ngồi trên giường trước, tính quay than mình lại rồi mới đỡ Mẹ lên sau. Ai dè toàn thân Mẹ tôi được tâng lên theo thế ngồi 2 cái, thật nhẹ hửng. Tôi giựt mình khiếp sợ, đây cũng là lần đầu, thường do em tôi săn sóc, không biết sao tôi đứng yên như chết, suy nghĩ và nhìn Mẹ. Tại sao thân thể không còn tự giác được. Rồi em nó nói: “không phải ngồi, thân Mẹ rất nhẹ, đỡ chút rồi ẵm lên giường là được.”
Mẹ quay lại nhìn tôi một cái và nhắm mắt cười mỉm chi. Còn tôi thì sợ, từ lần đó không dám đụng đến thân Mẹ nữa. Chắc Mẹ tôi biết tôi sợ, nên cứ kêu tôi hoài, sai tôi làm đủ thứ chuyện, làm cho 2 đứa em tôi cười lăn ra đắc chí, đã quá. Nói chung là tôi rất hồi hộp, cứ lo sợ mình làm sai chuyện, còn Mẹ tôi thì bình thản như không có gì hết. Những hiện tượng sẽ đi ngược lại với cái gì mình đang nghĩ và thật là khó mà giải thích được. Ðôi lúc ngôn ngữ qúa thừa thãi cho đến lúc mình cần dùng tới thì không tài nào diễn tả được. Nói tóm lại, trong cái khổ sẽ có cái vui, tôi rất cám ơn Mẹ… vì Mẹ cho chúng con sống,…Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật.
Biết trước ngày vãng sanh
Cháu Nghi kể, Mẹ nói với chồng con rằng: “hai năm nữa Mẹ đi vãng sanh!” Huệ-Nghi nói, chồng Huệ-Nghi không có đạo. Có lẽ vì thế mà bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết báo trước cho chồng Huệ-Nghi để sau này sự thật diễn ra thì y sẽ triệt để tin tưởng nơi Phật Phát Nhiệm Mầu.
Chẳng những bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết biết trước mình sẽ vãng sanh mà còn biết Mẹ của bà cũng sẽ vãng sanh. Tất cả đều đúng như bà Tuyết nói. Một trăm ngày sau khi tang Mẹ, Huệ-Nghi nhớ lại lá thư liền đem ra xem, thì kêu lên: “hỡi ơi là trời… tại sao tôi đọc thơ này mà lúc đó tôi không tin điều Mẹ đã nói trước.” Tôi liền tìm Sư Ông Tịnh-Không hỏi: “Thưa Sư Ông, sao Mẹ con biết trước được là y sẽ vãng sanh!?” Sư Ông trả lời rằng: “người vãng sanh có thể biết trước được 2 năm.”
Huê-Nghi tự trách mình: “tôi thật ngu xuẩn quá!”
Cắt đứt mọi tình cảm thế gian
Trở lại việc bà Diệu-Âm Huỳnh-Ngọc-Tuyết cắt đứt mọi tình cảm thế gian. Như đã nói, thuần là tình sẽ dìm xuống như Kinh Lăng Nghiêm và Niệm Phật Ba-La-Mật dạy.
Bà quyết cắt đứt mọi tình cảm thế gian để vượt thoát khỏi Tam giới, vãng sanh nơi hoa sen Cực-Lạc. Bà không có cháu nội, nên tình thương đặt vào cháu ngoại 2 tuổi tên Tuấn. Bây giờ bà phải cương quyết rời cháu cưng. Một năm trước ngày lìa thế gian, bà ôm Tuấn vào lòng và nói: “Bà có bịnh phải đi, không phải chết. Cháu đừng có buồn mà khóc. Khi nào nhớ Bà thì cứ niệm một câu A-Di-Ðà-Phật, vì Bà bị ung thư phải ngủ thật nhiều. Cháu ráng học cho giỏi để sau này giúp các sư dịch kinh sách.” Từ đó cháu không đến thăm Bà nữa.
Rồi Bà đến thăm Mẹ lần chót. Lúc từ giã bà nói: “Vú gắng niệm Phật (vú là tiếng Mẹ mà bà thường gọi) tôi về nhá, từ nay tôi không đến thăm vú nữa. Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật!”
Phần với bà con, anh em, bạn bè, bà Tuyết từ giã bằng cách mua tặng hình Phật, xâu chuỗi, đèn, chuông mõ. Bà gởi hình Tây Phương Tam Thánh về Việt Nam tặng cho anh em và gởi qua Cali cho đứa em trai út tên là Huỳnh-Hớn-Vinh và viết thơ như sau:
Lúc này chị ho dữ lắm. Nhưng không sao, chị vui vẻ chấp nhận, nghiệp chướng sẽ chuyển. Người càng ngày càng ốm (còn 39 ký lô), nhưng lòng chị càng ngày càng sáng, cũng nhờ Phật độ cho mình đã biết đường hướng nào phải đi cho đúng.
Vài lời thăm gia đình em.
Chị Huỳnh-Ngọc-Tuyết.
Bà Tuyết đắc được pháp gì?
Trong Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật có các đoạn:
“Bất cứ chúng sanh nào thậm thâm tin hiểu hoan-hỷ thọ trì danh hiệu Nam-Mô-A-Di-Ðà-Phật hoặc một ngày, hoặc bảy ngày, cho tới nhiều lần của bảy ngày, thì sẽ đắc mười phát quyết định bất khả tư nghị, như là:
1. Quyết định an trụ trong bản nguyện vĩ đại của Ðức Phật-A-Di-Ðà, chắc chắn được Ngài tiếp dẫn.
2. Quyết định hòa hợp thân và tâm vào trong kim thân của chư Phật.”
Trên đây chúng tôi chỉ trích đăng hai pháp trong mười pháp quyết định bất khả tư nghị, mà Kinh Niệm Phật Ba-La-Mật nói.
Lấy Kinh để ấn chứng thì chắc chắn bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết đã được Phật A-Di-Ðà tiếp dẫn. Nhưng nói bà Tuyết đắc được Pháp gì, thì phàm phu như chúng tôi không dám nói chắc.
Hãy nói đến việc bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết sống thuần bằng tưởng. Bà luôn luôn sống bằng sự tưởng nhớ đến Ðức Phật A-Di-Ðà. ÐạI Ðức Wu-Kai, cùng ở Tịnh-Không, viết ký sự sau khi bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết mất có đoạn:
Mấy tháng cuối cùng chỉ có sáu vị Pháp sư của Tịnh-Trung Học Viện Dallas (Hoa Kỳ) đến nhà niệm Phật, Bà quyết tâm vãng sanh Cực-Lạc. Bà chặt dứt tất cả tình cảm, vật chất. Ngoài con đường giải thoát bà không còn mong muốn gì nữa: “Nếu như không dứt tất cả thì mình sẽ đi không kịp nữa.”
Bà dứt hết tất cả tình cảm gia đình, tình bằng hữu, bạn đạo, cho dù họ muốn tụng kinh cho bà, bà cũng từ chối. Bà nhứt quyết ra đi. Bà không luyến tuyết một điều gì. Bà chỉ biết bố thí. Trong phòng của bà chỉ có một bàn thờ, một tượng Phật, một giường, một ghế. Người nào đến hộ niệm thì ngồi vào chiếc ghế duy nhứt ấy.
Cần niệm Phật liên tiếp 8 giờ đồng hồ
Trước khi bà trút hơi thở cuối cùng chỉ có Pháp Sư của Tịnh-Trung Học Viện, Dallas, đến nhà của bà. Bà muốn như vậy, bà không muốn người ngoài đến hộ niệm. Bà Tuyết từng nhắc các con gái hãy đọc kỹ và nhớ quyển sách “lâm chung, những điều cần biết” vì bà mong rằng qúi Sư cùng các con bà niệm Phật trong suốt 8 giờ đồng hồ. Sau đó thì tùy các con xử lấy, bà Tuyết có nói với con gái của bà là chỉ cần 8 tiếng thôi, sau đó thì không có nghĩa lý gì hết. Nhớ đừng có mua cái hòm loại đắt tiền, đừng phí tiền mua hoa đẹp; tất cả chỉ làm cho người ta coi thôi, còn đối với Mẹ chỉ là cái xác vô nghĩa. Bà đã xin bác sĩ được phép để nhục thân của bà trong nhà trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ, bác sĩ đã đồng ý và đã ký giấy phép, vì về phương diện pháp luật, có thể được. Trong nước Mỹ, người chết được đưa vào nhà xác lập tức. Trong Phật Giáo, sau khi chết, linh hồn chưa rời khỏi thân thể cho nên ít nhứt sau tám tiếng đồng hồ mới được di chuyển xác. Trong tám tiếng đồng hồ ấy, không thay quần áo, không tắm rửa, không đưa vào phòng lạnh nghĩa là không chạm tới nhục thân. Không đưa vào phòng lạnh để tránh cho người chết không đau khổ, lúc ấy tâm sân nổi lên, thần thức sẽ xuống địa ngục.
Phật A-Di-Ðà đến rước!
Ngày 28-2-1996, vào lúc 7 giờ sáng, cháu Ái-Nhi gọi điện thoại cho Pháp sư của Tịnh-Trung Học Viện cho hay Mẹ của cháu sắp mất. Ðến 8 giờ 30 Pháp sư vào phòng của bà bắt đầu hộ niệm. Lúc bấy giờ bà chỉ còn thở rất yếu, không nhúc nhích nữa. Sau mười một giờ trưa, ánh sánh giống như màu hạt gạo hơi vàng chiếu qua cửa sổ, xuyên qua bức màn màu trắng khiến cho nguyên cả phòng đều sáng rực. Ành sáng ấy xuyên qua như thế thì khuôn mặt bà thay đổi. Hôm ấy là một ngày u ám, không có ánh sáng mặt trời. Ngôi nhà kề bên thật cao cho nên suốt cả năm không có ánh sáng chiếu vào phòng bà, căn nhà của bà thường âm u. Nhưng bây giờ tất cả căn nhà của bà đều sáng rực, hoàn toàn sáng rực, không có bóng của vật, cũng không có bóng của người. Ánh sáng ấy sáng hơn ánh sáng mặt trời, không thể nói được, chữ nghĩa dân gian không thể tả được ánh sáng ấy. Ánh sáng ấy tỏa xuống làm mất tiêu hết tất cả các bóng.
Nói chuyện với chúng tôi, cháu Huệ-Nghi bổ túc vào bài của Ðại-Ðức Wu-Kai: khoảng 10 giờ sáng hôm đó, tự nhiên ngửi được một mùi thơm thoáng không biết từ đâu tới, đang niệm Phật bỗng nhiên phải trố mắt ra nhìn tìm coi chuyện gì sao thơm quá, rồi chị em tôi đổ thừa cho nhau ai xức dầu thơm đó, có bị khùng không, đang niệm Phật lại đi xức dầu thơm. Khi bước ra phòng ngoài thì không ngửi thấy mùi.
Ðại Ðức Wu-Kai viết tiếp:
11 giờ 23 phút bà đi vào thế giới Cực-Lạc, đi trong ánh hào quang của Phật một cách an nhàn, thanh thản. Sau đó con của bà bắt đầu báo tin cho những bạn đạo biết để đến hộ niệm cho bà. Có tất cả khoảng chừng từ 50-60 người bạn đạo đến thay phiên nhau trợ niệm suốt 26 tiếng đồng hồ.
Cháu Nghi thêm: Và buổi tối hôm đó, mùi thơm lại tỏa thoáng từ phòng Mẹ ra tới ngoài phòng khách, cư sĩ đang ngồi niệm Phật ở hành lang và phòng ngoài đều ngửi được. Về sau có hỏi Sư Ông Tịnh-Không, Ngài cho biết đó là “Chư Thiên xuống coi, vì có người vãng sanh.”
Niệm Phật được 8 giờ, sau đó mới gọi bác sĩ tới để làm chứng. Cô y tá tới lập tức vào phòng bà Tuyết, sư Wu-Kai nhấc nhẹ tấm khăn phủ mặt để cô y tá coi, cô ấy không có đụng, gật đầu đồng ý. Tôi đem trả lại những hộp thuốc được để dành lúc trước, cô ta rất ngạc nhiên cầm lên coi, những cái bao ni lông còn nguyên chưa có mở. Cô nhìn Mẹ tôi, trong lúc đó có một người đang đứng lạy, cô ta cũng bắt chước làm theo, y lạy một lạy và bắt chước đọc A-Mi-Thò-Phò một câu và cô ấy đi về.
Ðại Ðức Wu-Kai thuật tiếp: Sau 26 tiếng đồng hồ phải di chuyển nhục thân của bà, nhục thân ấy còn mềm, không có mùi hôi. Thực sự, trong vòng một tháng trước bà không tắm, không gội vậy mà lúc ấy nhục thân bà vẫn không hôi. Thân nhân bà lúc bấy giờ không khóc lóc, ngược lại rất vui vẻ. Ba đứa con gái của bà biết được rằng Mẹ của họ đã vãng sanh, họ rất vui mừng. Tình mẫu tử như thế, người ngoài khó hiểu được. Bạn bè của bà cũng lộ vẻ vui mừng.
Bà Tuyết lưu lại Xá-Lợi
Vào ngày 4-3-1996, đoàn xe tang đưa linh cữu của bà Tuyết vào nghiã trang Restland thị xã Garland để làm lễ hỏa tang. Lễ cáo biệt, mọi người cùng nhau tụng kinh A-Di-Ðà để đưa Bồ Tát ra đi. Lễ xong, đưa nhục thân của Bồ Tát đến hỏa thiêu, một đoàn xe đưa tiễn vừa đi vừa niệm Phật bỗng nhiên từ trên không trung tỏa xuống mùi thơm không rõ từ đâu tới. Ngày 5-3-1996, chúng tôi tới phòng thiêu để lấy tro, trong mớ tro ấy có ngọc Xá-Lợi gồm có hạt Xá-Lợi và hoa Xá-Lợi. Những ngọc Xá-Lợi này được đưa về Tịnh-Trung Học Viện, Dallas để mọi người chiêm ngưỡng.
Từ giã Bồ Tát, xin chúc mừng Bồ Tát đã thoát khỏi một đêm dài luân hồi. Chúng tôi không để cho Bồ Tát đợi lâu, chúng ta sẽ cùng gặp nhau trên cõi Tây Phương Cực-Lạc.
Ðại Ðức Wu-Kai – Lý Tuyết Mai (Dallas) và Châu Gia Vi (The Colony) dịch sang Việt Ngữ
Cuối bài viết, Ðại Ðức Wu-Kai gọi bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết là Bồ Tát, gởi lời từ giã và xin chúc mừng Bồ Tát Huỳnh-Ngọc-Tuyết đã thoát khỏi một đêm dài luân hồi. Qúi sư chùa Tàu cũng thừa nhận bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết chứng qủa vị Bồ Tát, do chỗ Ðức Phật và Thánh Chúng đến tiếp dẫn nên đã có hào quang của Phật và Bồ Tát, có mùi hương thơm tỏa khắp nhà, khắp trời và sau lễ Trà Tỳ Huỳnh-Ngọc-Tuyết, đối với chúng tôi, là một bài học rất cần thiết và có giá trị. Ðó là, người ở xứ Mỹ này, khi già và đau yếu có thể chết ở tại nhà và được kéo dài 24 tiếng đồng hồ, mới đưa nhục thê đến nhà quàn, nếu có giấy của bác sĩ. Nhờ vào việc này, chúng tôi có nói chuyện với bác sĩ Nguyễn-Vĩnh-Khiêm. Bác sĩ Khiêm nói: “vì lý do tôn giáo có thể lưu xác lại 72 tiếng đồng hồ. Ðiều cần thiết là phải xin giấy của bác sĩ.”
Trong Kinh và sách nhà Phật, như trong cuốn Tạng Thư Sống Chết, Lạt Ma Sogyal Rinpoche khuyên nên chết ở tại nhà, vì không nên lay động di chuyển thân xác người chết trong vòng từ 7 đến 8 giờ đồng hồ. Trong sách Liễu Sanh Thoát Tử của Thầy Thích-Quang-Phú và sách Bí Mật Thân Trung Ấm của Nguyễn Pram (thuộc về Mật Tông); cũng nói như vậy. Vì chết ở nhà thương, sẽ bị người nhà quàn đến mang xác đi bất cứ lúc nào, khiến nhục thể bị chuyển động.
Sách Liễu Sanh Thoát Tử, do Thầy Thích-Quang-Phú dịch có nói rõ: “không nên gấp rút động đậy như dọn dẹp mền nệm, chùi rửa thay đổi quần áo, cần phải để yên tám tiếng đồng hồ, rồi sẽ tắm rửa than thể, thay đổi quần áo và nhập liệm. Nếu không theo như thế, thì khi nghiệp thức chưa hoàn toàn rời bỏ thân, bị xúc động phải cảm thọ sự đau đớn nhân đó mà sinh ra sân hận tức phải đọa vào ác đạo,” tức có thể rơi vào Ðịa Ngục, Ngã Qủy hay Súc Sanh.
Theo sự chứng đắc Pháp-Thân của bà Huỳnh-Ngọc-Tuyết, ông Nguyễn Pram viết trong sách Bí Mật Thân Trung Ấm rằng: “Người mà ngộ cao thì than thể không hôi thúi lại tỏa ra hương thơm ngạt ngào, thế gian ít có mùi hương nào có thể sánh bằng. Ðó là bực đã ngộ Pháp Thân Viên Mãn, vì chính nó là Kim Cang Thân.”
Giống như trường hợp của bà Diệu-Âm Huỳnh-Ngọc-Tuyết vậy.
No comments:
Post a Comment